Cần xử lý hình sự với cơ sở sản xuất nước rửa tay giả để trục lợi trong mùa dịch corona

Thứ hai, 10/02/2020, 19:00 PM

Cơ quan chức năng cả nước đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở lợi dụng tình hình dịch corona để sản xuất nước rửa tay giả không đảm bảo chất lượng nhằm bán ra thị trường trục lợi.

Cồn 90 độ về pha cùng nước tinh khiết và dung dịch glycerin thành dung dịch sát khuẩn để bán ra thị trường. (Ảnh: QLTT).

Cồn 90 độ về pha cùng nước tinh khiết và dung dịch glycerin thành dung dịch sát khuẩn để bán ra thị trường. (Ảnh: QLTT).

Những ngày gần đây, khi tình hình dịch bệnh corona khiến nhiều người dân cả nước lo lắng mua sắm các sản phẩm y tế để phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Trong đó, các sản phẩm như khẩu trang, nước rửa tay là những mặt hàng được khuyến khích sử dụng nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.

Thế nhưng, cũng trong tình hình dịch bệnh ấy, lợi dụng tâm lý của người dân, nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang, nước rửa tay không đảm bảo đã nhân cơ hội để trục lợi kiếm tiền. Bằng chứng là chỉ trong ít ngày đầu tháng 2/2020 này, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, triệt phá một số cơ sở sản xuất nước rửa tay giả, không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Tiêu biểu như vụ việc kiểm tra tại cơ sở sản xuất của bà Quách Thị Hà Vân (ở tòa CT2 khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103 ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), đội Quản lý thị trường số 26, thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện việc sản xuất dung dịch rửa tay từ cồn và nước bằng thủ công.

Theo đó, vào chiều 8/2, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Quách Thị Hà Vân (ở tòa CT2 khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103 ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều chai lọ, cồn... trên nền nhà. Bà Vân khai đã mua cồn 90 độ để pha với nước tinh khiết và dung dịch glycerin để làm nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay khô bán ra thị trường.

Thời điểm kiểm tra, bà Vân không xuất trình được giấy chứng nhận chất lượng và giấy đăng ký kinh doanh. Lực lượng chức năng đã tạm giữ số hàng hóa tại cơ sở sản xuất để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay trước đó là vụ việc, chiều 6/2, Công an Thái Bình đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Thiên Y Việt có địa chỉ tại số 437, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình.

Theo đó, phát hiện có gần 30 công nhân đang sản xuất, đóng gói hàng hóa là nước rửa tay in các dãn nhãn hiệu: Rencide, Hand sanitizer dạng nước và dạng gel với trên 200 chai chứa dung dịch (trong đó có 160 chai chưa dán tem nhãn, 40 chai đã dán tem nhãn nước rửa tay khô); 23 thùng nhựa loại 20 lít, 80 lít, 120 lít; 44 thùng phi loại 200l chứa cồn công nghiệp; 90 thùng carton, 30 bao tải chứa các vỏ chai loại 100ml, 150 ml, 500ml; số lượng lớn tem nhãn in tên Công ty Thiên Y Việt và ca nhựa, máy khoan gắn thanh kim loại để pha chế dung dịch nước rửa tay.

Tiếp tục kiểm tra khu vực kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện 6.441 chai chứa dung dịch loại 100ml, 500ml chưa dán tem nhãn; 982 chai loại 100ml, 150 ml, 500ml dán tem, nhãn nhãn hiệu Rencide, Hand sanitizer. Ngoài ra còn các sản phẩm tinh dầu Thiên Y thần khớp, trà gan H'mông, tinh chất thảo dược Xoang H'mông, tinh chất cao lá H'mông, cao tầm gửi H'mông... do Công ty Thiên Y Việt sản xuất, đóng gói chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đến chiều qua, ngày 8/2, Sở y tế Thái Bình có Công văn trả lời, xác định nước rửa tay trên không đảm bảo chất lượng và việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng phát hiện hoạt hàng nghìn lọ dung dịch rửa tay không đảm bảo chất lượng tại xưởng sản xuất của Công ty Thiên Y Việt (Thái Bình).

Lực lượng chức năng phát hiện hoạt hàng nghìn lọ dung dịch rửa tay không đảm bảo chất lượng tại xưởng sản xuất của Công ty Thiên Y Việt (Thái Bình).

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia y tế, các luật sư khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, vì lợi nhuận bất chấp đạo đức cần phải bị xử lý nghiêm minh.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi làm giả nước rửa tay không đảm bảo bán ra thị trường để trục lợi trong hoàn cảnh cả xã hội đang phòng chống dịch đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.

Hành vi của đối tượng đã xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, quyền được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, kinh doanh đúng đắn của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.

Tùy theo tính chất mức độ, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với việc xử lý hình sự, Cơ quan điều tra cần xác định trị giá hàng hóa làm giả theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 30.000.000 đồng trở lên thì đối tượng có thể bị xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 192 BLHS.

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Làm chết người;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

l) Buôn bán qua biên giới;

m) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b)135 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Bài liên quan