Cần thanh tra toàn diện để 'chặn' thổi giá thiết bị y tế

Thứ sáu, 09/10/2020, 13:22 PM

Sau vụ việc thổi giá thiết bị y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai khiến cựu Giám đốc Bệnh viện cùng một số cán bộ bị khởi tố bắt giam, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Ngọc Hiền và kế toán bệnh viện bị khởi tố, bắt giam trong vụ thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Ngọc Hiền và kế toán bệnh viện bị khởi tố, bắt giam trong vụ thổi giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai.

Liên tục những vụ thổi giá thiết bị y tế gây rúng động

Thời gian qua, dư luận được phen rúng động trước một loạt vụ việc thổi giá thiết bị y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai hay vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội.

Vụ việc tiếp tục gây rúng động khi một loạt quan chức, cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và CDC Hà Nội bị khởi tố, bắt giam.

Gần đây, dư luận tiếp tục xôn xao khi báo chí phản ánh nhiều bệnh viện tại một số nơi tiếp tục có dấu hiệu mua máy móc, thiết bị y tế giá cao so với nơi khác. Tiêu biểu như vụ mua máy CT ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau vừa qua cũng bị một số tờ báo phản ánh mua máy với giá cao. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã yêu cầu báo cáo, làm rõ vấn đề này.

Hay trước đó là vụ việc xảy ra ở Thái Bình, theo phản ánh của báo chí: Cơ quan thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm. Điển hình như, tại gói mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình mặt hàng máy điện tim có xuất xứ Nhật Bản nhưng nhận bàn giao là máy xuất xứ Trung Quốc...

Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô khẳng định, vụ Bạch Mai không phải vụ đầu tiên, chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Nếu có chỗ nào vi phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm.

Vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 cũng khiến Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng nhiều cán bộ bị bắt giam.

Vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 cũng khiến Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng nhiều cán bộ bị bắt giam.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Chủ trương xã hội hoá về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua trong Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định 16, 42, 43 của Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành thông tư về vấn đề này. Vấn đề xã hội hoá này đã đạt được nhiều thuận lợi, thành tựu. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thông qua xã hội hoá xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị.

Gần đây nhất, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc công khai giá trang thiết bị lên Cổng TTĐT Bộ Y tế, giá thuốc, vật tư y tế cũng vậy, để làm kênh thông tin khi tổ chức mua sắm, xã hội hoá.

Cần thanh tra đồng loạt

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lên án hành vi câu kết nâng khống giá thiết bị y tế để "móc túi bệnh nhân. Ông nói rằng, đó là sự “ô nhục” đối với ngành y, một số cán bộ phi đạo đức “làm giàu” trên sự khốn khổ của bệnh nhân.

Theo ông Hòa, thời gian qua, việc đấu thầu mua trang thiết bị y tế ở nhiều bệnh viện “có vấn đề”, một số nơi cơ quan chức năng đã phát hiện có tiêu cực trong việc nâng giá thuốc, giá thiết bị y tế, trục lợi cho tổ chức, cá nhân.

Từ những điều trên, vị ĐBQH cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm để răn đe. Bên cạnh đó cũng cần làm đồng loạt, lôi ra ánh sáng những vụ việc tương tự để tránh dư luận nói nơi làm, nơi không.

“Từ những sai phạm tại bệnh viện Bạch Mai, trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa qua, nếu thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay tất cả các bệnh viện trên cả nước thì rất khó, trước mắt phát hiện tới đâu xử lý tới đó.

Cơ quan thanh tra nhà nước cũng cần giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên ngành của bộ, thanh tra các tỉnh xem xét từng khía cạnh, từng vụ việc mà trong thời gian qua ngành y tế đã mua các trang thiết bị y tế, đấu thầu giá thuốc có nghi vấn tiêu cực thì cần thanh tra làm rõ”, ông Hòa nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm của ĐBQH Phạm Văn Hòa, trả lời báo chí, 1 thanh tra viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ nhận định, trên thực tế không chỉ riêng bệnh viện Bạch Mai, tại một số đơn vị khác cũng có tình trạng thuê công ty thẩm định giá để rồi thiết bị y tế bị nâng khống lên nhiều lần trước khi đưa vào bệnh viện. Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang chỉ đạo thanh tra diện rộng việc mua sắm thiết bị y tế trên cả nước, việc nâng khống giá thiết bị có diễn ra phạm vi rộng hay hẹp sẽ được làm rõ.

Theo ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ) là Phó Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân: Hệ lụy rõ nhất khi đầu tư xã hội hóa trong y tế công sẽ kéo theo việc lạm dụng chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm… nhằm mục đích nhanh thu hồi vốn đầu tư, tăng lợi nhuận....

Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng Giám đốc Bệnh viện, tuy nhiên dù ở mức nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả là lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và của xã hội.

Theo ông, dù đã có quy định về việc liên doanh, liên kết đầu tư mua sắm thiết bị tại bệnh viện công nhưng quy trình thẩm định giá đầu vào, tiêu chí xây dựng giá dịch vụ ra sao thì tới nay vẫn rất lỏng lẻo.

"Chẳng hạn, Thông tư 15 quy định giá thẩm định có thể dựa vào giá máy móc có sẵn đã tồn tại trên thị trường, nhưng giá trên thị trường có đúng không thì không ai trả lời được. Hoặc với thiết bị chưa có trên thị trường thì buộc phải thuê cơ quan thẩm định độc lập nhưng lại thuê ngay “kẻ ăn cắp” đẩy giá lên, thành ra một hệ thống gian dối trục lợi”, ông Học phân tích và nhấn mạnh: Kẽ hở lớn nhất chính là đầu tư trang thiết bị với với tư cách tư nhân, nhưng lại đưa vào sử dụng trong môi trường công”.

Bài liên quan