Thứ sáu, 03/05/2019, 09:54 AM
  • Click để copy

Bộ Giao thông đề nghị tăng mức xử phạt tài xế uống rượu bia

Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu tăng mức phạt đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe.

 Bộ Giao thông đề nghị tăng mức xử phạt tài xế uống rượu bia.
Bộ Giao thông đề nghị tăng mức xử phạt tài xế uống rượu bia.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có chỉ thị yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ An toàn giao thông nghiên cứu sửa đổi nghị định 46/2016, theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm. Đặc biệt là việc các tài xế uống rượu bia.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, phối hợp với CSGT xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Bộ GTVT đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”, khẩn trương phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân năm 2020 trình Lãnh đạo Ủy ban ký ban hành.

Đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng quán triệt thực hiện nghiêm việc không được sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ và khi tham gia giao thông.

Đề nghị này của Bộ trưởng Bộ GTVT được dư luận hết sức hoan nghênh, nhất là khi vừa qua trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do những tài xế "ma men" gây ra.

Đầu tiên là vụ việc tài xế xe Mercedes tông chết nữ lao công trên đường Láng (Đống Đa - Hà Nội) xảy ra 23h đêm 22/4. Tại cơ quan điều tra, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) khai nhận, do gia đình có đám nên đã uống 6-7 cốc bia trước khi lái xe.  Do hoảng loạn anh ta đạp nhầm vào chân ga khiến xảy ra tai nạn liên hoàn.

Cảnh sát xác định nồng độ cồn trong khí thở của Tuyên ở mức 1,041mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Mới đây, vào khoảng 0h sáng 1/5, tại hầm Kim Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại Văn Cao, Ba Đình)  sau khi uống rượu tại buổi họp lớp vào đêm 30/4, anh ta điều khiển xe ô tô Mercedes màu trắng BKS 30F-154.78.

Khi đến hầm Kim Liên anh ta đã tông vào 2 phụ nữ đi xe máy tại hầm Kim Liên khiến cả 2 nạn nhân tử vong.

Các nạn nhân được xác định là chị Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trần Thị Quỳnh (SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội).

khoi-to-vu-an-xe-o-to-dien-tong-chet-nu-lao-cong-tren-duong-lang
Hiện trường vụ nữ lao công bị tài xế "ma men" tông tử vong tại đường Láng.

Được biết, nạn nhân Trần Thị Quỳnh hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Trong quá trình công tác, cô giáo Quỳnh có chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và phụ huynh các em học sinh quý mến. Còn nạn nhân Đinh Thị Hải Yến hiện đang là diễn viên trẻ ở Nhà hát kịch Việt Nam...

Sau vụ việc dư luận đã lên án hành vi lái xe khi đã uống rượu bia và cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay để những vụ tai nạn giao thông thương tâm không còn xảy ra.

Một số luật sư thậm chí nêu quan điểm cho rằng, đối với tài xế đã uống rượu bia mà điều khiển xe gây tai nạn phải xử tội "Giết người". 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận: Dù gây hậu quả nghiêm trọng, có các tình tiết tăng nặng như sử dụng rượu bia, làm chết 2 người, bỏ chạy sau khi gây tai nạn… nhưng khung hình phạt cao nhất cho tài xế trong vụ tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên cũng chỉ là 10 năm tù.

Luật sư cho biết: "Hiện nay, hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ".

Từ đó, luật sư Thơm cho rằng, phải xếp hành vi này vào nhóm tội cố ý. Vì pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

“Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu gây thương tích từ 11% trở lên thì xử tội cố ý gây thương tích, gây ra chết người thì xử theo tội danh giết người. Như vậy mới đủ sức răn đe”, ông Thơm kiến nghị.

Trong trường hợp chưa gây tai nạn nhưng tài xế sử dụng rượu bia bị lực lượng tuần tra kiểm soát phát hiện, nếu nồng độ cồn ở mức cao và gây ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi ở mức nghiêm trọng thì có thể xem xét tước bằng trong một thời gian dài (hơn quy định của luật hiện nay), đồng thời tăng mức xử phạt hành chính.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết hiện chưa có quy định nào của pháp luật về việc tịch thu bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện hay cấm lái xe có thời hạn với những trường hợp sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn. Vì thế, cần phải sửa đổi các quy định để có chế tài nghiêm khắc hơn mới ngăn chặn được những sự việc đau lòng như vừa qua.

 

Hà Nội cấm nhiều tuyến đường phục vụ Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh

Hà Nội sẽ cấm và hạn chế phương tiện trên nhiều tuyến phố từ 6h-12h ngày mai (3/5), để phục vụ lễ Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

TP HCM: Cơ quan, công sở treo cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Nhiều cơ quan, công sở đã tiến hành treo cờ rủ trước ngày Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.