Cảnh báo từ 7-9/9: Tình hình mưa lũ vẫn phức tạp, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét thường trực

Thứ sáu, 07/09/2018, 15:06 PM

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình mưa bão vẫn diễn biến phức tạp nguy cơ thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất vẫn thường trực.

canh-bao-tu-7-99-tinh-hinh-mua-lu-van-phuc-tap-nguy-co-sat-lo-dat-va-lu-quet-thuong-truc
Tình hình mưa lũ vẫn phức tạp, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét thường trực. Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, từ đêm nay (6/9) đến sáng mai, ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông mạnh. Từ chiều và đêm mai (7/9), ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ).

Cảnh báo, từ ngày 7-9/9, ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông Bắc Bộ từ 1-3m; thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 3-6m, hạ lưu từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Thao có khả năng lên mức BĐ1; đỉnh lũ ở thượng lưu các sông Thanh Hóa đến Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2, hạ lưu các sông ở mức BĐ1 và dưới BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ ở vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đặc biệt tại các tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Hòa Bình: Đường 445 lại sạt lở nghiêm trọng, 8 hộ dân phải di dời khẩn cấp

Sau hơn một tháng xảy ra vụ việc sạt lở đất đá làm ách tắc giao thông nhiều ngày tại khu vực tại Km3, tỉnh lộ 445 (địa bàn xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), đến nay tuyến đường tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho người dân đi lại.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm tuyến tỉnh lộ 445 bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 600m3, tại 2 điểm taluy dương từ lý trình 3+100 đến lý trình 3+200, mặt đường xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 100m, chiều rộng vết nứt lớn nhất lên đến khoảng 20cm; mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40cm...

Ngay khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 8 hộ dân (30 nhân khẩu) ra khỏi vùng nguy hiểm.

canh-bao-tu-7-99-tinh-hinh-mua-lu-van-phuc-tap-nguy-co-sat-lo-dat-va-lu-quet-thuong-truc
Sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông tại Hòa Bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ghi nhận đến  ngày 7/9, tuyến tỉnh lộ 445 bị sạt lở nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thời điểm ngày 30/7. Những vết nứt trên mặt đường chiều rộng đã khoảng 30cm, mặt đường lún sâu gần 80cm, khối lượng đất đá tại 2 điểm sạt lở tiếp tục bị sụt lún xuống đường giao thông; những ngôi nhà nằm trong vùng nguy hiểm đã bị sập đổ.

Đặc biệt là những ngày có mưa, lực lượng chức năng dựng rào chắn không cho các xe qua lại. Hiện nay, do thời tiết nắng ráo và nhu cầu đi lại của người dân rất cao, nên người dân xã Phú Cường, xã Hợp Thành tạm thời lấy các vật dụng như tre, bương làm cầu tạm để đi lại.

Thanh Hóa: Mường Lát tan hoang sau bão

Dù mưa bão đã dứt nhưng huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn bị chia cắt đường bộ do đất đá. Tính đến ngày 5/9, hàng trăm hộ dân xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) vẫn “phải ăn nhờ ở đậu nhà người thân” hoặc chui rúc trong khu nhà bỏ hoang của một đơn vị xây dựng đóng trên địa bàn.

Có tới 2 - 3, thậm chí 4 - 5 gia đình cùng sống trong một căn phòng chừng 20m2. Họ phải sống qua ngày bằng mì tôm, gạo cứu trợ, khi nhà cửa, lương thực đã trôi theo dòng sông Mã.

Dọc sông Mã, nhiều biển báo nguy hiểm sạt lở, xuất hiện. Nhiều đoạn đường đã bị sạt lở xuống sông tạo thành những chiếc bẫy chết người.

canh-bao-tu-7-99-tinh-hinh-mua-lu-van-phuc-tap-nguy-co-sat-lo-dat-va-lu-quet-thuong-truc
Những ngôi nhà đổ nát sau mưa lũ tại Trung Sơn. Ảnh Báo Nông nghiệp

Phải đến ngày 5/9, QL 15 mới được thông tuyến nhưng đi lại vẫn còn hết sức khó khăn. Nguồn nhu yếu phẩm, hàng tạp hóa tại các cửa hàng gần như cạn kiệt. Những người còn tiền, muốn mua lương thực về sử dụng cũng đành bó tay. Họ không dám về nhà, không còn nhà để về.

Tương tự, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cũng chịu nhiều thiên tai bão lũ khi mùa mưa bão vừa qua. Sau trận lũ cuối tháng 8, cây cối, hoa màu, nhà cửa nhiều hộ gia đình chỉ trong một tích tắc hầu như đã hoàn toàn bị phá hủy.

Nghệ An: Hàng chục giáo viên vùng cao mất nhà sau lũ

Lũ chồng lũ khiến nhiều giáo viên vùng cao Nghệ An trong phút chốc bị cuốn trôi nhà. Bước vào năm học mới, họ buộc phải thuê nhà ở tạm để tiếp tục công việc gieo chữ.

Cơn bão số 4 đi qua, những cơn mưa lớn ở thượng nguồn khiến mực nước sông Nậm Nơn, Nậm Mộ dâng cao gây sạt lở và ngập lụt hàng loạt nhà ở và các công trình. Kỳ Sơn là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ lịch sử, trong đó có nhiều trường học và nhà ở của giáo viên ở các xã Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý vẫn chưa thể khắc phục xong.

canh-bao-tu-7-99-tinh-hinh-mua-lu-van-phuc-tap-nguy-co-sat-lo-dat-va-lu-quet-thuong-truc
Nhiều nhà giáo viên có nguy cơ bị trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Ảnh: Đào Thọ

Theo thống kê, lũ chồng lũ đã khiến 2 học sinh bị cuốn trôi, 12 trường học bị ảnh hưởng, 53 giáo viên bị thiệt hại nhà cửa. Hiện tại, học sinh ở một số bản vẫn phải lội bùn, vượt suối đến trường, nhiều giáo viên buộc phải thuê nhà ở trọ để tiếp tục dạy học.

Hà Tĩnh: Hồ đập xuống cấp uy hiếp vùng hạ du

Trên địa bàn 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang (Hà Tĩnh) hiện có hàng chục hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công năng sử dụng của các công trình mà còn gây ra nỗi lo mất an toàn vùng hạ du trong mùa mưa bão sắp tới.

Cụ thể, đập Khe Trảy nằm trên địa bàn thôn 6, xã Hương Thọ (Vũ Quang), có dung tích 150.000 m3, phục vụ tưới cho 15 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, quả đồi bên mái phải tràn xả lũ bị sụt lún hơn 1m, hàng ngàn m3 đất đá có thể sạt trượt từ trên xuống lấp cửa tràn bất cứ lúc nào.

Hiện tượng sạt lở cũng bắt đầu xẩy ra ở quy mô nhỏ tại khu vực này. Việc mất an toàn của đập chứa nước gây nhiều lo lắng cho chính quyền địa phương và các hộ dân vùng hạ du.

canh-bao-tu-7-99-tinh-hinh-mua-lu-van-phuc-tap-nguy-co-sat-lo-dat-va-lu-quet-thuong-truc
Sụt lún đất đá từ đồi cao gây nứt tước, hư hỏng các hạng mục bảo vệ đập tràn phía phải của đập Khe Trảy, xã Hương Thọ (Vũ Quang)...

Người dân ở đây cho biết, đập Khe Trảy được đầu tư nâng cấp cách đây khoảng 8 năm. Hiện nay, thân đập, cống xả và các hạng mục khác đang có thể sử dụng được nhưng phần đập tràn bị hư hỏng. Năm ngoái, ở phần thân đập tràn đã có nhiều chỗ lở, người có thể chui qua, buộc xã phải trích kinh phí, còn nhân dân trong thôn tham gia ngày công để khắc phục. Điều đáng lo ngại là nguy cơ sụt lún, đất đá có thể vùi lấp đập tràn nếu quả đồi bên phải sạt lở...

Cống xả hư hỏng, thân đập xuống cấp, lòng đập trơ đáy nên đập Khu Su ở xã Sơn Bình (Hương Sơn) không thể phát huy hiệu quả, gây nguy cơ mất an toàn công trình và vùng hạ lưu khi có mưa lũ lớn...

Đập Khe Su ở thôn 5, xã Sơn Bình (Hương Sơn) được xây dựng cách đây khoảng 60 năm, cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Do không được duy tu, nâng cấp thường xuyên và đồng bộ nên công trình thủy lợi này ngày càng “rệu rã”. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, thân đập bị sụt lún, nứt ngang một số đoạn, cống đóng mở bị hư hỏng hoàn toàn. Nguy cơ mất an toàn công trình khi mưa lũ về luôn hiện hữu nhưng việc khắc phục nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện...

Theo thống kê, ở Vũ Quang hiện có 60 hồ đập lớn nhỏ. Các công trình này đã được xây dựng từ lâu, hầu như thân đập được đắp bằng đất (chỉ có 8 đập kiên cố) lại thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên rất nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, chủ yếu tập trung ở hệ thống cống đóng mở, tràn xả lũ, thân đập...