Bộ Công Thương: Nhức nhối sang chiết kinh doanh gas trái phép

Thứ bảy, 28/04/2018, 09:43 AM

Bộ Công Thương cho biết, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.359 vụ, xử lý 643 vụ, thu giữ 1.781 chai khí hóa lỏng và hóa lỏng LPG chai, 15.546 chai hóa lỏng mini, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng.

bo-cong-thuong-nhuc-nhoi-sang-chiet-kinh-doanh-gas-trai-phep
Theo Bộ Công Thương tình trạng sang chiết kinh doanh gas trái phép vẫn xảy ra. Ảnh minh họa

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tích cực triển khai các kế hoạch kiểm tra, xử lý kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.

Theo Bộ Công Thương qua 6 tháng triển khai chỉ thị số 13 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.359 vụ, xử lý 643 vụ, thu giữ 1.781 chai khí hóa lỏng và khí hóa lỏng chai, 15.546 chai khí hóa lỏng mini, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng, thu giữ 02 xe bồn và 01 xe ô tô tải, 8 xe máy là phương tiện vân chuyển chai khí hóa lỏng và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 01 vụ (01 vụ Chi cục Quản lý thị trường Bắc Ninh thu giữ 24.518 vỏ chai khí hóa lỏng đang xử lý).

Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra xe tải BKS 89C–122.19 đã phát hiện 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà bị cắt, mài bỏ nhãn hiệu và tháo bỏ van bình.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện việc chiếm dụng bình gas của những doanh nghiệp uy tín. Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu (C74 - Bộ Công an) và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình kiểm tra cơ sở sang chiết gas của Công ty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang (TP Hòa Bình) đã phát hiện doanh nghiệp này đang sử dụng hàng trăm vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petrolimex, Total, Đại Hải, Shellan Gas, Siam Gas, Vinashin Ptro... Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này không có giấy tờ chứng minh việc được phép sử dụng các vỏ bình gas của các doanh nghiệp khác.

Ông Đoàn Trọng Thà - Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, trung bình một năm, các doanh nghiệp kinh doanh gas bị chiếm dụng hơn 1 triệu chiếc bình và giá thành 1 vỏ bình gas từ 450.000 - 500.000 đồng, trong khi doanh nghiệp chiếm dụng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn để "cắt tai, mài vỏ" biến thành bình của mình. Điều đó cho thấy doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính bị chiếm dụng một khoản tiền rất lớn.

Theo Bộ Công Thương tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng chiếm dụng trái phép chai khí hóa lỏng của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai khí hóa lỏng chiếm dụng bị cắt tai, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường vẫn diễn ra, có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ cao và đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Các doanh nghiệp phân phối, chiết nạp chưa có quy định rõ ràng trong việc trao đổi trả chai khí hóa lỏng hoặc hợp đồng trao đổi chai khí hóa lỏng không được một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nên xảy ra tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau dẫn đến khó kiểm soát hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình, vẫn còn một số tồn tại: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh khí hóa lỏng cạnh tranh không lành mạnh; Một số cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định, các thủ tục hành chính, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị;

Các đối tượng san chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng; Nhiều cửa hàng thường không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về quy định thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hình thức bốc xếp, bảo quản chai gas khí hóa lỏng...

 

‘Ăn theo’ dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 giá dịch vụ tăng vọt

Giá phòng nghỉ khách sạn, giá vé xe khách, giá cho thuê ô tô tự lái đều tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.