Bộ, ngành không trả trụ sở cũ: Thử thách công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ

Thứ ba, 30/07/2019, 13:57 PM

Theo ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc bộ, ngành không chịu trả trụ sở cũ là bài toán thử thách công tác phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai với Chính phủ.

bo-nganh-khong-tra-tru-so-cu-thu-thach-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-quan-ly-dat-dai
Dù đã có trụ sở mới nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn không chịu bàn giao trụ sở cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh cho Hà Nội.

Như chúng tôi đã thông tin, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy liên quan đến việc di dời trụ sở Bộ ngành ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Theo đó, thực hiện chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đến nay, đã có 9 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới bao gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào hồi đầu tháng 6 vừa qua, vấn đề về nhiều cơ quan nhà nước sau khi di dời vẫn “ôm ” trụ sở cũ không chịu bàn giao lại đất cũng làm "nóng" nghị trường.

Trước thực trạng một số bộ, ngành quyết “ôm” trụ sở cũ, trao đổi với phóng viên sáng ngày 30/7, ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, nguyên nhân chính nằm ở giá trị đất giữa khu vực trụ sở cũ và trụ sở mới. The đó, trụ sở cũ của các bộ, ngành đều nằm vị trí đất vàng có giá trị.

Ông Trần Quốc Thuận phân tích, trong câu chuyện bộ, ngành không trả trụ sở cũ dù có trụ sở mới khang trang đặt ra câu chuyện về quyền sở hữu đất đai.

bo-nganh-khong-tra-tru-so-cu-thu-thach-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-quan-ly-dat-dai
Theo ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc bộ, ngành không chịu trả trụ sở cũ là bài toán thử thách công tác phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai với Chính phủ.

“Hiến pháp nêu rõ đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do đó, không có đất của bộ, ngành nào cả, ở đây là đất nhà nước giao làm trụ sở hoạt động và có quyền thu hồi. Vì thế, việc trả trụ sở cũ khi có nơi làm việc mới là yêu cầu bắt buộc, phải làm”,  ông Trần Quốc Thuận cho biết.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu quan điểm, việc yêu cầu bộ, ngành trả lại trụ sở cũ nằm trong quy định của pháp luật, vấn đề ở chỗ thực thi.

“Việc bộ, ngành không chịu trả trụ sở cũ là bài toán thử thách công tác phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai với Chính phủ”, ông Thuận nói.

Ngoài việc thu hồi trụ sở cũ bàn giao lại cho Hà Nội quản lý, ông Thuận đề nghị cần nghiên cứu phương án đấu giá các khu đất này để lấy tiền xây dựng trụ sở mới các bộ, ngành.

Trả lời trên Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Quân (hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, nhiều trụ sở cũ của các bộ, ngành đang là di sản của kiến trúc Pháp, nằm trong khu phố Pháp của Hà Nội, được xác định có giá trị lịch sử, văn hóa.

Ví dụ như trụ sở của các bộ: Giao thông vận tải, Văn hóa - thể thao và du lịch, Lao động - thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội VN.

Đừng chỉ nghĩ tới việc đấu giá đất trụ sở cũ để thu tiền cho ngân sách, phải có ứng xử phù hợp với những công trình văn hóa mới là điều cần quan tâm.

Mỗi công trình trụ sở bộ, ngành cũ hiện có những giá trị kiến trúc, văn hóa khác nhau, nên phải xây dựng phương án ứng xử với từng công trình dựa trên những đánh giá cụ thể, từ đó lên phương án tổng thể về chuyển đổi chức năng các cơ sở bộ, ngành cũ.

Cần thực hiện điều này trước khi tính tới phương án đấu giá đất trụ sở cũ của bộ, ngành.

Câu chuyện tài chính là câu chuyện cuối cùng vì có những trụ sở bộ, ngành cũ không thể đem đấu giá đất.

Những trụ sở này cần bàn giao lại cho TP Hà Nội quản lý, chuyển đổi chức năng thành một bảo tàng, nhà lưu niệm hay trung tâm thư viện của TP có tính chất công cộng, phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng có những trụ sở bộ, ngành có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác dịch vụ thương mại kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc.

Để có phương án sử dụng trụ sở bộ, ngành cũ, TP Hà Nội cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và nhà nghiên cứu lịch sử để có những đánh giá chuẩn mực trước khi quyết định.

 

Cận cảnh những dự án ‘rùa bò’ trên đất vàng ở Huế

Nằm ở vị trí đắc địa của thành phố Huế, thế nhưng hiện nay, nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đang bất động, xung quanh được che chắn hàng rào bằng tôn.

 

Bà Bùi Thị An: Bộ, ngành không trả trụ sở cũ đề nghị xử lý bộ trưởng, trưởng ngành

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, Chính phủ phải ấn định một thời gian cụ thể yêu cầu bộ, ngành trả lại trụ sở cũ, đơn vị nào không chấp hành đề nghị xử lý bộ trưởng, trưởng ngành.

 

Có trụ sở mới vẫn không chịu trả trụ sở cũ: Biểu hiện của 'tham nhũng'?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc các bộ ngành có trụ sở mới nhưng không chịu trả lại trụ sở cũ là biểu hiện của tham nhũng của công, lạm quyền.