Buộc Grab bồi thường Vinasun 41 tỷ đồng: ‘Méo mó’ môi trường đầu tư?

Thứ tư, 24/10/2018, 16:32 PM

Nhìn góc độ môi trường cạnh tranh, TS Bùi Trinh cho rằng việc buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng cho Vinasun có gì đó chưa thỏa mãn, chưa rõ ràng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh.

buoc-grab-boi-thuong-vinasun-41-ty-dong-meo-mo-moi-truong-dau-tu
Nhìn góc độ môi trường cạnh tranh, TS Bùi Trinh cho rằng việc buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng cho Vinasun có gì đó chưa thỏa mãn, chưa rõ ràng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh. 

Chiều ngày 23/10, phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ đồng kết thúc phần tranh luận.

Nêu quan điểm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng Grab trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi trong đó có "chuyến xe 0 đồng". Đây là căn cứ cho thấy bị đơn không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi.

Đồng thời Viện kiểm sát cho rằng việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi nhuận giảm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định, hơn 70% khách hàng của Vinasun chuyển sang dùng Grab vì giá cước rẻ.

Do vậy, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại. Theo dự kiến, chiều 29/10, HĐXX sẽ tuyên án.

Ngay sau đề nghị về việc Grab phải bồi thường số tiền hơn 41 tỷ đồng cho bên nguyên đơn là Vinasun, vụ việc trên đã tạo ra nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, nhìn vào môi trường đầu tư, TS. Bùi Trinh cho rằng, cơ sở Vinasun kiện Grab ngay từ đầu đã có gì đó không rõ ràng, thiếu cơ sở.

Vinasun không đổ hết thua lỗ, sụt giảm thị phần, giá cổ phiếu xuống…do sự cạnh tranh của doanh nghiệp khác. Ưu thế của Grab ứng dụng công nghệ nên giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nên thu hút được khách hàng.

buoc-grab-boi-thuong-vinasun-41-ty-dong-meo-mo-moi-truong-dau-tu
TS Bùi Trinh ho rằng, cơ sở Vinasun kiện Grab ngay từ đầu đã có gì đó không rõ ràng, thiếu cơ sở..

Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng: Chưa có sự rõ ràng về liên đới câu chuyện Vinasun sụt giảm thị phần do Grab. Vì thế nếu toà xử cho Vinasun thắng kiện Grab sẽ ảnh hưởng lớn môi trường kinh doanh và chủ trương phát triển công nghệ Chính phủ triển khai.

Theo TS Bùi Trinh từ khi Grab bước vào thị trường Việt Nam người dân được sử dụng phương tiện di chuyển với nhiều ưu đãi về giá cước, chất lượng phục vụ, thay đổi cách đặt xe, được chọn xe… Theo cách hiểu chung không chỉ Việt Nam mà của thế giới thì Grab là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng. Nó không phải doanh nghiệp taxi hay bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào khác. Grab không có phương tiện vận tải, cũng không có lái xe.

“Trong nền kinh tế thị trường chuyện một doanh nghiệp không cạnh tranh được dẫn đến thua lỗ, thâm chí phá sản là chuyện hết sức bình thường. Nếu vì lý do thua lỗ, mất cổ phần mà khởi kiện doanh nghiệp cạnh tranh là không thỏa đáng” – TS. Bùi Trinh cho biết.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Đức (Ban pháp chế VCCI) cho rằng, bên cạnh yếu tố công nghệ. Lý do giúp Grab cạnh tranh giành phần thắng trước taxi truyền thống có thể do chi phí phát sinh đầu vào.

Ví dụ, taxi truyền thống phải tuân thủ quy định như: Xe phải mào và phải đăng ký mầu sơn; taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; taxi có niên hạn ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình và gửi dữ liệu về Sở Giao thông, Sở có thể trích xuất dữ liệu để xử phạt lái xe khi chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá 4 tiếng không nghỉ; taxi phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính, muốn điều chỉnh giá cước phải báo trước 15 ngày, chứ không linh hoạt theo từng giây như Grab…

Ngược lại xe vận tải hành khách thuộc Grab không chịu chi phí này. Nói cách khác cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng việc quản lý vấn đề này giúp xe Grab giành lợi thế.

Lý do thứ ba ông Đức đề cập tới, đó là “Grab cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh”. Cụ thể, một trong những hành vi bị cấm trong luật cạnh tranh là “bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” (hay gọi là bán phá giá).

Ông Đức dẫn chứng thực tế, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước không đồng, miễn phí. Nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy.

Nếu thực sự họ đang “bán phá giá” nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh cụ thể là Vinasun có quyền khởi kiện đòi bồi thường.

Vấn đề cần làm rõ nếu lý do thứ ba có tồn tại (tức Grab “bán phá giá” nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh) thì cần phải chỉ ra yếu tố này đóng góp bao nhiêu % vào thiệt hại của các hãng taxi truyền thống? Phải làm rõ con số thiệt hại mới có căn cứ số tiền đền bù.

 

Toàn cảnh vụ Vinasun kiện Grab

Sau nhiều ngày xử án căng thẳng, vụ Vinasun kiện Grab sẽ được Tòa án kinh tế - TAND TP HCM đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 29/10 tới, trong sự chờ đợi của dư luận.

 

VKS đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun

Sau bốn ngày xét hỏi và tranh luận, chiều 23/10, phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng đến phần đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

 

Mở lại phiên tòa xét xử Vinasun kiện Grab

Sau 2 tháng tạm đình chỉ giải quyết vụ án này để thu thập chứng cứ từ Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông vận tải TPHCM và Bộ Giao thông vận tải. TAND TPHCM mở lại phiên xử Vinasun yêu cầu Grab bồi thường gần 42 tỉ đồng.