Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, quyền lợi người cho vay ai bảo vệ?

Thứ ba, 03/09/2019, 06:44 AM

Dự án luật Đầu tư sửa đổi lần này bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-quyen-loi-nguoi-cho-vay-ai-bao-ve
Dự án luật Đầu tư sửa đổi lần này bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. 

Trong dự án Luật Đầu tư sửa đổi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.

Trong số này, ban soạn thảo bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nhà ở thương mại được loại khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định tại Luật Đất đai.

Bốn nhóm ngành được bổ sung vào danh mục ưu đãi đầu tư, gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình, kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Theo UBND TP HCM, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa để giải quyết. Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại thi hành.

Mặt khác, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẽ hở để một số đối tượng núp bóng, câu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây phức tạp về an ninh trật tự.

Còn nếu không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục cấm kinh doanh, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo nếu đưa ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục cấm thì cần làm rõ việc xử lý đối với những trường hợp đã được cấp phép hoạt động trước đó thế nào, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Ý kiến khác lại cho rằng, cần sửa lại thuật ngữ "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" tại dự thảo luật cho phù hợp hơn, chẳng hạn "kinh doanh dịch vụ xử lý nợ". Các đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật Đầu tư cần theo hướng tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp thay vì tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước.

TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trước khi bàn đến việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì cơ quan soạn thảo luật phải công bố đánh giá được những điều được và chưa được cụ thể hơn. Bởi những hành vi như khủng bố, đe dọa, côn đồ... đều vi phạm hình sự.

Nếu xử lý đúng quy định thì cùng với việc tuyên án về hình sự, tòa cũng có thể xử kèm theo đề nghị rút giấy phép kinh doanh. “Trên thực tế nếu các hành vi vi phạm xảy ra mà không xử lý nghiêm thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý. Việc xử lý nghiêm sẽ giúp loại bỏ được các hoạt động sai phạm, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh nói chung. Nếu chưa xem xét tất cả những hoạt động liên quan mà đưa vào cấm hoạt động thì chưa ổn”, TS Trần Du Lịch nói.

TS Vũ Đình Anh cũng cho rằng, không phải cấm mà cần thiết lập khung pháp lý cho mối quan hệ người cho vay và người đi vay. Hợp đồng và nghĩa vụ cả hai bên thế nào, nếu không trả nợ được thì vì lý do gì, cơ chế bảo vệ bên cho vay thế nào... Ngay chính công ty đòi nợ phải có khung pháp lý để họ vin vào đó làm công cụ thực thi nhiệm vụ của mình. Khung pháp lý này phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả và bảo vệ lợi ích hai bên và phù hợp quy ước quy chuẩn xã hội hiện nay.

 

HoREA 'hiến kế' xử lý quỹ đất hỗn hợp

Các khu đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thường có quỹ đất công xen cài dẫn đến khó khăn chuyển đổi, thời gian thực hiện dự án.

 

TP HCM: Sawaco đòi tăng giá bán lẻ nước sạch

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa có văn bản gửi Sở Tài chính nêu rõ những khó khăn của đơn vị hiện nay, đồng thời kiến nghị điều chỉnh giá bán lẻ nước.

 

Cách Vũ 'nhôm' lấy 'đất vàng' 15 Thi Sách

Hãng Phim Giải Phóng không đồng ý nhượng lại quyền thuê khu đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM nhưng không quan trọng, Vũ "nhôm" đã có cách. Cựu sỹ quan tình báo của Tổng cục V (Bộ Công an) nhờ thượng cấp tác động thẳng tới cơ quan chủ quản của hãng này, là Bộ VHTTDL. Vẫn với cái mác "công ty bình phong" và vẫn dưới lá bùa "hoạt động nghiệp vụ"...