Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề xuất 'Dạy nghề cho học sinh tiểu học' gây tranh cãi

Chủ nhật, 18/10/2020, 06:47 AM

Dư luận đang tranh cãi trước việc Dự thảo của Bộ GD&ĐT đề xuất đến việc dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp tiểu học.

Dự thảo dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh tiểu học đang gây tranh cãi. (Ảnh minh họa).

Dự thảo dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh tiểu học đang gây tranh cãi. (Ảnh minh họa).

Cho học sinh 'học nghề' từ cấp Tiểu học

Theo Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Việc hướng nghiệp sắp tới sẽ được tăng cường ngay từ bậc Tiểu học, các em sẽ được giới thiệu về việc làm ngay từ cấp học này.

Nhà trường, giáo viên sẽ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc gần gũi với các em như việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề cơ bản và ngành nghề truyền thống của địa phương.

Học sinh sẽ được hướng dẫn để tham gia công việc thường ngày tại gia đình, nhà trường, qua đó các em sẽ được làm quen, rèn luyện với một số kĩ năng cơ bản, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng và học cách quản lý bản thân. Thông qua những việc này, năng khiếu của các em sẽ được phát hiện và bồi dưỡng ngay từ sớm.

Theo đó, việc hướng nghiệp của học sinh Tiểu học sẽ được kết hợp, lồng ghép cùng các môn học hiện tại trên trường cũng như trong các hoạt động giáo dục.

Giáo viên có thể thông qua tài liệu về hướng nghiệp để tổ chức hoạt động hướng nghiệp, tìm hiểu về các ngành nghề đang có trong nước, từ đó bồi dưỡng nhận thức ban đầu cho các em học sinh.

Đề xuất này gây tranh cãi khi nhiều người băn khoăn về việc, liệu hướng nghiệp cho học sinh tiểu học có quá sớm?

Bộ Giáo dục nói gì?

Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT: Thông tư được xây dựng trên nguyên tắc, nội dung, hoạt động đảm bảo phù hợp với nhận thức, trình độ và nhu cầu người học ở từng cấp học, bậc học, sẽ không gây quá tải hay quá sức đối với người học.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, 2 mảng công tác chính được quy định trong dự thảo Thông tư là: Hướng nghiệp, tư vấn việc làm và Hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, sẽ áp dụng xuyên suốt từ tiểu học đến đại học.

Từ đây, hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng được quy định tại Thông tư này không làm ảnh hưởng đến khung chương trình GDĐT của các cơ sở giáo dục.

Ở từng lĩnh vực công tác, Thông tư quy định cụ thể về nhiệm vụ, các hình thức triển khai, điều kiện đảm bảo triển khai đối với mỗi cấp học. Nhìn vào đó, các cơ sở đào tạo có thể hoạch định kế hoạch, chương trình hoạt động của mình.

Cụ thể, trong công tác hướng nghiệp, việc làm, cấp tiểu học sẽ thực hiện 04 hoạt động chính ở mức độ sơ khai, đơn giản. Trước tiên là giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.

Tiếp đến, học sinh tiểu học được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Các em rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như tìm hiểu về gia đình, cộng đồng, quản lý bản thân,...

Ông Linh cho rằng, từ đây, năng khiếu của học sinh sẽ được chú trọng phát hiện, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển cho các em.

Trong công tác này, ông Linh cho biết, mục tiêu quan trọng nhất là giúp học sinh nhận diện năng lực bản thân, phát hiện sở trường để tăng cường, phát huy và điều chỉnh, giảm thiểu tác động các sở đoản.

Hướng nghiệp, tư vấn việc làm còn trực tiếp giúp công tác phân luồng sau cấp THCS tốt hơn. Luật Lao động hiện nay cho phép 1 số công việc phù hợp với 15 tuổi trở lên; Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương bình và Xã hội cùng nghiên cứu có qui định, điều kiện về việc làm thêm cho học sinh, sinh viên phù hợp với Luật Lao động.

Làm tốt công tác hướng nghiệp: Chất lượng nguồn nhân lực sẽ thích ứng tốt với yêu cầu thị trường cao hơn; sẽ giúp nâng cao chất lượng việc làm, giảm thất nghiệp, đảm bảo làm việc đúng sở trường, đồng thời thúc đẩy dịch chuyển lao động trong khu vực Asean và trên thế giới. “Hướng nghiệp, tư vấn việc làm tốt sẽ cân đối được ngành, nghề trong xã hội tốt hơn”, ông Bùi Văn Linh khẳng định.

Bài liên quan