'Cảm giác đó thăng hoa dữ lắm'

Thứ hai, 24/06/2019, 09:42 AM

Những gương mặt đầy nếp nhăn thời gian, tóc bạc trắng, ngồi thảnh thơi phiêu cùng tiếng đàn, đôi bàn tay nhăn nheo di chuyển trên các phím piano. Gương mặt họ thư thái, thong dong, đôi lúc còn mỉm cười thật vui vẻ, thoải mái.

Cảm giác đó thăng hoa dữ lắm - Ảnh 1.
 Dạy học piano cho người lớn tuổi không hề đơn giản khi các ngón tay cứng lại không còn linh hoạt và trí nhớ không còn minh mẫn - Ảnh: MY LĂNG

Nhiều nơi 'né' dạy piano cho người cao tuổi vì dạy rất cực, mất nhiều thời gian hơn. Vậy mà chị lại mở lớp. Và còn dạy miễn phí cho những người từ 65 tuổi trở lên, để học viên được đến học bất cứ lúc nào...

18h30 ở Trung tâm Âm nhạc Upponia (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Ngay từ ngoài cổng đã nghe thấy những thanh âm của đàn piano vang lên. Lớp học nép mình sâu sau khoảng sân rộng, tách biệt hoàn toàn những thanh âm ồn ào, xô bồ trên đường xa ngoài kia. 

Trong lớp, có nhiều học viên tóc đã bạc trắng! Lớp có bốn giáo viên chính và bốn trợ giảng. 24 cây đàn piano đều có người ngồi vào ôn lại bài cũ.

Dạy miễn phí cho người từ 65 tuổi

Chị Trần Thị Thọ (35 tuổi, người sáng lập Trung tâm Âm nhạc Upponia) và các giáo viên trợ giảng đang hỏi han xem mọi người học tới đâu, chỉnh sửa bài cũ cho người này xong lại sang kiểm tra bài người khác. 

Những gương mặt đầy nếp nhăn thời gian, tóc bạc trắng, ngồi thảnh thơi phiêu cùng tiếng đàn, đôi bàn tay nhăn nheo di chuyển trên các phím piano. Gương mặt họ thư thái, thong dong, đôi lúc còn mỉm cười thật vui vẻ, thoải mái.

"Nhìn thấy những cô chú lớn tuổi ngồi bên cây đàn piano, chơi được bản nhạc là mình vui lắm" - chị Trần Thị Thọ mỉm cười nói. 

Lớp mở được 4 năm. Lúc đầu chỉ có cây piano duy nhất mà chị Thọ hay dùng. Sau, chị đầu tư nhiều đàn để mọi người đến ai cũng có một cây đàn học riêng. Hiện nay, lớp học có gần 200 học viên, mở sáu ngày một tuần. Lớp học đặc biệt ở chỗ: người lớn rảnh lúc nào học lúc đó. 

"Học viên được học toàn thời gian, lớp mở các ngày trong tuần mà không tính thêm tiền. Vì mình biết mọi người phải đi học, đi làm, công tác, sức khỏe không ổn định... nên mình không hạn chế thời gian học của học viên. Chỉ cần làm sao để mọi người có thời gian thực hiện đam mê" - chị Thọ cho hay.

Đặc biệt, những học viên từ 65 tuổi trở lên đều được học miễn phí. Chị Thọ giải thích: "Thật ra khi mình mở lớp học này không dễ dàng vì điều kiện kinh tế. Nhưng mình may mắn được chủ nhà tốt bụng cho thuê mặt bằng giá rẻ so với thị trường nên mình muốn giúp đỡ các cô các chú được học. 

Các cô chú bằng tuổi này đều đáng tuổi ba mẹ mình mà còn có đam mê và chịu đi học là điều rất đáng ngưỡng mộ, cần phải được khuyến khích, động viên nên mình dạy miễn phí. 

Mình để các cô chú được học toàn thời gian vì ở tuổi này, các cô chú học không nhanh nhẹn như các bạn trẻ. Một khóa các bạn trẻ học chỉ bốn tháng là xong nhưng các cô chú phải mất cả năm vì sức khỏe không ổn định, khả năng tiếp thu chậm, trí nhớ kém. 

Nếu phải đóng tiền, học bốn tháng mà không xong thì sẽ ngại, sẽ thấy tiếc tiền. Học miễn phí thì các cô chú không bị áp lực về tài chính, sẽ thoải mái theo đuổi việc học. Nên mình dạy miễn phí, không tính toán về thời gian, công sức".

Chị Thọ còn thiết kế chương trình học online cho những người không đến lớp được, có thể học ngay tại nhà. Khoảng 3-4 tháng, trung tâm sẽ tổ chức buổi Giao lưu tỏa sáng đam mê, là dịp để các học viên có cảm giác được làm nghệ sĩ khi được ngồi trên sân khấu, mọi người nghe mình đàn. 

"Cảm giác đó thăng hoa dữ lắm" - bà Trần Thị Thu (72 tuổi, nhà ở Bình Dương) cho hay. 

Mình cảm động và thương muốn rớt nước mắt khi nhìn hình ảnh một bà lão thôn quê mặc quần đen, áo bà ba, tóc bạc trắng, ngồi bên đàn piano. Đam mê của cô Ngọc càng cho mình có thêm động lực muốn cống hiến.

Chị TRẦN THỊ THỌ

Nói về lý do mở lớp dạy piano cho người lớn tuổi, chị Thọ giải thích: "Khi đi dạy piano cho học trò, có nhiều người lớn tuổi, là ba mẹ hoặc ông bà của học trò tò mò đến hỏi, thích dữ lắm. Mình mới nhận ra có nhiều người lớn tuổi ngày xưa vì chiến tranh hoặc vì cuộc sống vất vả, lo cơm áo gạo tiền mà không có điều kiện học piano. Bây giờ già rồi, không còn vất vả nữa thì đã lớn tuổi nên ngại, tự ti".

Cảm giác đó thăng hoa dữ lắm - Ảnh 3.
Chị Trần Thị Thọ trao đổi với các học viên - Ảnh: MY LĂNG

Để người già cũng có thể học piano

Để có thể dạy piano cho người lớn tuổi, chị Thọ phải cất công tìm hiểu và suy nghĩ rồi đúc kết phương pháp dạy phù hợp nhất. Dạy piano cho người lớn tuổi không hề đơn giản. Đó là hành trình vô cùng gian nan, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại ở người dạy và cả người học. 

"Người dạy phải thực sự hiểu những khó khăn của người lớn tuổi thì mới cảm thông và dạy được - chị Thọ nhấn mạnh - Vì ở tuổi này, các cô chú không còn minh mẫn, khả năng tập trung, ghi nhớ rất khó khăn. Học nốt này qua nốt nọ cứ lộn hoài. Tay thì lọng cọng, run, yếu".

Mỗi học viên lớn tuổi đều có giáo viên hoặc trợ giảng kèm, hỗ trợ dù học miễn phí hay không. Chị Trần Thị Thọ giải thích: "Nếu hướng dẫn chung thì mình đỡ cực nhưng như vậy thì những người chậm sẽ không theo kịp. Mình kèm từng người để học viên không sợ, không bị áp lực phải học cho bằng người khác. Học đàn là phải vui, phải thoải mái, chứ bị áp lực là thua. Phương pháp này dài hơi, tốn công tốn sức nhưng mình ước mơ: ai chậm cỡ nào cũng theo học được, không bị mặc cảm tự ti mà bỏ giữa chừng và bỏ mất niềm vui khi tự tay chơi được một bản nhạc piano".

Trong lớp có nhiều học viên ở các tỉnh thành xa vẫn lặn lội đến đây học như: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận..., và những quận huyện xa của TP.HCM như Nhà Bè, Hóc Môn... Sau một thời gian học, họ đều được trải qua cảm giác hạnh phúc khi tự tay đàn được bản nhạc. 

"Nếu không có lớp học này, tôi không biết học piano ở đâu. Cô Thọ tốt lắm. Những người già như chúng tôi từ 65 tuổi trở lên cô không lấy tiền. Cô bảo cứ rảnh lúc nào đến học lúc đó. 

Mấy tháng đầu học khó lắm. Tôi nghĩ chắc mình không học được. Cô Thọ rồi các thầy cô khác cứ động viên, tạo niềm tin cho mình tiếp tục học. Mặc dù học không tốn tiền nhưng tôi được giáo viên kèm riêng, cứ một kèm một, rất nhiệt tình" - bà Nguyễn Thị Ngọc, 66 tuổi, người Bình Thuận, tấm tắc nói.

Bà lão thôn quê lặn lội từ Bình Thuận vào đây chỉ để học piano cho thỏa ước mong. Bà ở nhà con gái bên quận 4. Cứ 5h sáng, bà đi 2-3 chặng xe buýt đến đây, học từ sáng đến 11h trưa thì ăn cơm với gia đình cô Thọ rồi chiều học đến 15h thì về. Bà cứ học 2-3 tuần lại về quê 2-3 tuần coi nhà cửa, vườn tược, gà vịt...

"Tới đây học vui lắm, thấy mình như trẻ ra. Bọn tôi già rồi, học trước quên sau, rất lâu, rất khó tiếp thu mà cô Thọ và các thầy cô khác vẫn kiên trì dạy, lại còn không lấy tiền. Cô Thọ còn trẻ mà có cái tâm. Những chỗ dạy đàn khác họ lấy tiền dữ lắm, một khóa tiền triệu. Mình học đã không mất tiền mà cô giáo thấy mình vắng là điện thoại nhắc đi học hoài" - bà Trần Thị Thu cho biết.

"Hồi đầu tôi chở bả đi học rồi đứng ngoài coi, sau thấy thích quá nên vô học cùng luôn" - ông Nguyễn Văn Thành, 74 tuổi, chồng bà Thu, cười móm mém bảo.

Bà Thu cười thật tươi, cho hay: "Vợ chồng tôi mua cây đàn, hai đứa xài chung. Lần đầu tiên đàn được bản nhạc thấy sướng lắm, tự hỏi ủa sao mình làm được như vậy. Học piano là ước mơ hồi trẻ của tôi. Nhưng hồi đó gia đình khá giả mới có tiền học đàn piano. Sau này lấy chồng lại lo cho con cái rồi quên bẵng mất. Đến khi nhìn lại thì đã già rồi. Nhờ có lớp học này mà tôi mới thực hiện được ước mơ hồi trẻ của mình...".

 

Học cách biết ơn những người đã hãm hại mình, bạn mới cảm thấy hạnh phúc

Lòng biết ơn không chỉ thay đổi cuộc sống của bạn mà còn vượt ra ngoài ranh giới chúng ta có thể suy nghĩ về cuộc sống. Lòng biết ơn hàm dưỡng tình thương, lòng tốt, tấm lòng vị tha và đồng cảm. Đó là dẫn đường cho mỗi bước đi trong cuộc sống của mỗi người.

 

Chúng ta đến với thế giới này chỉ để đau khổ và tranh đấu?

Mật ngọt của trần gian này nhiều lắm. Nào giàu có, tiếng tăm, quyền lực, tình yêu, gia đình… Rồi sau đó ra đi, bỏ lại buổi tiệc đời cho những người đến sau. Bỏ lại cho người khác với rất nhiều nuối tiếc, chẳng đem theo được gì.