Cấm chặt đào rừng: Làm sao để phân biệt đào rừng và đào vườn?

Thứ ba, 29/12/2020, 06:41 AM

Các chuyên gia đều bày tỏ ủng hộ chủ trương cấm chặt đào rừng. Tuy nhiên, việc phân biệt giữa đào rừng với đào nhà, đào vườn có nhiều khó khăn.

Nhiều người dân thành phố có thú chơi đào từ vùng núi. (Ảnh: IT).

Nhiều người dân thành phố có thú chơi đào từ vùng núi. (Ảnh: IT).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, như đào rừng, mai rừng và các loại cây khác ở núi rừng chở về các thành phố lớn để buôn bán vào mỗi dịp Tết.

"Hôm nay Thủ tướng tuyên bố, ai mà mua - bán, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng, chặt phá như vậy là vi phạm. Trên các bờ đê, đường phố họ chặt cây đào đẹp như thế chở về la liệt, bán không được thành củi luôn...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Thời gian qua, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả. Nạn chặt phá rừng còn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi.

Bởi vậy, bảo vệ rừng là nhu cầu cần thiết và cấp bách, cần áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo giữ gìn và phát triển môi trường tự nhiên.

"Bởi vậy việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu cấm chặt phá đào rừng ở những khu vực rừng tự nhiên là cần thiết để đảm bảo bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan, môi trường sinh thái. Đó là quan điểm, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam hiện nay", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Về nguyên tắc, những quy định cấm của pháp luật được ghi nhận trong các văn bản luật do Quốc hội quyết định. Việc cấm chặt phá đạo rừng trong các khu vực nguyên sinh hoặc bất cứ cây cối nào khác trong các khu rừng nguyên sinh là trên cơ sở các quy định của văn bản luật bảo vệ rừng, Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Cấm chặt đào rừng là đúng, cần ủng hộ

Bày tỏ sự ủng hộ chủ trương cấm chặt đào rừng, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng - cho rằng: Đào rừng hay còn gọi là đào tự nhiên rất ít hoa so với đào trồng (đào nhà). Do đó, khi chơi đào rừng vào dịp Tết người dân phải chặt cả cây cao to, rất lãng phí.

"Đào rừng cũng có tác dụng giữ đất để tránh xói mòn khi có mưa lũ. Đào rừng rất ít và thưa hoa. Đào mình trồng chỉ cao được 1-2m, nhưng đào rừng có thể cao đến 3-4m, thậm chí là 4-5m, mà chặt cả cây về chơi Tết thì rất lãng phí", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, đào cổ thụ mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày Tết của một bộ phận người dân để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.

"Yêu cầu này của Thủ tướng hướng đến lưu giữ nét đẹp của tập quán hái lộc đầu năm của dân tộc ta, không chặt phá cây rừng, tổ chức Tết Trồng cây Tân Sửu hiệu quả, thiết thực. Nội dung yêu cầu này của Thủ tướng nhằm triển khai một bước việc trồng mới 1 tỷ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng, trong đó có nội dung nghiêm cấm chặt phá đào rừng, cây rừng, vận động người dân hái lộc có văn hóa, hái lá không hái cành" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, thực tế, trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận việc bảo vệ, quản lý những cây đào rừng còn chưa được quan tâm đúng mức.

Vài năm gần đây, do nhiều người dân có thú chơi đào rừng vào ngày Tết, không ngần ngại trả mức giá rất cao để được sở hữu một gốc đào rừng nên đào rừng ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc có nguy cơ bị tận diệt.

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp Tết đến Xuân về, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.

"Một việc khó như cấm đốt pháo chúng ta còn thực hiện được và rất hiệu quả thì tôi nghĩ với việc cấm chặt phá đào rừng cổ thụ, nếu chính quyền vào cuộc sát sao, tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày Tết thì tôi tin những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

GS.TS Ngô Quang Đê, Nguyên Trưởng phòng Khoa Học, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm Nghiệp (trường Đại Học Lâm Nghiệp) cho biết, đào là cây ăn quả, thân gỗ, lâu năm, có thể vươn cao 5 - 7m. Đào phân cành thấp, cành không thẳng và nhiều nhánh. Rễ cây đào khá phát triển nhưng không ăn sâu và tập trung nhiều ở tầng đất từ 30 - 40 cm.

“Đào rừng hiểu đơn giản là đào mọc tự nhiên ở trong rừng, không phải do người dân trồng. Gỗ cây đào sử dụng được. Cây đào về lâm sinh có thể giữ đất, giữ nước …”, GS.TS Ngô Quang Đê nói.

Làm thế nào phân biệt đào rừng và đào vườn, đào nhà?

Tuy ủng hộ chủ trương cấm chặt đào rừng, thế nhưng nhiều người cho rằng, để phân biệt đào rừng - đào tự nhiên với đào người dân trồng là rất khó khăn, điều này phải đòi hỏi nỗ lực ngay từ đầu từ lực lượng kiểm lâm.

Trên báo Tiền Phong, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Có (huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ trồng đào, tổng diện tích ước khoảng 15 héc ta. Đây chủ yếu là giống đào ta, được người dân trồng xen kẽ với ngô trong vườn nhà.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có, tại địa phương này, những cây đào nhiều hoa, đẹp có tán đều do người dân tự trồng rồi chăm sóc. Các tiểu thương thường lên mua cả vườn đào rồi đến dịp cận tết mới thuê người chặt, đem về dưới xuôi bán. Nếu một cây đào có giá khoảng 5 triệu, thì chi phí thuê người chặt, chở về dưới xuôi sẽ mất khoảng 10 triệu. Còn đào rừng chủ yếu là những cây đào không có hoa, do phải cạnh tranh với các loài cây phát triển khác.

Phó Chủ tịch xã Nậm Có cho biết thêm, tại xã, trung bình hộ trồng đào mỗi năm thu thấp nhất khoảng 10 triệu đồng, cao nhất hơn 150 triệu đồng. Có nhiều hộ bán 1 cây đào trồng lâu năm trong vườn nhà có giá trị hàng trăm triệu đồng. "Chúng tôi ủng hộ tuyệt đối chủ trương cấm chặt, phá đào rừng của cấp trên. Nếu cơ quan nhà nước có chỉ đạo cấm chặt đào để tạo cảnh quan, xã sẽ tích cực vận động người dân".

Cũng liên quan việc phân biệt đào rừng tự nhiên và đào trồng ở miền núi hiện nay, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho hay: “Từ xưa đến nay, tỉnh cũng chưa có thống kê về diện tích đào trồng và đào tự nhiên. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể ( về việc cấm chặt đào rừng) để triển khai thực hiện”.

anh Vũ Văn Chính, quê ở Nam Định buôn đào rừng mấy năm qua cho biết, việc buôn bán đào rừng xuất phát từ nhu cầu của nhiều người muốn chơi “ngông”. Khi có khách đặt hàng, tiểu thương sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê người địa phương lên rừng tìm về. Anh Chính cho hay, nếu Nhà nước có chủ trương, anh tuân thủ không buôn bán đào rừng; nhưng cần có tiêu chí xác định rõ thế nào là đào rừng, thế nào là đào nhà, yêu cầu những giấy tờ cụ thể gì để những người buôn bán như anh biết và thực hiện.

Còn trên VOV, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai khẳng định, Lào Cai không có đào rừng. Lâu nay mọi người vẫn thấy bà con vùng cao mang đào xuống phố bán thực chất đều là đào được trồng trong vườn hộ gia đình.

"Chúng ta cứ gọi là đào rừng, còn tôi 30 năm nay ở Lào Cai chưa từng thấy đào rừng thật bao giờ", vị Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.

Ngày 26/12, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi tết. Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng.