Cấm lái xe sau khi uống bia: Rủi ro với doanh nghiệp bia tại Việt Nam?

Thứ bảy, 11/01/2020, 13:10 PM

Công ty chứng khoán SSI cho rằng, Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 được đánh giá là một vấn đề rủi ro với các doanh nghiệp bia tại Việt Nam.

Cấm lái xe sau ki uống bia

Cấm lái xe sau ki uống bia

Cấm lái xe sau khi uống bia: Rủi ro với doanh nghiệp bia tại Việt Nam?

Năm 2019, sản lượng tiêu thụ của ngành bia tại Việt Nam là 4,6 tỷ lít, tăng hơn cùng kỳ 10%. Tuy nhiên, SSI dự đoán con số này trong năm 2020 khó tiếp tục đạt mốc 2 chữ số.

Trong báo cáo phân tích ngành bia mới được bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI công bố, Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 được đánh giá là một vấn đề rủi ro với các doanh nghiệp bia tại Việt Nam.

Theo SSI, các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia trong đó có cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm lái xe sau khi uống rượu bia và gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để truyền thông về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đố uống có cồn sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành.

SSI nhận định do tác động của khung pháp lý về việc phòng chống tác hại của rượu bia, mức tăng trưởng sản lượng bia năm 2020 sẽ không đạt mốc 2 chữ số. Thay vào đó, con số được SSI kỳ vọng trong năm nay là 6-7%.

Bên cạnh đó, SSI không loại trừ khả năng mức mức thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia có thể tiếp tục tăng từ mức 65% hiện tại.

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, số hộ gia đình ăn uống ở ngoài nhiều hơn ở nhà so với trước đây tăng thêm 40% trong giai đoạn 2015-2019. Còn Nielsen cũng đánh giá mức tiêu thụ bia theo giá trị tăng trưởng khả quan hơn so với các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác ở Việt Nam.

Theo Euromonitor, sản lượng bia ở Việt Nam sẽ đạt 4,9 tỷ lít trong năm 2021, tương đương với mức tăng trưởng tuyệt đối hàng năm 5,5%. Sản lượng bia tiêu chuẩn và cao cấp sẽ có mức tăng lần lượt là 5,5% và 7%. Các sản phẩm bia cao cấp nhập khẩu được dự đoán có tốc độ tăng cao nhất - 10,3%.

Theo ghi nhận cổ phiếu Sabeco đã mất tổng cộng 4.000 đồng. Với việc tỉ phú Thái nắm quyền sở hữu 53,59% (tương đương 343,6 triệu cổ phần) thì vị tỉ phú này đã mất hơn 1.300 tỉ đồng.

Còn riêng với Sabeco, với hơn 641,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành thì công ty này đã bốc hơi hơn 2.500 tỉ đồng giá trị vốn hóa.

Tên tuổi lớn trên thị trường bia ở miền Bắc là Habeco cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nếu trong năm ngày giao dịch chứng khoán đầu năm 2020, cổ phiếu Habeco có hai ngày đầu tăng tổng là 2.400 đồng thì đến bây giờ đã mất 3.000 đồng. Như vậy sau một tuần, Habeco mất 600 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù tỉ lệ mất giá cổ phiếu rất nhỏ nhưng với hơn 231,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành Habeco đã bốc hơi gần 140 tỉ đồng giá trị vốn hóa.

Cùng cảnh ngộ là Công ty Bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB). Đơn vị này đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm giá mạnh ngay từ phiên giao dịch đầu năm 2020. Đến hôm nay (8-1), cổ phiếu WSB đã mất 3.200 đồng. Với 14,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá trị vốn hóa của WSB đã mất 46,4 tỉ đồng.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về các mức phạt dành cho người vi phạm đối với xe máy như sau:

Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Đối với ô tô: Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.