Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm siêu ngon, không ngấy

Thứ hai, 09/09/2019, 15:36 PM

Bánh trung thu nhân thập cẩm là loại bánh cơ bản được nhiều người yêu thích. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm.

 

cach-lam-banh-trung-thu-nhan-thap-cam-sieu-ngon-khong-ngay
Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm

Nếu có thời gian chuẩn bị nhân thập cẩm cho bánh trung thu thì bạn hãy tham khảo ngay cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm bất bại dưới đây nhé!

Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm: Nguyên liệu cần chuẩn bị

Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm cũng giống như làm với nhân đậu xanh hay các loại nhân khác, khâu chuẩn bị phần nhân luôn là công đoạn phức tạp nhất.

Nhiều người thường có cảm giác ngấy khi ăn bánh trung thu nhân thập cẩm vì nhiều mỡ, ăn bị ngán. Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm dưới đây sẽ chiều được vị giác của bạn và cả gia đình. Đảm bảo không ngấy, ngán đâu nhé! 

*Nguyên liệu cho phần nhân trong cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm:

- 40 gr mỡ đường

- 50 gr sen sên đường (có thể thay bằng mứt sen nhưng sẽ ngọt hơn) 

- 50 gr lạp xưởng 

- 50 gr hạt điều

- 50 gr hạt bí

- 40 gr hạt dưa (có thể thay bằng đậu phộng hoặc hạt thông) 

- 40 gr vừng/ mè trắng 

- 50 gr mứt bí (có thể thay bằng mứt đu đủ)  

- 6 – 8 lá chanh (tùy khẩu vị – dùng lá chanh Thái sẽ thơm hơn)  

*Phần nguyên liệu để kết dính nhân trong cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm:

- Vỏ 2 quả chanh vàng bào rất vụn  

- 1/4 thìa cafe (teaspoon) ngũ vị hương  

- 20 – 30 ml rượu Mai Quế Lộ 

- 20 – 40 gr bột bánh dẻo/ bột bánh in

- nước lọc

Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm: 

* Cách làm mỡ đường 

– Mỡ phần thái hạt lựu. Đun sôi nước rồi cho mỡ vào luộc trong khoảng 2 – 3 phút. Chỉ luộc đến khi mỡ vừa chín tới, không luộc quá lâu, mỡ sẽ mất độ giòn. Đổ mỡ ra rổ, xóc cho ráo nước. 

– Trộn mỡ với đường theo tỉ lệ lượng đường = 1/2 lượng mỡ. Để mỡ ra hong gió trong vài tiếng cho mỡ chuyển trong. 

– Nên chuẩn bị mỡ đường trước một ngày. Mỡ có thể để trong hộp kín ở nhiệt độ phòng (nơi thoáng mát).

* Cách làm hạt sen sên đường: 

– Luộc hạt sen tươi (đã bỏ hết tâm sen) với nước. Khi nước sôi thì bỏ nước luộc đầu tiên này đi. Rửa sạch hạt sen. Nếu dùng hạt sen khô cũng làm tương tự, nhưng nên luộc ở lửa vừa trong khoảng 4 – 5 phút, đến khi hạt sen nở to mới đổ nước luộc đi và rửa lại hạt sen.

 – Cho hạt sen vào nồi, đổ nước ngập cao hơn hạt sen một chút. Cho đường theo tỉ lệ lượng đường = 1/4 lượng hạt sen (có thể nhiều hơn chút xíu cũng được). Đun sôi rồi vặn lửa nhỏ đun liu riu đến khi hạt sen chín mềm. Trong quá trình đun, nếu nước cạn thì đổ thêm để nước vừa đủ ngập hạt sen. Khi hạt sen đã mềm (nhưng chưa đến mức bị nát) thì vặn lửa to để nước cạn bớt. Nếu thấy hơi nhạt, có thể cho thêm đường. 

– Đổ hạt sen ra rổ, đặt bát ở dưới rổ để hứng nước đường từ hạt sen. Để hạt sen khô ráo ở nhiệt độ phòng rồi thái làm đôi hoặc bốn (thành cỡ hạt lựu). 

* Các nguyên liệu khác: 

– Lạp xưởng hấp hoặc luộc chín rồi để ráo nước. Thái hạt lựu. 

– Hạt điều, hạt bí, hạt dưa (hoặc đậu phộng hay hạt thông) rang/ nướng chín. Thái hạt điều & lạc thành cỡ nhỏ hơn (như hạt lựu).

– Vừng/ mè rang chín. 

– Lá chanh rửa sạch, lau khô. Thái chỉ.

Lưu ý: 

– Tất cả các nguyên liệu cần phải được thái nhỏ về cùng một cỡ. Kích thước thông thường là cỡ hạt lựu. Nếu các nguyên liệu quá to, khi nắm lại thành nhân tròn sẽ rất khó, sẽ cần nhiều nước và bột để kết dính. Khi ăn ngoài cảm giác rời rạc sẽ còn cảm giác của vị bột nhiều. 

– Nếu làm bánh nhỏ thì các nguyên liệu có thể thái nhỏ hơn nữa. 

– Định lượng các nguyên liệu có thể thay đổi, thêm bớt tùy khẩu vị. 

cach-lam-banh-trung-thu-nhan-thap-cam-sieu-ngon-khong-ngay
Nhân thập cẩm sau khi xay đã nhỏ hơn
cach-lam-banh-trung-thu-nhan-thap-cam-sieu-ngon-khong-ngay
Nhân trộn đều với vừng và lá chanh

Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm: Hướng dẫn trộn nhân

– Cho tất cả các loại nhân vào âu lớn. Trộn đều. Ở bước này các bạn có thể nếm thử, nếu thấy thiếu ngọt thì thêm đường bột hoặc nước đường bánh nướng. Nếu thấy thiếu mặn thì thêm chút xì dầu/ nước tương hay dầu hào.

– Vì nhân thập cẩm gồm toàn các loại hạt và nhân khô nên để kết dính các nguyên liệu này thường sẽ cần dùng thêm bột bánh dẻo và chút chất lỏng (nước, rượu,..). Bột bánh dẻo gặp chất lỏng sẽ “nở” ra, tạo thành một chất kết dính, giúp các nguyên liệu dính lại với nhau và có thể dễ dàng nắm thành viên. Bột bánh dẻo được làm bằng cách nổ gạo nếp thành bỏng gạo rồi xay lấy bột. Mua được sẵn là tốt nhất. Không thay được bột bánh dẻo bằng bột ngô hay bột mì.  

– Lượng bột, nước và rượu cho vào nhân không cố định, tùy vào độ khô hay nhão của nhân mà các bạn có thể điều chỉnh. 

– Cách trộn nhân như sau: đầu tiên cho chút rượu và nước, sau đó rắc một phần bột bánh dẻo vào trộn đều. Nếu thấy nhân chưa đủ kết dính thì thêm bột bánh. Nếu thấy nhân khô thì thêm nước. Rượu chỉ nên cho vừa phải, cho quá nhiều sẽ dễ bị nồng mùi và có vị đắng. Bột bánh dẻo cũng chỉ trộn vừa đủ, quá nhiều sẽ làm nhân khô và bị cứng khi bánh nguội. Trộn đến khi nào các bạn dùng thìa ép thử nhân vào thành âu, thấy nhân dính lại thành một khối là ổn. 

– Sau khi trộn xong, chia nhân thành các phần và nắm thành viên tròn. Lượng nhân sẽ bằng tổng khối lượng của tất cả các nguyên liệu cộng lại.

– Nhân thập cẩm nên dùng ngay, để tránh các loại hạt bị ỉu. 

cach-lam-banh-trung-thu-nhan-thap-cam-sieu-ngon-khong-ngay
Vo phần nhân đã trộn thành từng nhần nhỏ

Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm: Bánh nướng

*Nguyên liệu: 

- 240 gram bột mì 

- 160 gram nước đường bánh nướng 

- 30 gram dầu đậu phộng (peanut oil) hoặc dầu ăn thông thường 

- 1 lòng đỏ trứng gà (18 – 20 gram) 

- 10 gram (khoảng 2 thìa café đầy) bơ đậu phộng (peanut butter) 

- ¼ thìa café (teaspoon) ngũ vị hương (five-spice powder)

- Nhân thập cẩm vừa chuẩn bị

*Cách làm:

- Trộn vỏ bột: Rây bột vào âu. Dùng thìa vét bột, tạo một lỗ trống ở giữa âu rồi cho lần lượt các nguyên liệu còn lại vào phần trống này. Nhẹ nhàng dùng thìa quấy đều theo vòng tròn hay xoắn ốc từ phần chất lỏng ở giữa ra ngoài, để bột khô dần hòa quyện với các nguyên liệu còn lại. Quấy đến khi các nguyên liệu hòa quyện thì dùng tay nhẹ nhàng nhào đều để bột tạo thành một khối mịn dẻo và đồng nhất. Bột mới trộn xong sẽ hơi ướt một chút. Nếu bột khô và bở, có thể bẻ vụn dễ dàng, nên thêm dầu ăn hoặc nước đường. Dùng nilon bọc thực phẩm hoặc giấy nến nướng bánh bọc kín cả khối bột để bột không bị khô. Để bột nghỉ ở nhiệt độ phòng trong khoảng 30 – 45 phút.

- Chuẩn bị nhân:  Dùng cân chia nhân thành các phần nhỏ, vo tròn. 

- Chuẩn bị khuôn đóng bánh

- Bột sau khi nghỉ khoảng 30 – 40 phút là sẵn sàng cho khâu đóng bánh. Lúc này bột sẽ khá dẻo và ít dính hơn như khi mới trộn xong. Dùng cân để chia bột thành các phần nhỏ tương ứng với số nhân đã chuẩn bị. 

- Bọc nhân bánh: Rửa sạch tay và lau khô. Lấy một chút bột mì xoa đều vào hai tay rồi phủi bớt bột. Dùng tay vừa được “bao” bột để lấy một viên vỏ bột và vê thành hình tròn. Bột áo từ tay sẽ dính ra bên ngoài viên bột giúp cho bột bớt dính và dễ cán hơn. Cách làm này giúp các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm có thể bao bột áo cho vỏ bột dễ dàng, mà không lo bao quá nhiều bột (làm cho vỏ bánh bị khô). 

Dùng cây cán bột (đã phủ một lớp bột áo mỏng) nhẹ nhàng cán miếng vỏ thành hình tròn, phần mép bột hơi dày hơn so với phần giữa một chút. Không nên cán quá rộng, làm sao để vỏ vừa đủ bao khoảng 2/3 khối nhân. Vỏ cán rộng quá sẽ khó ôm sát vào nhân, tạo ra lớp khí rỗng giữa nhân và vỏ.

Đặt viên nhân thập cẩm vào giữa, nhẹ nhàng áp vỏ bột với nhân, bắt đầu từ phần dưới đáy của viên nhân lên trên. Thường thì vỏ sẽ không bao hết mà chỉ một phần nhân. Miết và kéo cho phần bột ở mép vỏ bao kín hết viên nhân. Sau khi phần vỏ đã áp sát phần đáy của nhân, để dễ bao phần mặt trên viên nhân, các bạn có thể đặt viên bánh vào giữa ngón trỏ và ngón cái của một bàn tay (nên là bàn tay thuận). Dùng khoảng trống giữa hay ngón tay này để ép và vuốt cho vỏ sát với nhân. Đồng thời dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay còn lại vuốt cho phần mép bột bao đều hết phần nhân ở trên. 

Sau khi bao đều vỏ quanh nhân thì miết cho kín và làm mờ các vết dính mép bột. Nếu có không khí giữa nhân và vỏ (vỏ sẽ hơi phồng và mềm ở nơi có không khí) thì dùng tăm chọc cho phần khí này thoát ra rồi miết kín lại. Làm tương tự đến khi bọc hết nhân. 

- Đóng khuôn: Nhúng phần đầu chổi vào dầu ăn, quét một lớp rất mỏng quanh thành trong của khuôn (dùng rất rất ít dầu ăn để tráng khuôn, quá nhiều dầu sẽ tạo 1 lớp dầu ăn lõng bõng trên mặt bánh). Cho viên bánh vào khuôn, ép nhẹ cho viên bánh dàn đều. Xoa thêm bột áo ở đế bánh (để giúp bánh không bị dính vào mặt bàn khi đóng bánh). Có thể dùng tăm chọc vài lỗ ở đáy bánh, giúp bánh thoát khí khi nướng.

Chuyển bánh lên khay nướng. Lưu ý chuyển bánh nhẹ tay, tránh làm méo thành bánh vì bánh lúc này rất mềm. 

- Nướng bánh: Bật lò nướng ở nhiệt độ 180 – 190 độ C (hai lửa) trước. Chuẩn bị khay nướng có lót tấm nướng silicon hoặc giấy nướng. Tốt nhất là nướng trên rack hoặc khay nướng riêng vì nướng trực tiếp trên khay đen từ lò sẽ dễ làm đế bánh bị cháy.

Lò đã được làm nóng trước 10 – 15 phút để khi đưa bánh vào thì nhiệt trong lò đạt mức cần thiết. Lò cần có đủ hai lửa trên và dưới. 

 Nướng bánh ở nhiệt độ 180 – 190 độ C. Thời gian nướng tùy theo kích thước bánh. Đến khi bánh chuyển màu trắng đục thì lấy ra. Xịt nước lên khắp mặt bánh, để khoảng 5 – 10 phút cho bánh nguội bớt và hơi nước bay hết rồi quét trứng. 

Cho bánh vào lò nướng lần 2 ở nhiệt độ 190 – 200 độ C trong khoảng 5 – 7 phút (nhiệt độ cao hơn một chút và thời gian ngắn hơn một chút so với lần nướng đầu tiên). Khi mặt bánh đã khô se và chuyển vàng thì lấy ra, lặp lại các thao tác xịt nước, đợi khô, quét trứng. Có thể quét trứng từ 2 – 3 lần, nhưng không nên quét quá nhiều, sẽ dễ làm mặt bánh kém sắc nét. Bánh sau khi nướng xong đợi nguội bớt rồi chuyển qua rack cho nguội hẳn. 

cach-lam-banh-trung-thu-nhan-thap-cam-sieu-ngon-khong-ngay
Bánh nướng nhân thập cẩm

Bánh mới nướng xong sẽ có màu hơi hanh vàng, nhưng để qua ngày hôm sau sẽ trở nên vàng và nâu bóng hơn. Các hoa văn trên mặt bánh cũng sắc nét hơn. Sau khoảng 2 – 3 ngày, đường xuống màu và dầu từ nhân bánh thấm ra ngoài sẽ giúp cho vỏ bánh có màu nâu vàng sậm và bóng. Bánh nhân đậu (nhiều dầu) thường sẽ mềm nhanh hơn.

Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm: Bánh dẻo

*Nguyên liệu:

- Nước đường gồm 250 gram đường trắng, 250 gram nước nóng, 1/8 thìa cafe (teaspoon) cream of tartar hoặc thay bằng nước chanh vàng, lượng tương đương 

- Nhân thập cẩm đã chuẩn bị sẵn

- Vỏ bánh dẻo gồm 400 gram nước đường từ phía trên và khoảng 200 gram bột bánh dẻo, 1/2 thìa cafe (tsp) tinh dầu hoa bưởi.

*Cách làm:

- Nấu nước đường: Cho đường vào nồi cùng 250ml nước nóng. Quấy cho đường tan hết rồi bắc lên bếp đun to lửa. Khi nước bắt đầu sôi nhẹ cho vào cream of tartar. Đợi thêm 1 vài phút. Khi nước sôi mạnh và chuyển trong suốt thì tắt bếp. Đổ nước đường vào bát sạch, để nguội. 

- Làm vỏ bánh: Nước đường bên trên sau khi nguội thì đổ vào âu lớn. Cho vào 1/2 thìa cafe (tsp) tinh dầu hoa bưởi. Một tay bạn vừa quấy nước đường trong âu, tay kia múc bột bánh dẻo từ từ đổ vào âu quà quấy đều. Lưu ý: khi bột hòa quyện hết thì mới đổ thìa bột tiếp theo.  

Bột sẽ chuyển đặc hơn trong quá trình trộn. Khi bột đã tương đối đặc, bạn hãy dùng phới để trộn dễ hơn. Trộn tới khi dùng hết khoảng ⅔ lượng bột khô (khối bột lúc này đã khá đặc nhưng vẫn còn dính và ướt) 

Bạn dùng 20-30 gram bột khô đổ lên mặt bàn sạch rồi cho khối bột vừa trộn lên. Lấy 1 thìa bột khô phủ lên mặt khối bột đó. Để bột nghỉ trong 15 phút. Rửa tay thật sạch rồi nhồi bột. Hãy nhồi bột nhẹ nhàng bằng cách gấp bột (dùng bột khô trên bàn để chống dính cho tay nhé). Bột khô trên bàn sẽ thấm vào khối bột trong khi bạn nhồi làm khối bột cứng dần và dẻo hơn. Khi gần hết bột khô, khối bột trở nên rất đặc dẻo và không dính tay là bột đã đạt. 

- Chia bột thành cách phần, mỗi phần khoảng 110 gram. Đậy kín phần bột chưa dùng để bột không bị khô. 

Dùng lòng bàn tay ép dẹt miếng bột, nặn thành miếng tròn, rìa ngoài mỏng hơn phần giữa. Sau đó lấy nhân thập cẩm đã chuẩn bị đặt vào giữa và gói lại. Miết thành khối kín, không hở nhân. 

cach-lam-banh-trung-thu-nhan-thap-cam-sieu-ngon-khong-ngay
Bánh dẻo nhân thập cẩm

- Chuẩn bị khuôn bánh: Lăn nhẹ bánh trên bàn để lớp bột khô khiến bánh không bị dính vào khuôn. Cho khối bánh vừa nặn vào khuôn, mặt mịn đặt xuống dưới. Dùng lòng bàn tay ép quanh mép và ở giữa giúp bánh dàn đều trong khuôn. Cuối cùng là gõ nhẹ để gỡ bánh ra khỏi khuôn là hoàn thành. 

Cho bánh thành phẩm vào hộp hoặc túi kín để bảo quản, tránh bị khô. Sau 1-2 ngày bánh chuyển trong, dẻo, ăn ngon hơn. Bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng trong 5 ngày. 

Với cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm này, bạn chắc chắn có những chiếc bánh nướng - bánh dẻo ngon tuyệt hảo.

Trên đây là cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm với công thức không bị ngấy, ngán do dầu mỡ. Chúc chị em trổ tài thành công dịp Tết Trung thu 2019.

 

Cách làm bánh trôi ngũ sắc cho Tết Hàn thực 3/3

Cách làm bánh trôi ngũ sắc cho Tết Hàn thực 3/3 đơn giản lại đẹp mắt được chúng tôi giới thiệu dưới đây.

 

Cách làm bánh trôi bánh chay từ bột khô cho Tết Hàn thực

Dưới đây là hướng dẫn cách làm bánh trôi bánh chay từ bột khô cho Tết Hàn thực để cúng lễ ông bà gia tiên vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm.

 

Cách làm bánh trung thu: Tất cả các mẹo cần nhớ

Bạn muốn tự tay chuẩn bị những chiếc bánh trung thu cho ngày đoàn viên, hãy bỏ túi ngay “Cách làm bánh trung thu: Tất cả các mẹo cần nhớ” dưới đây: