Bộ Y tế khẳng định chưa bao giờ cấp phép cho Xương Khớp Ông Bồng: Nhóm người bán thuốc có bị truy cứu hình sự?

Thứ hai, 14/10/2019, 20:33 PM

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, Cục chưa bao giờ cấp phép cho bộ sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng mà nhóm người có tên Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise do Nguyễn Thanh Phong (quê Phú Thọ) lập ra để lừa bán cho người bệnh.

Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise do Nguyễn Thanh Phong (SN 1983, quê Phú Thọ) lập ra từ hơn 2 năm nay, hoạt động chính tại Hà Nội và có 1 chi nhánh rất mạnh ở Thanh Hóa tự sáng chế ra và bán loại sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng chưa được cấp phép. (Ảnh: Chụp màn hình).
Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise do Nguyễn Thanh Phong (SN 1983, quê Phú Thọ) lập ra từ hơn 2 năm nay, hoạt động chính tại Hà Nội và có 1 chi nhánh rất mạnh ở Thanh Hóa tự sáng chế ra và bán loại sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng chưa được cấp phép. (Ảnh: Chụp màn hình).

Vụ việc nhóm người trẻ có tên Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise do Nguyễn Thanh Phong (quê Phú Thọ) lập ra bán loại thực phẩm chức năng Xương Khớp Ông Bồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật được Báo Sức Khỏe Cộng Đồng cùng các cơ quan báo chí khác phản ánh... thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong các bài phản ánh trước, PV đã đề cập đến bộ sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng mà nhóm người do Nguyễn Thanh Phong lập ra bán cho người bệnh có 4 sản phẩm do chúng tự lắp ghép mà thành.

Theo đó, một bộ liệu trình Xương Khớp Ông Bồng được quảng cáo gồm có 4 sản phẩm gồm: 1 lọ thuốc mang nhãn Ông Bồng, 1 lọ thuốc Canxi Ion 2+, 1 lọ rượu xoa bóp bí truyền, 1 lọ ngâm chân bí truyền. Cả 4 sản phẩm này được quảng cáo là thuốc Đông y, có tác dụng chữa dứt điểm bệnh đau xương khớp...

Đáng chú ý, trong bộ liệu trình 4 sản phẩm có 1 lọ thuốc mang nhãn Xương Khớp Ông Bồng, lúc thì lại có mác là Bồng Cốt Đan rất giống với sản phẩm TPCN Bồng Cốt Đan do tiến sĩ Phạm Việt Hoàng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học viện Y dược học Cổ truyền) nghiên cứu ra. 

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, Cục chưa bao giờ cấp phép cho bộ sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng. Sản phẩm được Cục cấp phép là Bồng Cốt Đan, sản phẩm này do Công ty Hoàng Việt sản xuất, được Cục cấp phép từ năm 2016 và được sản xuất tại Quảng Ninh.

Chủ cơ sở sản xuất là ông Phạm Việt Hoàng cũng khẳng định, sản phẩm Bồng Cốt Đan cùng nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng khác của ông đang tạm dừng sản xuất từ 1/7/2019. Việc ngừng sản xuất là do có những quy định mới trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng để hạn chế những sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường.

Một
Một "lãnh đạo" nhóm Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise hướng dẫn cách "lừa đảo" khách hàng mua Xương Khớp Ông Bồng. (Ảnh: Lao Động).

Như vậy, căn cứ câu trả lời trên có thể khẳng định nhóm người Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise do Nguyễn Thanh Phong lập ra đã tự ý "sáng tạo" ra liệu trình Xương Khớp Ông Bồng để lừa đảo hàng ngàn người bệnh.

Theo thông tin mà báo Lao Động tiết lộ, nhóm này mỗi tháng bán được hàng ngàn liệu trình Xương Khớp Ông Bồng cho người bệnh mà không bị truy thu thuế, không hóa đơn chứng từ...

Từ những dấu hiệu trên, trao đổi với PV, một số luật sư khẳng định Cơ quan Công an cần vào cuộc làm rõ dấu hiệu phạm tội hình sự của Nguyễn Thanh Phong cùng những người liên quan. Hiện tại, người tố cáo nhóm Nguyễn Thanh Phong lừa đảo bán Xương Khớp Ông Bồng cũng đã gửi đơn đến cơ quan Công an.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho hay: Khi cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đơn thư tố cáo theo quy định phân loại xử lý thông tin tố giác và xác minh ban đầu có hay không hành vi lừa đảo với hình thức đưa ra thông tin sai lệch về sản phẩm lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là tiền của người mua hàng.

Công an cần làm rõ nội dung thông tin sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Cần xác định 2 loại sản phẩm (Xương Khớp Ông Bồng và Bồng Cốt Đan) do nhóm người Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise mà Nguyễn Thanh Phong lập ra phân phối và của ông Nguyễn Việt Hoàng có phải là 1 hay không?

Loại thực phẩm chức năng đó đã được phép và công bố của cơ quan quản lý nhà nước liên quan hay chưa để đưa ra thị trường? Chất lượng và công dụng san pham này có đúng với thực tế mà đơn vị quảng cáo phân phối bán sp hay không?

Bên cạnh đó, cần làm rõ mối quan hệ kinh tế hoặc sự liên kết giữa nhóm khởi nghiệp do Nguyễn Thanh Phong lập ra và cơ sở của ông Hoàng.

"Có thể có những loại hợp đồng hợp tác hay hợp đồng kinh tế lúc đó ngoài căn cứ giấy tờ còn căn cứ trên lời trình bày của các đối tượng liên quan khi cơ quan Công an tiến hành lấy lời khai xác minh nội dung nghị vấn.

Đơn thư tố giác của những người biết sự việc, những người đã mua sử dụng sản phẩm, những người tham gia vào hệ thống phân phối sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng sẽ là những căn cứ quan trọng xác định số lượng thiệt hại bao nhiêu mà nhóm đối tượng này gây ra?

Khi có kết quả xác minh ban đầu cơ quan Công an sẽ đánh giá có hay Ko hành vi dấu hiệu của tội phạm hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 BLHS 2015.

Liên quan đến vụ việc này, bà Trần Việt Nga (Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) khẳng định việc sử dụng hình ảnh bệnh nhân, bác sĩ trên các trang Facebook, website để quảng cáo vi phạm nghiêm trọng trong quảng cáo. Qua thanh kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị đóng cửa, thu hồi giấy phép nhiều sản phẩm.

Để ngăn chặn việc quảng cáo bừa bãi, thổi phồng thực phẩm chức năng như thuốc, thậm chí là thần dược, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Facebook loại bỏ những quảng cáo này.

Các biện pháp cơ quan chức năng đưa ra chỉ loại bỏ được phần nào. Khi bị phát hiện chiêu trò lừa đảo, các đối tượng lập tức tìm ra những cách thức khác để dụ người bệnh. Điều quan trọng, người dân khi có bệnh phải đến các cơ sở y tế để khám bệnh thay vì tự mua thuốc, thực phẩm chức năng hay nghe quảng cáo.

Clip "đột kích" kho "thần dược" Xương Khớp Ông Bồng do nhóm Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise do Nguyễn Thanh Phong lập ra. (Nguồn: VTV).