Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT: Không chỉ doanh nghiệp vận tải bức xúc

Thứ hai, 18/05/2020, 13:22 PM

Đưa ra lý lẽ về đề xuất tăng phí BOT là để cứu các nhà đầu tư do doanh thu sụt giảm vì Covid-19, nhưng Bộ GTVT cần biết các doanh nghiệp vận tải cũng đang lao.

Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT để bảo vệ các nhà đầu tư khiến doanh nghiệp vận tải và người dân bức xúc.

Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT để bảo vệ các nhà đầu tư khiến doanh nghiệp vận tải và người dân bức xúc.

Tăng phí BOT để cứu nhà đầu tư, ai cứu doanh nghiệp, người dân?

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc Bộ GTVT đang đề xuất chính phủ tăng phí BOT để "cứu" các nhà đầu tư do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề xuất của Bộ GTVT ngay lập tức gây lên làn sóng phản đối từ người dân và các doanh nghiệp vận tải. Đa phần cho rằng, dịch Covid-19 thì mọi ngành nghề kinh tế đều ảnh hưởng không riêng gì các nhà đầu tư BOT.

Hơn thế, thời gian qua do việc cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải cũng là những khối ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi khách thì không có, xe thì bỏ trống không được lưu thông, tài xế thì thất nghiệp…

Nhiều doanh nghiệp mua vé BOT tháng nhưng sau đó cũng bỏ không. Dù vậy, thay vì nghĩ cho các doanh nghiệp và người dân Bộ GTVT lại chỉ tính toán để làm lợi cho các nhà đầu tư BOT, lo các nhà đầu tư BOT sụt giảm doanh thu.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) là một doanh nghiệp vận tải hành khách lớn cho rằng: Trong khi tần suất hoạt động vận tải, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến lưu thông hàng hóa đều bị ảnh hưởng thì phí BOT, bảo trì đường bộ đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Trong khi các loại thuế phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng vẫn giữ nguyên... thì mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của doanh nghiệp hiện đang rất cao. Nếu tăng phí BOT để cứu vãn nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác"- ông Hải nói.

Theo ông Hải, phí BOT đang là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí). Vì vậy trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và thời điểm điều chỉnh tăng là không phù hợp.

Nếu cần thiết phải điều chỉnh để "cứu" nhà đầu tư thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa đi lại bình thường và kinh tế xã hội phục hồi.

Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt)  cho biết, các doanh nghiệp vận tải cũng như Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi, doanh nghiệp còn chưa được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ thì nay Bộ GTVT lại kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước.

“Chưa giảm cho doanh nghiệp vận tải được một đồng nào để hỗ trợ khó khăn, doanh nghiệp vận tải khách như chúng tôi còn đang “sống dở chết dở” thì nay lại  bị “đạp” thêm cái nữa thì có khi chết hẳn”- ông Bằng bày tỏ.

Cũng theo ông Bằng, việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng, về lý thì đúng nhưng về tình, vào thời điểm tất cả các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp” do dịch bệnh thì việc tăng phí BOT một loạt các trạm là rất phản cảm, không hợp tình.

Dẫn chứng như Công ty Minh Thành Phát hiện nay, ông Bằng cho hay, đến nay mới chỉ hoạt động được khoảng 40% số xe của doanh nghiệp đang có, và số khách cũng chỉ khoảng 30-40% so với trước đây. Số xe còn lại đang nằm đắp chiếp. Đây không chỉ là tình trạng của riêng Công ty Minh Thành Phát mà của tất cả các doanh nghiệp vận tải khách hiện nay.

“Chúng tôi không phản đối việc tăng phí dự án BOT theo lộ trình, nhưng cũng rất mong Bộ GTVT, các doanh nghiệp BOT chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải. Vì chúng tôi khôi phục lại được kinh doanh thì trạm BOT cũng mới có thu đủ, trong bối cảnh hiện nay việc đồng loạt tăng phí các trạm BOT trên cả nước là rất phản cảm”- ông Bằng nêu ý kiến.

Tăng phí BOT là trái quy luật thị trường

Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng: Việc đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này là không phù hợp, vì các doanh nghiệp vận tải cũng đang rất khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Đến nay, các doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng lượng khách, hàng hóa cũng ít, tần suất chạy thấp. Do vậy, Bộ GTVT nên thận trọng trong việc đề xuất tăng phí một loạt trạm BOT vào thời điểm này.

Nhìn nhận về cách thức đầu tư, quản lý BOT thời gian qua, nhiều chuyên gia giao thông kinh tế thắc mắc rằng, tại sao Bộ GTVT, cơ quan quản lý nhà nước lại có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư BOT đến vậy?

Từng chia sẻ quan điểm với PV, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư BOT cũng như làm kinh tế phải chấp nhận quy luật thị trường lời ăn, lỗ chịu.

“Làm gì có kiểu đầu tư phải đảm bảo có lời… còn nếu cam kết đầu tư BOT phải có lời thì đứa trẻ lên 3 cũng có thể trở thành nhà đầu tư”, vị chuyên gia này bày tỏ.

BOT là một kiểu làm ăn. Mà làm ăn thì phải chấp nhận những lý do bất khả kháng do thiên tai, địch bệnh. Nhà đầu tư BOT, dù là doanh nghiệp làm cầu đường hay người đứng sau cung cấp vốn; dù là công khai hay không công khai nấp sau các trạm thu phí, cũng không thể cứ chăm chăm tính toán thu tiền thông qua những bản cam kết tăng phí theo lộ trình để đảm bảo cho mình luôn luôn có lãi ít nhất 10% mà quên đi những khó khăn của người sử dụng dịch vụ.        

Hỗ trợ cho doanh nghiệp BOT có thể có nhiều cách. Nhưng chọn cách bổ lên đầu dân để thu “tiền tươi thóc thật” như Bộ GTVT đề xuất thì là một kiểu đòi hỏi quá đáng, quá vô tâm với dân trong lúc khó khăn.   

“Cố đấm ăn xôi” chưa bao giờ là một giải pháp đúng và Bộ GTVT cũng đừng trách dư luận nghi ngờ về sự vô tư của mình khi đặt câu hỏi: Tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT muốn để bảo vệ ai?

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy thì cho rằng, suốt thời gian dài qua Bộ GTVT vẫn chưa làm được dứt điểm việc thu phí không dừng để minh bạch các khoản thu của BOT.

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh Thông Luật) cho rằng: Dịch thì ai cũng bị thiệt hại từ doanh nghiệp đến nhân dân.

“Doanh nghiệp và nhân dân thiệt hại họ biết kêu ai? Trong khi các nhà đầu tư BOT còn có nguồn tiền thu từ vé tháng, vẫn có xe chạy hàng ngày dù ít.

Hơn nữa đã là kinh doanh thì lời ăn, lỗ chịu. Với sự kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ, sự đồng lòng của nhân dân thì bây giờ giao thông cũng đã trở lại bình thường. Các nhà đầu tư BOT tính ra chỉ ảnh hưởng chỉ có 1 tháng, vậy hà cớ gì Bộ GTVT phải lo lắng tăng phí? La ó để người dân giải cứu?”.

Việc Bộ GTVT đề xuất chính phủ tăng phí BOT cũng khiến người dân lo ngại bởi khi tăng phí BOT đồng nghĩa người dân di chuyển trên đường cũng phải móc thêm hầu bao.

Hơn thế, nếu tăng phí BOT thì giá vận tải cũng tăng và mọi khoản đều sẽ đổ lên đầu nhân dân, giá trị hàng hóa tăng, giá vé xe tăng...