Cẩm nang du lịch Hà Nội: Thăng Long Bắc trấn – Đền Quán Thánh

Thứ năm, 12/03/2020, 06:09 AM

Bắc trấn Thăng Long – Đền Quán Thánh là ngôi đền thiêng, được đặt ở vị trí huyết mạch trấn giữ phía Bắc của Thủ đô.

Cẩm nang du lịch Hà Nội: Thăng Long Bắc trấn – Đền Quán Thánh

Cẩm nang du lịch Hà Nội: Thăng Long Bắc trấn – Đền Quán Thánh

Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến có rất nhiều di tích lịch sử mỗi năm vẫn thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Những di tích này không chỉ là nơi bạn có thể tìm hiểu về những điển tích, thần thoại mà còn là những công trình kiến trúc điển hình cho từng giai đoạn văn hóa, nét tín ngưỡng tiêu biểu của người Việt. Trong số này, không thể bỏ qua 4 công trình – 4 ngôi đền linh thiêng được gọi chung là Thăng Long tứ trấn.

4 ngôi đền này thường được các công ty du lịch xếp vào hành trình du lịch tâm linh đền, chùa Hà Nội. Những người muốn tìm hiểu về lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng không thể bỏ qua.

Tứ trấn Thăng Long bao gồm: Đông trấn – Đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ; Tây trấn – Đền Voi phục, thờ thần Linh Lang Đại Vương; Nam trấn – Đền Kim Liên, thờ Cao Sơn Đại Vương và Bắc trấn – Đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.

Cũng như ba ngôi đền còn lại, Bắc trấn Thăng Long – Đền Quán Thánh được xây dựng từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long những năm 1010. Đây là ngôi đền thiêng, được đặt ở vị trí huyết mạch trấn giữ phía Bắc của Thủ đô, đảm bảo cho mảnh đất này luôn được yên bình, dù con người hay ma quỷ cũng không xâm phạm được.

Đền Quán Thánh có thể là điểm bắt đầu cho một tuor du lịch tâm linh nối các điểm chùa, Đền quanh khu vực Tây Hồ như Đền Quán Thánh – phủ Tây Hồ - chùa Trần Quốc.

Du khách có thể dễ dàng đến thăm Đền Quán Thánh bằng xe bus hoặc ghé bờ Hồ, mua các tuyến xe điện thăm quan thành phố, chọn tuyến có điểm dừng tại đây. Giá vé vào cửa của Đền Quán Thánh chỉ 10.000 đồng, trẻ em được miễn phí.

chinh dien Den Quan Thanh

Nằm ở góc đường Cổ Ngư (nay là đầu đường Thanh Niên), Trấn Vũ Quán (theo ba chữ tạc trên nóc cổng ra vào) được dân gian quen gọi là Đền Quán Thánh. Đền thờ Thánh Trấn Vũ, tương truyền là vị Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa.

Theo sử sách, đền có từ thời Cao Biền (thế kỷ thứ IX) ở phía nam sông Tô Lịch. Sau vua Lý Thái Tổ dời đô năm 1010, mở rộng thành cũ, đã dời Đền về Tây Bắc thành là vị trí ngày nay.

Đền Quán Thánh là một quần thể kiến đẹp dù đã qua nhiều lần tu sửa. Đền có cổng tam quan uy nghi đường bệ được dựng trên những tấm đá lớn với gác chuông với quả chuông cao tới 1,5 m - niên đại Đinh Tỵ, đời Lê Hy Tôn. Phía trước có bốn cây cột lớn được đắp nổi bằng những hình nghê, phượng và mặt hổ phù... Du khách trước khi bước qua cổng Tam quan đừng quên chiêm ngưỡng ngay phía trên cổng – phần đắp nổi tượng thần Rahu – vị thần trong thần thoại Ấn Độ đã nuốt mặt trăng, mặt trời gây ra nhật thực, nguyệt thực. Đây là một nét rất độc đáo, thể hiện sự hội nhập tín ngưỡng của người Việt từ xa xưa.

Bước chân qua cổng tam quan là sân rộng, trong sân có bể cá vàng và hòn giả sơn. Du khách sẽ tiếp tục tham quan nhà bia bên trong đền Quán Thánh – nơi ghi lại các thời điểm trùng tu Đền. Sau nhà bia có đền thờ liệt sĩ.

Để hành trình tham quan không bị bỏ lỡ những điều thú vị, bạn cần biết, cấu trúc chính Đền gồm hai lớp. Lớp ngoài là nhà Đại Bái cao ráo, lộng lẫy với hệ thống cột, xà, cửa võng sơn son thếp vàng. Hai bên tả hữu treo biển đồng chữ bạc của vua Thiệu Trị (1841-1847) ban và một khánh đồng do một Đại Đô đốc thời Tây Sơn cung tiến vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1795).

Den-Quan-Thanh

Phía trong nội cung, đáng chú ý nhất là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3,72m, nặng 4 tấn, tóc xõa, tay trái bắt quyết, tay phải cầm gươm có rắn quấn chống lên lưng rùa với phong thái như một vị tiên phong đạo cốt. Pho tượng được nhiều người biết đến như một tuyệt tác về kĩ thuật đúc đồng của người Việt hồi đầu thế kỉ XVII với những đường nét tinh xảo, điêu luyện. Ngoài ra, hậu cung còn có tượng bốn vị nguyên soái khác cũng được thờ tự.

Đặc biệt, trong đền có một pho tượng ngồi trong khám. Tương truyền đó là tượng ông Trùm Trọng, một ông trùm phường đúc đồng làng Ngũ Xá đã đúc pho tượng thánh Trấn Vũ. Sau khi ông trùm qua đời, các học trò đúc tượng thầy đặt vào đây để tỏ lòng nhớ ơn thầy.

Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Trải qua hơn một thiên niên kỷ nhưng ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn, duyên dáng bên hồ Tây thơ mộng và tồn tại trong lòng người Hà Nội.

Bài liên quan