Bộ Giáo dục đưa phương án chính thức chỉnh sửa sách Tiếng Việt lớp 1

Thứ sáu, 16/10/2020, 06:28 AM

Nhiều bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều sẽ được chỉnh sửa thay thế nội dung cho phù hợp như bài: Cua, cò và đàn cá", "Hai con ngựa"...

Sách tiếng Việt lớp 1 Cánh diều sẽ được chỉnh sửa, thay thế nhiều bài.

Sách tiếng Việt lớp 1 Cánh diều sẽ được chỉnh sửa, thay thế nhiều bài.

Chỉnh sửa sách Tiếng Việt lớp 1 trước 15/11

Liên quan đến sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều đang gây dậy sóng dư luận, mới đây tin từ Bộ GD&ĐT cho biết: Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Việt đã báo cáo Bộ Trưởng GD&ĐT về những nội dung sau khi rà soát, làm việc với nhóm tác giả SGK môn Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều.

Theo đó, hội đồng thẩm định và nhóm tác giả thống nhất tiếp thu ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn với tình hình dạy học thực tế.

Cụ thể, nhóm tác giả và hội đồng thẩm định thống nhất chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc. Những bài đọc như Cua, cò và đàn cá trang 115, bài Hai con ngựa trang 157, bài Lừa, thỏ và cọp trang 163… sẽ được thay thế.

Một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén" cũng được thay thế bằng từ ngữ thông dụng, dễ hiểu hơn.

Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn, bài đa nghĩa. Hội đồng thẩm định khuyến nghị nên lựa chọn đoạn, bài trong kho tàng văn học Việt Nam.

Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để Hội đồng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Sách Tiếng Việt lớp 1 cần sử dụng ca dao, thơ Việt Nam cho trẻ dễ hiểu

Chia sẻ với PV về những tâm tư sau khi đọc bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm tác giả Cánh diều đang làm dậy sóng dư luận, TS Nguyễn Văn Khải - một nhà giáo kỳ cựu giảng dạy môn Vật Lý cho rằng, dạy trẻ lớp 1 điều quan trọng là để các cháu biết viết, biết đọc, hiểu ý nghĩa nhân văn đầu đời.

Tuy nhiên, dưới kinh nghiệm một nhà giáo và bạn đọc ông cho rằng, trong sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm tác giả Cánh diều cũng như nhiều bộ sách khác hiện nay ông chưa thấy điều này.

"Tại sao kho tàng ca dao, tục ngữ, văn học ở ta rất nhiều nhưng các tác giả lại không đưa vào giảng dạy mà cứ phải lấy những truyện ngụ ngôn nước ngoài, khó hiểu, vòng vo...?

Trong đầm thì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng... những câu thơ ấy, ca dao ấy đẹp biết mấy mà các cháu lớp 1 đọc cũng rất dễ nhớ, giáo viên cũng không phải giải thích quá nhiều... Thế nhưng đọc những cuốn sách hiện giờ tôi chỉ thấy thất vọng. Không rõ họ cẩu thả, lười lao động, biên tập hay do họ có tư duy khác...", ông Khải chia sẻ thêm.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 05 bộ SGK (trong đó có bộ sách Cánh Diều), với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy.

Theo Bộ GD&ĐT, các bộ SGK được phê duyệt theo đúng quy định, dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục với 1/3 thành viên là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy môn học này ở cấp học tương ứng.

Tất cả các quyển SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó SGK có vài trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành SGK theo hình thức xã hội hóa.

Tuy vậy, sau hơn một tháng triển khai chương trình và SGK mới, sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều (do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM phát hành) bị phản ánh có một số nội dung chưa phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh sửa.

Bài liên quan