Các sự kiện thế giới nổi bật năm 2019

Thứ năm, 12/12/2019, 12:36 PM

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là trọng tâm của tình hình thế giới năm 2019, liên quan đến các sự kiện như cuộc chiến thương mại, các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ - Triều, nội chiến Syria, Brexit cũng là những vấn đề nổi cộm.

Thương chiến Mỹ - Trung là một trong các sự kiện thế giới 2019 nổi bật.
Thương chiến Mỹ - Trung là một trong các sự kiện thế giới 2019 nổi bật.

Dưới đây là các sự kiện thế giới 2019 nổi bật:

Thương chiến Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gay gắt hơn ngay từ đầu năm 2019 với rất ít sự nhượng bộ từ cả hai bên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một loạt cú “ra đòn” bằng các gói thuế và Trung Quốc đáp trả cũng bằng cách tương tự nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Kết thúc năm 2018, cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu tích cực bằng một thỏa thuận đình chiến vào ngày 1/12/2018. Khi đó, ông Trump và ông Tập đã đồng ý tạm dùng cuộc chiến của họ trong 90 ngày. Theo đó, Mỹ sẽ hoãn tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vốn dự định có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Tuy nhiên, trong 90 ngày đó, các cuộc đàm phán không có gì tiến triển. Tháng 5/2019, Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cộng với thuế 25% cho 50 tỷ USD hàng công nghệ cao được áp dụng trước đó. Tổng cộng, đã có 250 tỷ USD hàng Trung Quốc bị áp thuế 25%.

Căng thẳng hạ nhiệt hồi tháng Sáu khi Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí "đình chiến thương mại" bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản. Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán tiếp tục khó khăn, đầu tháng Tám, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% với 270 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ ngày 1/9.

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, chia làm hai đợt, có hiệu lực ngày 1/9 và 15/12/2019.

Ngay sau đó, ông Trump thông báo kế hoạch 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị đánh thuế 25% sẽ bị đánh thuế ở mức 30%. 270 tỷ USD hàng hóa còn lại, vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, giờ sẽ bị đánh thuế ở mức 15%. Mức thuế 15% chia làm hai đợt. Đợt một có hiệu lực từ ngày 15/9 với 110 tỷ USD hàng hóa. Đợt hai có hiệu lực ngày 15/12 với 160 tỷ USD hàng hóa.

Ngày 11/10, hai bên đã đồng ý về nguyên tắc thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó chủ yếu xoay quanh sự gia tăng đáng kể việc Trung Quốc mua thêm hàng nông sản của Trung Quốc để đổi lấy việc Mỹ giảm thuế.

Các quan chức cũng cho biết thỏa thuận sẽ bao gồm các cam kết của Trung Quốc nhằm làm nhiều hơn để ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và không thao túng tiền tệ.

Các cuộc thảo luận được để lại sau này là về những vấn đề nan giải như mạng lưới trợ cấp rộng lớn, từ điện giá rẻ đến các khoản vay chi phí thấp mà Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng sức mạnh công nghiệp.

Tuy nhiên, đã hơn hai tháng qua, vẫn chưa có thỏa thuận nào được kí kết.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp thuế 25% đối với khoảng 250 tỷ USD các sản phẩm Trung Quốc và 15% đối với 110 tỷ USD hàng Trung Quốc khác, dự định áp thêm 15% với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc  từ ngày 15/12. Trong khi đó, Trung Quốc cũng áp thuế từ 5% tới 25% đối với 110 tỷ USD hàng Mỹ và đợt hai của kế hoạch áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, cũng có hiệu lực ngày 15/12.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào ngày 15/12 tới để xem liệu Mỹ và Trung Quốc có hoãn các gói thuế dự định có hiệu lực vào ngày này hay không.

Nếu thuế vẫn được áp dụng, hy vọng về việc cuộc chiến này kết thúc sẽ trở nên xa vời.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai

trieu-tien-len-tieng-ve-de-nghi-gap-ong-kim-cua-tong-thong-trump
Nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội.

Không giống như kỳ vọng của nhiều người, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội đã kết thúc sớm hơn dự kiến mà không có tuyên bố chung. Thậm chí, tuyên bố sau hội nghị giữa hai bên còn rất mâu thuẫn.

Trong khi ông Trump nói hội nghị đã bị cắt ngắn và không có thỏa thuận nào đạt được vì Triều Tiên muốn chấm dứt mọi cấm vận đối với nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho lại khẳng định Triều Tiên chỉ tìm cách dỡ bỏ chỉ một phần gồm 5 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên trong giai đoạn 2016 -2017.

Theo các nguồn tin, hai bên tham dự hội nghị khi vẫn còn rất nhiều hoài nghi và khác biệt. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng không có khả năng Triều Tiên sẽ tháo dỡ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiếp tục cho rằng không thể tin tưởng Bình Nhưỡng và các nỗ lực phi hạt hóa sẽ thất bại.

Mỹ nhấn mạnh các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi nước này hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Còn phía Triều Tiên yêu cầu được gỡ bỏ trừng phạt tương ứng với các bước phi hạt nhân hóa của nước này.

Kể từ đó, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước tiếp tục rơi vào bế tắc. Triều Tiên ra hạn chót cho Mỹ thay đổi quan điểm trong các cuộc đàm phán là vào cuối năm nay. Hiện tại, mối quan hệ giữa hai bên đang căng thẳng, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử động cơ tên lửa tại bãi thử Dongchang-ri hôm 7/12, làm dấy lên suy đoán rằng họ có thể đang chuẩn bị nối lại việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ngày 11/12, Mỹ đã điều máy bay do thám không người lái Global Hawk bay qua Bán đảo Triều Tiên và máy bay ném bom B-52 chiến lược tới gần Triều Tiên.

Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 11/12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft bày tỏ quan ngại rằng Triều Tiên đang phát đi tín hiệu về việc họ sẽ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa “được thiết kế để tấn công lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”. Bà cảnh báo về hậu quả mà Bình Nhưỡng phải gánh chịu nếu họ biến lời đe dọa trở thành hiện thực.

Biểu tình ở Hong Kong

AP_19200286168716

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt đầu bằng việc phản đối dự luật dẫn độ do chính phủ Hong Kong đề xuất. Nếu được ban hành, dự luật cho phép chính quyền địa phương giam giữ và dẫn độ những người bị truy nã ở những vùng lãnh thổ mà Hong không có thỏa thuận dẫn độ, kể cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

Biểu tình chống lại dự luật bắt đầu vào tháng Ba và tháng Tư, sau đó leo thang vào tháng Sáu. Ước tính có tới gần hai triệu người đã xuống đường biểu tình ngày 12/6, ngày dự luật sẽ được xem xét lần thứ hai ở Hội đồng Lập pháp. Các cuộc biểu tình những ngày sau đó tiếp tục nổ ra, dẫn tới nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Trong tình hình căng thẳng, ngày 15/6, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đình chỉ dự luật dẫn độ. Ngày 9/7 bà tuyên bố dự luật "chết".

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình giờ đã biến thành phong trào chống chính phủ, phản đối sự can thiệp mà họ cho là ngày càng sâu sắc của Bắc Kinh vào thành phố. Những người biểu tình đưa ra 5 yêu cầu, bao gồm rút toàn bộ dự luật dẫn độ, điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát, giải phóng những người biểu tình bị bắt giữ, rút lại việc chính quyền miêu tả các cuộc biểu tình là "bạo loạn", và bầu cử trực tiếp để chọn thành viên Hội đồng Lập pháp, cũng như Đặc khu trưởng và yêu cầu Lâm từ chức.

Sau đó bà Lâm rút hoàn toàn dự luật dẫn độ vào ngày 4/9 nhưng từ chối đáp ứng 4 yêu cầu còn lại. Chính phủ Trung Quốc liên tục lặp lại sự ủng hộ với bà Lâm và chính quyền thành phố.

Nhiều cuộc đụng độ tiếp tục nổ ra khiến nhiều người thương vong. Sau cuộc bầu cử với chiến thăng vang dội thuộc về phe dân chủ, các cuộc biểu tình lắng xuống. Tuy nhiên, đến ngày 7/12, người biểu tình tiếp tục xuống đường để yêu cầu chính quyền đáp ứng các yêu cầu của họ.

Nội chiến Syria

cac-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2019
Quân Mỹ ở Syria.

Sau 8 năm nội chiến, năm 2019, Syria bước vào thời kì quá độ giữa chiến tranh và hoà bình với khá nhiều khó khăn.

Tháng 10/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria và chỉ để lại một số lượng quân nhỏ để canh các mỏ dầu khỏi rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria vì cho rằng nhóm này thuộc Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), tổ chức bị nước này cho là khủng bố, chống chính phủ trong nhiều năm qua.

Quyết định trên của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Washington bởi bị cho rằng đó là sự phản bội đối với người Kurd – lực lượng đã cùng Mỹ chống IS ở Syria trong nhiều năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố ông sẽ không bỏ rơi người Kurd và cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu hành động quá mức ở Syria.

Ngày 22/10, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đạt được thỏa thuận về Syria. Theo đó, các lực lượng quân sự Nga và Syria sẽ được triển khai đến Đông Bắc Syria. Dân quân do người Kurd lãnh đạo rút vào lãnh thổ Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30 km. Trong khi đó, hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ở một khu vực hạn chế, giữa các thị trấn Tell Abyad và Ras al-Ayn, vào sâu lãnh thổ Syria 32km.

Brexit hỗn loạn

cac-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2019
Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Công cuộc đưa Anh rời EU (Brexit) vẫn còn trong “mớ bòng bong” kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Sau nhiều nỗ lực mà không thể đạt được thỏa thuận để đưa Anh rời EU, tháng 6/2019, Thủ tướng Theresa May đã từ chức.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã trở thành người thay thế bà May. Ông là người có lập trường cứng rắn. Ông kiên quyết đưa Anh rời khỏi EU dù đạt được thỏa thuận hay không trước ngày 31/10.

Tuy nhiên, thời gian biểu lập nghị trình thông qua Brexit của ông bị Hạ viện Anh bác bỏ. EU tiếp tục gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020.

Đây là khoảng thời gian để Thủ tướng Anh xử lý các vấn đề nội bộ nhằm thông qua tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit tại quốc hội Anh.

Ngày 12/12, nước Anh tiến hành cuộc tổng tuyển cử thứ ba trong 5 năm qua. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra từ 7h đến 22h (giờ địa phương). Kết quả được tuyên bố trong cùng ngày và ngày hôm sau. Lãnh đạo của đảng chiến thắng sẽ tới Điện Buckingham để xin thành lập chính phủ.

Cử chi sẽ lựa chọn toàn bộ 650 ghế tại hạ viện, nơi đảng Bảo thủ do Thủ tướng Johnson lãnh đạo đang chiếm 317/650 ghế.

Cuộc bầu cử ngày 12/12 đóng vai trò quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ, bởi nó định hướng tương lai đất nước, quyết định quan điểm về Brexit. Thủ tướng Johnson là người quyết tâm đưa Anh rời EU bằng mọi giá. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Corbyn  cho rằng nên củng cố các chính sách quốc hữu hóa và chi tiêu công.

39 người Việt tử nạn trong xe tải đông lạnh ở Anh

Ngày 23/10, cả thế giới chấn động khi cảnh sát Anh phát hiện 39 người chết trong một chiếc container tại khu công nghiệp Waterglade ở Essex, cách trung tâm thủ đô London 32 km.

Thông tin ban đầu về nguyên nhân tử vong là do bị hạ thân nhiệt hoặc nghẹt thở. Quá trình điều tra sau đó xác định chiếc container đi từ cảng Zeebrugge, Bỉ đến Anh.

Cả 39 nạn nhân đều là người Việt đang bị đưa sang Anh bất hợp pháp.

Tài xế xe, một người đàn ông 25 tuổi đến từ Bắc Ireland, bị bắt với cáo buộc giết người. Nhiều nghi phạm khác cũng đã bị bắt. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của thế giới về tình trạng nguy hiểm mà những người nhập cư bất hợp pháp phải đối mặt.

Các nạn nhân, đến từ Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, đã được đưa trở về quê hương làm lễ an táng. Các lực lượng chức năng Việt Nam cũng bắt thêm nhiều đối tượng liên quan đến vụ việc này để phục vụ điều tra.

Trên đây là các sự kiện thế giới 2019 thu hút được sự quan tâm của cả thế giới. Trong năm 2020, những sự kiện này vẫn là điểm nóng của thế giới.

 

Trung Quốc mong được hoãn đợt thuế ngày 15/12, Mỹ vẫn cứng rắn

Các quan chức Trung Quốc hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hoãn đợt tăng thuế vào ngày 15/12 tới. Tuy nhiên, Washington dường như không có ý định như vậy, Bloomberg ngày 11/12 dẫn các nguồn tin cho hay.

 

11 người Trung Quốc trốn trong tủ, máy giặt để vào Mỹ

11 người di cư Trung Quốc đã bị phát hiện đang trốn trong máy giặt và các đồ đạc khác bên trong một chiếc xe tải để vào Mỹ qua một cửa khẩu biên giới Nam California.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/cac-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2019-145834.html