Cần xử hình sự người khai báo gian dối, không cách ly dịch Covid-19

Thứ năm, 12/03/2020, 10:24 AM

Đã có không ít các trường hợp khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Ca bệnh thứ 17 nhiễm Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2.

Ca bệnh thứ 17 nhiễm Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2.

Liên tục gian dối, không cách ly nghiêm túc

Thời gian qua, dịch Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp khi con số ca nhiễm vẫn tăng không ngừng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Mặc dù sự nguy hiểm và sức lây lan của đại dịch này đã được cơ quan chức năng tuyên truyền rất nhiều thế nhưng một thực tế đáng buồn là thời gian qua đã có không ít trường hợp khai báo gian dối, khai báo không trung thực, thậm chí không chấp hành cách ly khiến người dân vừa hoang mang lo lắng, vừa phẫn nộ.

Có thể kể ra đây vài trường hợp điểm hình như vụ việc một cô gái ở Bình Dương livestream "khoe chiêu trốn cách ly" dù vừa trở về từ vùng dịch Hàn Quốc. Hay vụ việc một cô gái 24 tuổi từ Nhật Bản về đã trốn cách ly từ Hà Nam về Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cô gái khiến dư luận bức xúc vì livestream

Cô gái khiến dư luận bức xúc vì livestream "khoe trốn cách ly" dù vừa từ vùng dịch Hàn Quốc về.

Mới nhất, một trường hợp cô gái 20 tuổi ở Nghệ An trở về từ Hàn Quốc đang thuộc diện cách ly nhưng vẫn tham gia đánh bóng chuyền ở địa phương. Tuy nhiên, may mắn thay tất cả những ca nói trên đến thời điểm này đều cho kết quả âm tính với Covid-19.

Đặc biệt vụ việc ca bệnh thứ 17 nhiễm Covid-19, là cô gái ở Trúc Bạch (Hà Nội), sau khi đi máy bay về có những biểu hiện bệnh đã khai báo thiếu trung thực dẫn đến nhiều người tiếp xúc đã phải cách ly trong đó có trường hợp đã dương tính với Covid-19.

Cần xử lý hình sự làm gương

Trước thực trạng trên, phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa được tổ chức, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly theo quy định.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.

Thủ tướng cho hay, Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng, đi lại nhiều vì thế nguồn lây nhiễm đa dạng, do đó cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi về vấn đề này với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong vòng 6 ngày (6-11/3), Việt Nam đã công bố thêm 22 ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước ta là 38 trường hợp. Trong đó, 16 người đã khỏi bệnh. Hiện Việt Nam chúng ta cũng đã chính thức bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Theo thông báo, tất cả đều do nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Thời gian qua, toàn dân đã tích cực tham gia phòng chống Covid-19 theo sự chỉ đạo của Chính phủ đã đạt được hiệu quả giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số cá nhân đi từ vùng dịch ở một số quốc gia trên thế giới về Việt Nam không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực thời gian sinh sống, lịch trình đi lại dẫn tới lây lan dịch bệnh cho mọi người và làm bùng phát dịch trở lại là hành vi cần phải lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

"Khai báo y tế nhập cảnh là bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch, đòi hỏi sự tự giác của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời (nếu có ca bệnh), ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Kiểm soát chặt chẽ cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức cách ly người từ vùng có dịch nhập cảnh, giám sát, phát hiện người bệnh tại cộng đồng sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid 19", luật sư Thơm đánh giá.

Theo quan điểm của luật sư, cho đến hiện nay mọi người dân đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid 19. Ngành y tế cũng đã phổ biến tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch và các biện pháp phòng dịch cũng như cách hạn chế lây lan dịch cho người khác.

Do đó, nếu cá nhân nào kê khai gian dối nhập cảnh, không chấp hành việc cách ly hoặc những người trực tiếp tiếp xúc với người có bệnh dịch, người có nguy cơ cao lây nhiễm mà cố tình né tránh các quy định phòng dịch nếu kết quả xét nghiệm dương tính Covd 19 mà làm lây nhiễm bệnh cho người khác, kể cả những người trong gia đình thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Lỗi của người vi phạm trong trường hợp này được xác định là Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2 Điều 10 BLHS “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

"Xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tình hiện nay là cần thiết để nhằm răn đe những người coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người khác. Mặt khác đây cũng là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức bản thân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong xã hội", luật sư Thơm bày tỏ.

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bài liên quan