Bộ Tài chính lên tiếng lý giải vì sao tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Thứ hai, 26/02/2018, 14:42 PM

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nguồn thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ được đưa vào ngân sách dùng cho chi tiêu chung trong đó có chi cho bảo vệ môi trường.

thue-bao-ve-moi-truong-xang-dau-dua-vao-ngan-sach-chi-tieu-chung
Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu để đưa vào ngân sách chi tiêu chung. Ảnh Chí Hiếu

Trước phản ứng của dư luận xung quanh dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường sẽ điều chỉnh tăng với mặt hàng xăng, dầu. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1.000 đồng, lên 4.000 đồng/lít- mức kịch trần theo khung hiện hành; với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên 2.000 đồng/lít (kg) - cũng là mức trần khung hiện hành.

Mới đây trả lời phỏng vấn báo chí ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết việc điều chỉnh mức tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững, trong đó có giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu NSNN.

Cùng với đó là thực hiện NQ 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội thì cũng đưa ra 1 giải pháp cơ cấu lại NSNN là phải hoàn thiện cơ cấu lại nguồn thu NSNN, phải khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường.

thue-bao-ve-moi-truong-xang-dau-dua-vao-ngan-sach-chi-tieu-chung
Ông Phạm Đình Thi lý giải định hướng chính sách sửa đổi bổ sung các luật thuế - ảnh H. Lực

Theo ông Phạm Đình Thi hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có ý kiến thông báo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.

“Thực hiện các quan điểm, chủ trương trên và để phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường”, ông Thi nói

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, đề xuất này còn xuất phát từ việc Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 FTA. Nhất là xăng, mức thuế cam kết trong WTO là NK 40% tuy nhiên mức thuế ưu đãi chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA thì chúng ta còn phải giảm dần mức thuế NK đối với xăng dầu. Mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Từ 2015, trong ATIGA thì dầu đã về 0% rồi.

Trước thắc mắc của dư luận cho rằng việc tăng này có nhằm bù đắp các khoản thu ngân sách do thiếu hụt từ thuế nhập khẩu các mặt hàng này không và có ý kiến cho rằng thiếu hụt ngân sách nên Bộ Tài chính mới tăng thuế…

Teo ông Thi, người dân cần phải nhìn nhận trên nhiều giác độ khác nhau.

Đối với xăng dầu, hiện nay đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Đây là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

“Tuy nhiên, phải xét trên giác độ bảo vệ môi trường có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường.

Mặt khác, giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước”, ông Thi nói.

Về việc sử dụng nguồn thu khi tăng thuế bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi khẳng định, theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

“Theo tính toán của chúng tôi, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng, toàn bộ số tiền sẽ đưa vào ngân sách nhà nước”, ông Thi cho hay.

Trước đó trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 cho rằng,  mức tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đề xuất tuy chỉ tăng thêm 1.000 đồng/ lít xăng nhưng tác động của nó đến cung – cầu, đến giá cả hàng hóa rất lớn. Giá đầu vào sản phẩm gồm: Chi phí nguyên liệu, chi phí sản xuất nguyên liêu, vận chuyển nguyên liệu, chi phí thuế, phí, chí phí nhân công. Đến khi sản phẩm sản xuất ra phải gánh thêm chi phí vận tải, chi phí bán hàng, quảng cáo, tiếp thị.

Khi tăng giá xăng sẽ nâng giá đầu vào, đồng nghĩa giá thành sản phẩm bán ra sẽ tăng. Sản phẩm tăng doanh nghiệp sẽ khó tiêu thụ sản phẩm bởi người dân thắt chặt chi tiêu, người dân chỉ chi tiền cho sản phẩm hàng hóa thiết yếu. Từ đó doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến thu hẹp sản xuất và cuối cùng có thể là phá sản, giải thể.

“Trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính phải lý giải thuyết phục người dân về lý do tăng thuế, nếu minh bạch tôi nghĩ người dân còn ủng hộ vì đồng tiền của họ đã được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa. Còn không thì có thu thêm dù chỉ một đồng, dân vẫn bất mãn”, bà An cho hay.

 

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu: Có đi ngược tinh thần kiến tạo của Chính phủ?

Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường để bù nguồn thu hao hụt do thuế nhập khẩu giảm thì nên giảm chi ngân sách, giảm biên chế trả lương. Bởi tăng thuế không chỉ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mà còn đi ngược với tinh thần kiến tạo của Chính phủ.

 

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kịch khung: Túi tiền người dân đâu phải nồi cơm Thạch Sanh

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa 13 Bộ Tài chính cần công khai việc sử dụng tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, người dân nộp thuế phải biết thuế đó dùng làm gì, đầu tư vào đâu, chi có đúng mục đích không…

 

Thuế xăng dầu tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít: Người nghèo chịu thiệt nhất

Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ 1/7 tới. .