Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích 'sáng kiến' thu rác theo kg

Thứ sáu, 12/06/2020, 18:53 PM

Dư luận đang xôn xao với ý kiến của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề xuất phương án thu phí rác thải theo khối lượng, kg.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề xuất thu rác thải theo kg.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề xuất thu rác thải theo kg.

 

Thu rác theo kg gây tranh cãi

Thu rác theo kg, thu rác theo khối lượng, thu rác theo cân là chủ đề đang gây tranh cãi trong dư luận sau khi Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Trần Hồng Hà đã đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối, theo kg.

Cụ thể, Thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng 12/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Dự thảo Luật bảo vệ môi trường xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam.

“Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, Bộ trưởng TN&MT thông tin và giải thích, trước mắt và hiện tại, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng lên, sẽ điều chỉnh dần dần để người dân trả cả chi phí này.

Theo ông Hà, dự thảo luật cũng đã đưa ra các quy định bắt buộc nhằm thúc đẩy việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, như yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải mua túi, bao bì, thiết bị chứa đối với chất thải sinh hoạt và quy định các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển có quyền từ chối việc thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt.

Theo dự thảo luật trình ra Quốc hội, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 4 loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác...

Ngay sau khi thông tin đề xuất thu rác theo kg, theo khối lượng được thông tin đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Nhiều ý kiến bày tỏ cho rằng đề xuất không khả thi bởi nếu thu rác theo kg thì nhiều người dân thiếu ý thức sẽ đem "tẩu tán" vất rác bừa bãi không đời nào chịu đóng tiền, tiếp đó sẽ phát sinh nhiều bãi rác tự phát.

Lo ngại tiếp là lực lượng thu gom rác thải có mang theo cân hay làm như thế nào để cân rác với mỗi hộ dân...?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích gì về đề xuất thu rác theo kg?

Bên hành lang Quốc hội hôm 12/6, giải thích với báo chí về đề xuất đề xuất thu rác theo kg, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nói: "Việc thu phí đối với việc xử lý rác thải sinh hoạt có mục đích quan trọng nhất là không đánh đồng bình quân, như hiện nay là đang thu 10.000-20.000 đồng/hộ, mà tính trên lượng rác thải ra, người xả rác phải chi trả đúng với lượng rác đã thải ra môi trường".

Theo ông Hà, có nhiều cách thực hiện, nhiều nước tính qua bao bì nhờ phân loại rác vào những bao bì màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì đều có thể tích cố định, dựa vào việc lượng rác chiếm bao nhiêu thể tích để tính và tiền thu rác.

Đề xuất thu rác theo kg đang gây nhiều tranh cãi.

Đề xuất thu rác theo kg đang gây nhiều tranh cãi.

Ông Hà cũng cho biết, tại Hàn Quốc đã mất 10 năm để thực hiện. Làm được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế, xác định trách nhiệm từ phân loại đến thu gom, xử lý. Tức là phải có giải pháp đồng bộ các khâu.

Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ, nếu họ ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích từ việc phân loại. Gắn với đó là tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm.

Trả lời câu hỏi có đủ nguồn lực làm không, khi các đơn vị môi trường đang có năng lực hạn chế? Bộ trưởng Hà nói: "Cần xác định rác là tài nguyên, cần có ngành công nghiệp xử lý chất thải. Mục tiêu là thu phí xử lý rác thải để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đảm bảo được chi phí đầu tư, vận hành và có lãi. Qua đó thu hút được những doanh nghiệp có năng lực, công nghệ, quản trị tốt.

Về lo ngại đề xuất khiến chi phí rác thải của người dân tăng lên? Ông Hà cho rằng: Chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay cũng có nhiều đối tượng khác nhau. Có người sẵn sàng chi trả nhưng có người khó khăn. Do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, người dân chỉ chịu trách nhiệm một phần.

Phần chi phí của Nhà nước sẽ được bổ sung để các nhà cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Đó là những điều chúng ta phải làm và luật phải quy định điều đó. Có như vậy mới xã hội hóa được, nếu không chúng ta không xã hội hoá được.

Bên cạnh đó, rất nhiều rác sinh hoạt không phải là rác, có thể tái chế được, ví dụ như giấy, là đồ nhựa…

Do đó, Luật lần này quy định nếu người dân gom lại, phân loại rác thì loại rác này người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý. Người dân chỉ phải trả tiền những gì mà doanh nghiệp phải đầu tư để thu gom xử lý.

Nếu thực hiện việc phân loại rác tốt thì Nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tính toán giá thành có lợi cho người dân.

Bài liên quan