Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Xăng giả, trách nhiệm không phải của riêng Bộ Công Thương

Thứ năm, 15/08/2019, 18:11 PM

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn việc xử lý trách nhiệm liên quan làm giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam.

bo-truong-tran-tuan-anh-xang-gia-trach-nhiem-khong-phai-cua-rieng-bo-cong-thuong
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng vấn đề xăng giả, trách nhiệm không phải của riêng Bộ Công Thương. Ảnh ông Trịnh Sướng bị bắt.

Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 của 15 "tư lệnh ngành" trong chiều 15/8.

Theo đó, trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng thế nào khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng Ban 389 Quốc gia tại địa phương không kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là trong việc tìm ra kẽ hở của luật pháp và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm trên thị trường.

Liên quan đến mặt hàng xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Luật tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế.

Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp cũng không đảm bảo thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật.

“Kế hoạch đảm bảo chất lượng xăng dầu ở tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, bao gồm Bộ Khoa học Công Nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Đối với vấn đề nhập nhèm xuất xứ, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư Made in Vietnam và công bố để xin ý kiến phản biện. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ theo đúng quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng liên quan vấn đề xăng giả, theo Bộ trưởng Tô Lâm, sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án buôn bán xăng giả thuộc doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng. 

Vụ sản xuất xăng giả này đã diễn ra nhiều năm, có nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, phạm vi cung cấp xăng giả rất rộng bao gồm các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và đã lan ra một số địa phương phía Bắc.

"Quá trình điều tra vụ án cũng giúp cơ quan công an giải đáp được một số vấn đề, ví dụ như tại sao có tình trạng một số ôtô, xe máy đang lưu thông trên đường lại bốc cháy" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Trước đó trả lời báo chí, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận, lực lượng này có một phần trách nhiệm khi đã không chủ động đề xuất kịp thời lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ.

"Việc phối hợp giữa các lực lượng còn hạn chế, làm chưa hết trách nhiệm nên mới dẫn tới tình trạng vừa rồi. Nếu lực lượng quản lý thị trường địa phương tham mưu hết trách nhiệm thì kiểm soát buôn bán xăng giả đã tốt hơn", ông Trần Hữu Linh nói.

Tuy nhiên, ông Linh phủ nhận việc chống lưng, bảo kê của cán bộ quản lý thị trường địa phương. Theo ông, "cần chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra".

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý của nhiều lực lượng quản lý như xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hóa chất, đo lường chất lượng... thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Công Thương.

Do nhiều lực lượng quản lý giao thoa nên Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng gặp khó trong kiểm soát xăng giả. Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, quản lý thị trường chủ yếu kiểm tra về mặt lưu thông xăng dầu như điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, an toàn cháy nổ... trong khi kiểm định chất lượng xăng dầu thuộc về cơ quan quản lý đo lường (Bộ Khoa học & Công nghệ). 

Muốn kiểm tra về chất lượng xăng dầu, quản lý thị trường phải yêu cầu phối hợp liên ngành và gặp một vài khó khăn. Ông Linh nêu ví dụ, kiểm tra tại một cửa hàng, đại lý xăng dầu có nghi ngờ sai phạm thì lấy mẫu xăng mang đi kiểm nghiệm cũng mất khoảng 1 tuần. Trong khi đó, xăng được tiêu thụ nhanh sau khi lấy mẫu, nên nếu phát hiện sai phạm sẽ khó khăn xử lý.

 

Giá xăng giảm từ 15h chiều nay

Từ 15h chiều nay 1/8, sau 3 lần tăng liên tiếp, giá xăng giảm nhẹ. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 377 đồng, trong khi đó xăng RON 95 giảm 316 đồng.

 

Ngày mai, giá xăng giảm nhẹ?

Diễn biến giá xăng giảm thị trường thế giới mang đến tín hiệu vui cho người tiêu dùng. Kỳ điều hành giá xăng dầu ngày mai dự báo giá xăng giảm nhẹ.

 

Vụ xăng giả Trịnh Sướng: Phó Thủ tướng chỉ đạo mở rộng điều tra

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục điều tra, làm rõ, mở rộng vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng.