Cách Trung Quốc xây bệnh viện điều trị virus Corona trong 7 ngày

Thứ năm, 30/01/2020, 15:31 PM

Để đối phó với số ca nhiễm virus Corona gây viêm phổi từ Vũ Hán ngày càng tăng, Trung Quốc xây dựng hai bệnh viện đầy đủ chức năng chỉ trong vài ngày.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang tới công trường xây dựng bệnh viện điều trị virus Corona trong 7 ngày.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang tới công trường xây dựng bệnh viện điều trị virus Corona trong 7 ngày.

Ở Vũ Hán, chủng virus Corona mới gây viêm phổi đang lây lan nhanh đã cướp đi 170 sinh mạng và lây nhiễm hơn 7.700 người. Phần lớn những người bị nhiễm bệnh đang ở Vũ Hán và chính phủ Trung Quốc đang đưa các nguồn lực của mình vào việc xây dựng các cơ sở y tế mới với tốc độ “chóng mặt”. Hàng triệu người đang xem các video hàng ngày về một kỳ công kiến ​​trúc: hai bệnh viện đầy đủ chức năng mọc lên từ “con số không” chỉ trong vài ngày.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải các cảnh quay từ công trường xây dựng cho thấy các máy ủi đào móng và xe tải chở sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng tới công trình. Các công nhân đang làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng với tiến độ thi công điên cuồng: Bệnh viện Huoshenshan , khởi công vào ngày 24/1, dự kiến ​​sẽ hoạt động vào ngày 3/2 với 1.000 giường trên khoảng đất rộng 269.000 mét vuông ở rìa thành phố; Bệnh viện Leishenshan, rộng 323.000 mét vuông, 1.300 giường bệnh cũng sẽ mở vào hai ngày sau đó.

Tốc độ xây dựng đột phá hai bệnh viện đối phó với dịch virus Corona gây viêm phổi từ Vũ Hán đã đặt ra một số câu hỏi: Làm thế nào Trung Quốc có thể làm như vậy? Một bệnh viện đầy đủ chức năng thường phải mất vài năm để xây dựng. Và một cấu trúc được xây dựng nhanh như vậy liệu có an toàn?

Scott Rawlings, một kiến ​​trúc sư dẫn đầu mảng xây các cơ sở chăm sóc sức khỏe của công ty Kiến trúc và Kỹ thuật toàn cầu HOK, khẳng định những gì người Trung Quốc đang xây dựng không phải là một cơ sở y tế điển hình mà là một trung tâm phân loại để xử lý bệnh lây nhiễm hàng loạt.

 

 

“Tôi sẽ do dự khi nói bệnh viện đang được dựng lên ở Vũ Hán là một bệnh viện lâu dài và chắc chắn đây không phải là một cơ sở có chức năng đầy đủ. Khi chúng tôi thiết kế cơ sở chăm sóc sức khỏe đầy đủ chức năng, chúng tôi xem xét việc sử dụng và khả năng thích ứng của tòa nhà trong 75 năm. Trung Quốc không có điều đó trong khi thiết kế bệnh viện mới ở Vũ Hán”, ông nói với Quartz.

Không có nhiều thời gian, các quan chức Vũ Hán đang sử dụng bản thiết kế và cách thức Bệnh viện Xiaotangshan, một cơ sở 1.000 giường ở ngoại ô Bắc Kinh được xây dựng trong một tuần để đối phó với đại dịch SARS năm 2003.

Theo đó, sử dụng các bộ phận đúc sẵn là chìa khóa để xây dựng các bệnh viện đối phó virus Corona ở Vũ Hán. Các phòng được lắp ráp hoàn chỉnh, làm sẵn trong các nhà máy được vận chuyển tới công trường và chỉ việc đặt xuống.

Thorsten Helbig, một kỹ sư kết cấu và đồng sáng lập của công ty kỹ thuật Đức Knpers Helbig hiện đang giảng dạy tại Cooper Union ở thành phố New York cho rằng kỹ thuật xây dựng này hoàn toàn an toàn, đảm bảo. Ông gọi đây là các tòa nhà tiền chế.

Ông giải thích rằng vì các bộ phận được lắp ráp trong môi trường được kiểm soát ở các nhà máy, các nhà thiết kế và công nhân xây dựng có thể khắc phục mọi sự cố và đảm bảo tất cả các khối mô-đun tích hợp với nhau trước khi chúng được lắp vào tòa nhà. 

Mặt khác, nó không giống các tòa nhà truyền thống phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và tốc độ của các nhà thầu khác nhau cho các khía cạnh khác nhau của một dự án. Ngày nay, các chuỗi khách sạn từ Citizen M và Marriott đến công ty mới khai trương của KPMG ở Florida cũng sử dụng các kết hợp các bộ phận tiền chế trong kế hoạch xây dựng của họ.

Rawlings cho biết thêm tiền chế hay “xây dựng mô-đun” cũng đã được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp ở các nơi khác trên thế giới. Bộ Quốc phòng Mỹ có thể nhanh chóng dựng lên các bệnh viện dã chiến để chẩn đoán và điều trị khẩn cấp, hầu như ở bất cứ đâu.

Các sinh viên tại Chương trình Kiến trúc + Sức khỏe của Đại học Clemson đang thử nghiệm khả năng sử dụng các container vận chuyển , kết nối với nhau, để lắp ráp một cơ sở y tế phản ứng nhanh. “Công nghệ này tồn tại và đang được sử dụng. Sự tiến bộ của nó có lẽ là tương lai của việc xây dựng nhanh chóng các cơ sở chăm sóc sức khỏe”, Rawlings nói.

Ông Rawlings nói rằng việc Trung Quốc thường xuyên đối mặt với dịch bệnh lây nhiễm hàng loạt đã khiến nước này có kinh nghiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Vũ Hán.

“Theo nhiều cách, Trung Quốc đi trước Mỹ và các quốc gia khác khi nói đến việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm hàng loạt, vì họ đã trải qua điều này trước đây với SARS vào đầu những năm 2000. Trung Quốc cũng có thể có ít hạn chế hơn khi thiết kế và xây dựng các dự án lớn như dự án này”, ông nói.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố thúc đẩy xây dựng các dự án ở Trung Quốc như lao động giá rẻ và sự sẵn có của vật liệu xây dựng.