Cần cảnh giác với những lời quảng cáo về công dụng 'thần dược' của Viên Khớp Đại Việt

Thứ ba, 26/05/2020, 15:30 PM

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra lời cảnh báo với người tiêu dùng về hàng loạt các sản phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Đại Việt với nội dung “khống” sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.

Đang trong tháng cao điểm về việc thanh tra, rà soát tất cả các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp nối Mr. Sun, Cường Lực Nam, Cường Lực Ích Nam, Cường Dương Ích Nam, GenX Gold, GenX Plus...  cùng hàng loạt các thương hiệu khác đang được quảng cáo “khống” tràn lan trên thị trường.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phát hiện sai phạm nghiêm trọng đối với Viên Khớp Đại Việt.

Website quảng cáo Viêm khớp Đại Việt đang lừa dối người tiêu dùng

Website quảng cáo Viêm khớp Đại Việt đang lừa dối người tiêu dùng

Cụ thể, Cục cho biết trên website http://dangian3.demopage.me/daiviet3 có nội dung quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Đại Việt không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Công ty Cổ phần thương mại IAC (Địa chỉ Số nhà 31, ngõ 186, đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Người đại diện là ông Dương Sĩ Quân.

Theo tìm hiểu, thành phần ghi trên nhãn sản phẩm Viên khớp Đại Việt giống y hệt Xương khớp MH mà trước đó Cục ATTP (Bộ Y tế) cảnh báo nhiều lần đối với thương nhân phân phối do quảng cáo như thuốc chữa bệnh, cùng tên thương nhân phân phối là Công ty Cổ phần Thương mại IAC.

Phải chăng đây là chiêu thức “ve sầu thoát xác” để rửa sạch phốt đầy tai tiếng do Xương khớp MH gây ra trước đó?

Nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật

Nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Khoản 2 Điều 27 chương 8 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định rõ về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Đặc biệt, Điểm a khoản 3 Điều 27 chương 8 của Nghị định này cũng nhấn mạnh: “Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền”.