BVĐK Đức Giang giải thích nguyên nhân bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc giảm đau

Thứ ba, 14/01/2020, 20:25 PM

Trong buổi chiều nay (14/1), Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tổ chức họp báo thông tin vụ việc nam bệnh nhân C.D.H., (43 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) thiệt mạng sau khi tiêm thuốc giảm đau.

 

 

Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường, giám đốc bệnh viện, anh H. vào viện lúc 15h ngày 8/1 trong tình trạng đau nhiều vùng thượng vị. Sau khi được thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ trực tiếp điều trị tính đến 2 nguyên nhân là đau dạ dày tá tràng và vấn đề tim mạch.

Kết quả phim chụp, nội soi cho thấy bệnh nhân bị đau, trào ngược dạ dày, viêm loét. Bác sĩ khẳng định người bệnh bị đau dạ dày tá tràng.

Theo lời kể của gia đình, anh C.D. H. (SN 1977, quận Long Biên, Hà Nội) có dấu hiệu chóng mặt nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang từ ngày 8/1.

Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện anh H. bị viêm dạ dày trào ngược thực quản. Chiều 10/1, bác sĩ khoa Nội tổng hợp chẩn đoán anh có thể bị viêm ruột thừa và chuyển sang khoa Ngoại tổng hợp điều trị.

Tại đây bệnh nhân được truyền nước. Gia đình không cho ăn để theo dõi ruột thừa. Khoảng 1h30 phút ngày 12/1, anh H. đau bụng tăng lên và được bác sĩ tiêm thuốc giảm đau. Khoảng 15 phút sau, anh H. đi tiểu tiện khi quay trở lại gần đến giường nằm thì quỵ ngã. Được các y bác sĩ cấp cứu nhưng anh H. không qua khỏi.

Nghi ngờ gia bác sĩ BV Đức Giang tắc trách nên người nhà gia đình đã trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng, yêu cầu công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Trong cuộc chia sẻ thông tin về sự việc trên, nhận định về nguyên nhân khiến bệnh nhân thiệt mạng, ông Thường cho biết, ngay khi xảy ra vụ việc, bệnh viện cho họp hội đồng kiểm tra, đánh giá nguyên nhân.

Hội đồng tính tới 2 trường hợp, có thể bệnh nhân thiệt mạng do đột quỵ và tim mạch.

Trong đó, khả năng đột quỵ là rất khó. Vì thế nguy cơ cao nhất là bệnh nhân thiệt mạng do liên quan tới vấn đề tim mạch.

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đức Giang (ngoài cùng bên phải).Ông Thường cho biết, ngày đầu tiên bệnh nhân đến viện với chỉ số tim rất thấp, chỉ 51, trong khi người bình thường phải trên 70. Chỉ số tim ngực cũng bất thường, khá cao (trên 60)…

Qua chụp CT có thấy một số mạch bị căng cứng. Do vậy, hội đồng thống nhất nhận định nguyên nhân khiến bệnh nhân thiệt mạng có thể do mắc các vấn đề về tim mạch. "Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, phải đợi kết quả giám định pháp y, ông Thường nói.

Trả lời câu hỏi có hay không việc các bác sĩ tắc trách khi điều trị, cấp cứu, ông Thường cho biết, không có chuyện đó. Bởi dù bệnh nhân tới bệnh viện vào ngày nghỉ nhưng các bác sĩ vẫn liên tục làm các xét nghiệm, thăm khám kỹ càng, đúng quy định.

“Có thời điểm bác sĩ khám cho bệnh nhân tới 7 lần kèm với xét nghiệm, cho nên nói y bác sĩ tắc trách là không đúng. Ngoài ra, trong suốt thời gian 3 ngày điều trị tại đây, người nhà bệnh nhân cũng không có bất kỳ phàn nàn nào về đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện”, BS Thường nói.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng loại bỏ khả năng bệnh nhân bị sốc phản vệ do tiêm thuốc giảm đau. Bởi thông thường, bệnh nhân bị sốc phản vệ sẽ có biểu hiện sốc, da xanh tím, mẩn đỏ, nôn, đau bụng, hô hấp khó thở, suy tuần hoàn và tụt huyết áp...

Nhưng với bệnh nhân H., tiến triển bệnh không giống với sốc phản vệ. Ngoài ra, bệnh nhân bị sốc phản vệ nếu được cấp cứu đúng phác đồ nhịp tim vẫn có thể đập trở lại rồi mất. Nhưng với trường hợp này, dù được cấp cứu liên tục trong 2 giờ, nhịp tim bệnh nhân không có dấu hiệu đập trở lại.

"Đây là sự việc đáng tiếc, không mong muốn. Ngay khi bệnh nhân thiệt mạng, bệnh viện cũng có liên lạc, gặp gỡ gia đình. Gia đình bệnh nhân H. cũng hợp tác và đồng ý giải phẫu pháp y để tìm nguyên nhân cái chết", ông Thường nói.