Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng về cảnh báo ô nhiễm không khí

Thứ tư, 02/10/2019, 18:55 PM

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, các trang mạng phản ánh chất lượng không khí trên toàn cầu là trang mạng nước ngoài mà theo Bộ tìm hiểu, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc không khí khắc nhau của Hà Nội và TP HCM lắp đặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội và TP HCM giải trình tình hình ô nhiễm không khí. (Ảnh: VGP).

Ngày 2/10, tại phiên phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến thực trạng môi trường tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP HCM ô nhiễm không khí, khiến người dân kêu ca nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo 2 thành phố lớn báo cáo, giải trình, làm rõ thêm tình hình để sớm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Thông tin thêm về vấn đề ô nhiễm không khí, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Thế Hùng nêu bối cảnh đây là thời điểm chúng ta có biến đổi khí hậu và vào giai đoạn chuyển mùa đều có hiện tượng này. “Vừa qua, thời tiết không có gió và mưa, tạo lớp sương mù nên vấn đề khuếch tán của bụi hạt mịn có tác động rất lớn”, ông Hùng nói.

Hà Nội có nhiều trạm quan trắc theo dõi tất cả các chỉ số về không khí, hạt bụi mịn 10 và 2.5 micromet, qua thời gian đo, ông Hùng cho biết các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn, còn riêng hạt bụi mịn thì vượt ngưỡng.

Ông Hùng nhấn mạnh Hà Nội xác định việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên và hàng ngày, trên các trang thông tin của TP và sở ngành đều có đầy đủ thông tin về không khí.

Theo ông, môi trường không khí bị ô nhiễm phải xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, vấn đề là đo và đánh giá thế nào cho chuẩn và đề nghị lấy số liệu được quy chuẩn ở Việt Nam mới có thông tin chính xác.

Ông cũng cho hay Hà Nội xác định có nhiều nguyên nhân như khí thải từ phương tiện ôtô, đốt than tổ ong, tháo gỡ công trình, vật liệu xây dựng và do người dân đốt rơm rạ…

“Hà Nội đang tập trung thực hiện các biện pháp, cải thiện môi trường không khí, đã lắp đặt các trạm quan trắc và đến năm 2020 sẽ hoàn thành lắp đặt 25 trạm trên địa bàn, theo đúng quy chuẩn của Việt Nam”, Phó chủ tịch Hà Nội thông tin.

Ông cũng cho biết TP sẽ tập trung xử lý đảm bảo để các nguồn xả thải không ảnh hưởng đến môi trường không khí, quản lý các nhà máy xử lý nước thải… Đặc biệt, làm sao giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng và tuyên truyền trồng cây xanh, vận động dân không đốt rơm rạ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho hay các thông tin chi tiết về vấn đề Bộ và Hà Nội đã cung cấp cho báo chí thời gian qua.

Nhiều thông tin cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục đạt mức nguy hiểm.
Nhiều thông tin cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục đạt mức nguy hiểm.

Theo ông, với sự phát triển của cách mạng 4.0, việc có nhiều ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu cho người dân rất phát triển. Bên cạnh đó, các trang mạng phản ánh chất lượng không khí trên toàn cầu là trang mạng nước ngoài mà theo Bộ tìm hiểu, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc không khí khắc nhau của Hà Nội và TP HCM lắp đặt có các trang mạng này đặt hàng và truyền thông tin cho các trang này.

Về hạt bụi mịn PM2.5, ông Thành cho biết có kích thước hết sức nhỏ, để đo được nồng độ của hạt bụi này trước đây rất khó khăn nhưng giờ có công nghệ hiện đại nên có thể đo bằng nhiều phương pháp khác nhau. “Có những thiết bị đo theo công nghệ mới hiện nay như thiết bị cầm tay cũng cho ra kết quả tức thời nhưng độ chính xác chưa được chuẩn hóa nên thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu muốn có thông tin chính thức thì vào trang chính thống của cơ quan chức năng như Tổng cục Môi trường”, ông Thành nói.

Về chất lượng không khí thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TNMT cho hay Hà Nội và TP.HCM đều có kế hoạch lắp thêm trạm đo về chất lượng không khí, cảnh báo kịp thời hơn cho người dân vào mùa chất lượng không khí sụt giảm. “Nhưng chất lượng không khí sụt giảm cũng có lúc, có nơi, phụ thuộc vào nơi lắp đặt thiết bị đo. Có nơi đặt thiết bị gần nơi bụi thì chỉ số cao nhưng không đại diện cho môi trường nơi đó”, Thứ trưởng Lê Công Thành giải thích.

Về dài hạn, ông cho biết Chính phủ có kế hoạch theo dõi, giám sát, tăng cường chất lượng không khí cũng như ban hành các quy định giảm các nguồn có thể phát thải bụi mịn vào không khí. Thời gian tới Bộ TNMT và các địa phương sẽ triển khai kế hoạch này để cải thiện không khí tại các TP lớn.

Những ngày qua, người dân lo lắng khi một số thông tin lan truyền về các chỉ số về môi trường ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM ở mức kém.

Bộ TN&MT nhận định nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội trong thời gian qua cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu có nhu cầu ra ngoài, người dân cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.

Nhiều người dân đang hết sức lo lắng trước vấn nạn ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường. Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia cho rằng, để không khí không ô nhiễm thì cần sự vào cuộc chung của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân.