Bún thang Hà Nội: Món ăn ngon

Chủ nhật, 12/01/2020, 07:07 AM

Bún thang là món ăn ngon ở Hà Nội. Bún thang Hà Nội mang một hương vị riêng không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Bún thang là món ăn đặc biệt của Hà Nội

Bún thang là món ăn đặc biệt của Hà Nội

Hà Nội không chỉ có bún chả, bún nem, bún riêu… mà còn có cả bún thang. Trên thực tế, bún thang không phải món của riêng Hà Nội, nhưng không biết tự bao giờ, khi nhắc đến bún thang, người ta sẽ nhắc và "phải lòng" với thương hiệu “bún thang Hà Nội”.

Bún thang Hà Nội là sự hòa quyện của nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau. Đầu tiên là thứ nước dùng thanh thanh thơm mùi tôm khô và xương ninh. Kế đến là vị ngọt của thịt gà, của củ cải, của rau răm, nấm hương, giò lụa, trứng… và không thể thiếu đó là chút mắm tôm hoặc tinh dầu cà cuống làm dậy vị của bát bún.

Để nấu được một bát bún thang đúng chuẩn, cầu kỳ, đôi khi phải mất cả một ngày để chuẩn bị

Để nấu được một bát bún thang đúng chuẩn, cầu kỳ, đôi khi phải mất cả một ngày để chuẩn bị

Ngày trước bún thang Hà Nội thường được nấu trong các dịp lễ Tết nhưng ngày nay bún thang đã trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày.

Cái hương vị bún thang thì khỏi nói cũng hiểu, cứ ngửi thấy cái mùi đặc trưng của thứ nước dùng huyền ảo kia lan tỏa. Nó như một làn khói mê tơi làm ta mê muội, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy quay quắt lắm rồi. Ngày nào cũng thấy người ta vặt lông những con gà sống thiến, giã tôm khô, rang đầu tôm, ninh nước dùng gà, chỉ nghĩ đến thôi đã phải nuốt không biết bao nhiêu nước bọt, rồi họ ngâm nấm hương, tráng trứng, thái giò, mỗi người mỗi việc, trong một cái sân nhỏ bé, xung quanh rất yên tĩnh, tĩnh đến độ, chỉ cần nghe thôi cũng biết họ đang làm đến công đoạn nào mà bụng cứ réo rắt thèm thuồng. Món ngon thì vùng miền nào cũng có, nhưng khi chấm phá, giao thoa với Tràng An nó mới trở thành một món ăn tinh túy, lưu lại cho muôn đời sau…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ăn bún thang thì nước dùng phải nóng giãy lên. Bún chần kĩ, từng sợi bún trên chiếc bát chiết yêu nhỏ vừa, rồi gà xé, trứng tráng, giò thái chỉ, ruốc tôm, củ cải héo muối, hành răm thái nhỏ li ti, nước dùng vừa trong vừa ngọt nhưng không béo, đặc biệt không cho nấm hương vào nồi nước dùng, mà chỉ ngâm cho mềm nấm rồi thái mỏng “thêm mắm tôm, cà cuống như 2 loại gia vị thần kỳ”, làm cầu nối để đẩy vị bát bún thang đến một cảnh giới “danh bất hư truyền”. Trong cái thanh của nước dùng lại có vị thơm thoang thoảng của mùi tôm, vị mặn mòi của mắm tôm, hơi cay tê của cà cuống, thi thoảng lại va phải miếng củ cải giòn, vừa múc miếng nước dùng vừa cảm nhận cái mùi thơm của khói của bếp củi, chết thật ngon đến thế là cùng.

Tính cầu kỳ của bún thang không chỉ nằm ở phần nước súp, phụ liệu ăn kèm với bún thang cũng rất phong phú bao gồm: thịt nạc gà, chả lụa, nấm đông cô, trứng tráng mỏng thái sợi, tôm chà bông, hành chần, rau răm, củ cải ngâm nước mắm…tất cả tạo cho bát bún có được nhiều màu sắc đặc trưng, ấn tượng. Thành phần làm bún thang nhiều, lại không được thiếu nguyên liệu nào giống như một thang thuốc nên gọi là bún thang cũng là một cách giải thích vui về tên bún khá thú vị.

Nếu xét tất cả các thành phần làm bún thang, có điều rất lý thú là bún thang bao gồm các nguyên liệu từ gia súc (heo, chả lụa) gia cầm (gà, trứng), thủy sản (tôm he), thực vật (rau các loại, gạo, củ cải, nấm đông cô), côn trùng (cà cuống), đủ tất cả các vị. Tổng cộng gần 20 loại nguyên liệu nên khi nấu bún thang “cần bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ, cái lưỡi nếm cầu kỳ. Chính bởi những lý do trên mà bún thang được xem như là một món hạng sang rất độc đáo của người dân Hà thành.

Nước dùng bún thang cũng rất bổ dưỡng có hàm lượng protein cao từ các loại thịt gà, thủy sản và thực vật. Các phụ liệu khác của bún thang cũng đa dạng và giàu dinh dưỡng (đầy đủ đạm, béo, chất xơ) nên có thể khẳng định bún thang là một món ăn giàu dinh dưỡng và thích hợp cho nhiều người.