Cần xây dựng một Bộ luật về kinh tế tuần hoàn

Thứ bảy, 26/10/2019, 06:45 AM

Theo các chuyên gia kinh tế, để giải bài toán, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường Việt Nam nhất thiết phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, điểm xuất phát bắt đầu từ việc luật hóa, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.

can-xay-dung-mot-bo-luat-ve-kinh-te-tuan-hoan
Tái chế nhựa, để nhựa không thành rác là một phần trong kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải.

Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải. Vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan chính phủ để phát triển bền vững.

Mặc dù, kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một trong những giải pháp để phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên thực tế còn không ít trở ngại nào cần khắc phục để triển khai việc này trong thời gian tới.

can-xay-dung-mot-bo-luat-ve-kinh-te-tuan-hoan
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để triển khai kinh tế tuần hoàn trước tiên các doanh nghiệp cần phải có hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, được hỗ trợ để triển khai mô hình kinh tế này. Hiện tại, chúng ta chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn, điều này muốn có cần có sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các cơ quan Nhà nước.

“Tiến tới cần xây dựng một Bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn, trước mắt cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn”, ông Vinh nói.

Chung quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động; xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chi tiêu công xanh, cùng với đó là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Cần coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy các thị trường tái chế, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và cộng đồng.

can-xay-dung-mot-bo-luat-ve-kinh-te-tuan-hoan
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) chỉ ra, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình. Đây là thách thức lớn cần vượt qua bởi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu và quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

Thuận lợi hiện nay là chúng ta đang hướng đến cách mạng 4.0 và việc ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ gắn với công nghệ cao sẽ là cơ hội lớn cho thực hiện đầu tư các mô hình mới.

Cần có thêm cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải là tài nguyên trong nền kinh tế, xét trên cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn cần dựa trên các mô hình đã có và bổ sung, hoàn thiện, có sự lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.

Đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh cho rằng, trong điều kiện nguồn lực và tài chính của chúng ta chưa sẵn sàng, doanh nghiệp có thể bắt nhịp với xu thế, cần có những đánh giá làm thế nào gia tăng giá trị các mô hình sẵn có và phát huy vai trò của truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp. Những nghiên cứu tới đây để xây dựng chính sách pháp luật cần tạo ra khuôn khổ để các bên liên quan cùng tham gia, không thể chỉ nhìn kinh tế tuần hoàn ở góc độ riêng lẻ từng ngành mà cần tính đến mối liên kết, sự phối hợp giữa các ngành nghề.

Trong khi đó tại hội thảo khoa học “Không để nhựa thành rác” mới đây do Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã tổ chức, TS. Bùi Đức Hiển - Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, các hoạt sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất là xu hướng phát triển bền vững, sự quay vòng đó tạo nên nền kinh tế tuần hoàn. Đây là xu hướng của phát triển bền vững giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.

coi-rac-thai-nhua-la-tai-nguyen-viet-nam-se-thu-ve-hang-ty-usd
TS. Bùi Đức Hiển - Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật chia sẻ kinh tế tuần hoàn trong vấn đề xử lý rác thải nhựa.

“Ở Việt Nam, nhu cầu thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên cấp thiết do tài nguyên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Với diện tích đứng thứ 68 thế giới, dân số đứng thứ 15, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm”, TS. Hiểu nêu quan điểm.

Tại Hội thảo TS. Bùi Đức Hiển thông tin: Ứớc tính thực tế tại Châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính . Hay ở Thái Lan, Malaysia, Singapore,… đã áp dụng các phương pháp tái chế chất thải rắn thông thường hợp lý, nên mỗi năm đã tiết kiệm được 50-55% các loại nguyên liệu như: bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải.

Với kinh tế Việt Nam nếu phát triển nền kinh tế tuần hoàn bằng cách coi rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng là nguồn tài nguyên để từ đó khai thác thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.

Thông điệp “Không để nhựa thành rác” gây bất ngờ và nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng mạng, đến với những nhà tổ chức giải Longbien Marathon 2019.

Với thông điệp: “Không để nhựa thành rác. Chạy cho ngày mai xanh”, Longbien Marathon 2019 hướng tới kêu gọi những vận động viên tham gia bảo vệ môi trường. Ngoài việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường thì việc sử dụng nhựa thông minh, thu gom đúng cách, tái chế tái sử dụng nhựa cũng là cách để mỗi người bảo vệ môi trường sống.

Ngày 27/10, ngày diễn ra sự kiện, ban tổ chức sẽ thu thập ý tưởng tái chế, tái sử dụng đồ nhựa trong gia đình trên một backdrop cỡ lớn. Mỗi ý tưởng sẽ được đổi thành 2.000 đồng để ủng hộ cho chương trình hoạt động vì môi trường.