Cảnh sát Mỹ tiễn George Floyd, giáo sư Mỹ khai man quan hệ với Trung Quốc bị truy tố

Thứ tư, 10/06/2020, 12:25 PM

Cảnh sát Mỹ đã xếp hàng đưa tiễn George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5. Mỹ truy tố giáo sư khai man quan hệ với Trung Quốc.

Tin thế giới hôm nay 10/6: Cảnh sát Mỹ đứng xếp hàng và giơ tay chào khi linh cữu George Floyd được đưa vào nhà thờ ở Houston.

Tin thế giới hôm nay 10/6: Cảnh sát Mỹ đứng xếp hàng và giơ tay chào khi linh cữu George Floyd được đưa vào nhà thờ ở Houston.

Tin thế giới hôm nay 10/6: Cảnh sát Mỹ xếp hàng đưa tiễn George Floyd

Ngày 9/6, đám tang khác của George Floyd đã được tổ chức tại nhà thờ Fountain of Praise, thành phố Houston, bang Texas, quê hương của Floyd. Bên cạnh bạn bè, người thân, cùng các lãnh đạo da màu còn có nhiều cảnh sát đã tới tiễn đưa anh.

Những cảnh sát tham dự đứng thành hai hàng và giơ tay chào, thể hiện sự kính trọng, khi linh cữu của George Floyd được đưa vào nhà thờ. Sau đó một người hô vang: "Hãy gọi tên anh ấy! George Floyd!".

Ngoài ra, Sở giao dịch chứng khoán New York cũng giữ im lặng trong 8 phút 46 giây, thời gian Floyd bị cảnh sát ghì cổ, để tưởng nhớ anh. Đây là khoảng lặng dài nhất trong lịch sử 228 năm của sàn giao dịch này.

Floyd được chôn cất tại nghĩa trang ở Houston bên cạnh mẹ của anh, bà Larcenia Floyd, người qua đời hồi năm 2018.

Thị trưởng Houston Sylvester Turner cho biết sẽ ký sắc lệnh hành pháp cấm hành động siết và ghì cổ của cảnh sát, đồng thời yêu cầu họ cảnh báo trước khi nổ súng. 

Tin thế giới hôm nay 10/6: Mỹ truy tố giáo sư khai man quan hệ với Trung Quốc

Bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston ngày 9/6 cáo buộc Lieber, 61 tuổi, Giáo sư chủ nhiệm khoa Hóa Sinh Đại học Harvard, khai man về mối liên hệ của ông với chương trình "Vạn nhân tài" Trung Quốc. Ông Lieber bị cơ quan điều tra bắt ngày 28/1.

Theo cáo trạng, năm 2011, Lieber trở thành "Nhà khoa học chiến lược" tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT), Trung Quốc, và ít nhất từ 2012-2015, ông này tham gia kế hoạch "Vạn nhân tài" của Bắc Kinh.

Lieber được cho là đã được WUT trả 50.000 USD/tháng và sinh hoạt phí tới 158.000 USD. Ông cũng được trao hơn 1,5 triệu USD để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu tại WUT.

Đổi lại, Lieber làm việc cho WUT ít nhất 9 tháng mỗi năm. Ông phải viết báo, tổ chức các hội nghị quốc tế và thay mặt WUT xin cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên khi Lieber bị các điều tra viên Bộ Quốc phòng Mỹ thẩm vấn vào tháng 4/2018, ông phủ nhận có liên quan đến “Vạn nhân tài”.

Lieber bị cáo buộc tiếp tục khai man lần thứ hai vào tháng 11/2018, khi Viện Y tế Quốc gia hỏi Đại học Harvard về mối liên hệ giữa Lieber với WUT và chương trình “Vạn nhân tài”. Khi đó ông vẫn khẳng định không liên quan đến WUT và chưa bao giờ tham gia chương trình đó của Trung Quốc.

Ông Lieber làm việc tại Đại học Harvard từ năm 1992, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard từ năm 2008. Công việc của ông là nghiên cứu về khoa học và công nghệ nano, đã nhận tài trợ hơn 15 triệu USD từ Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo quy định, những khoản tài trợ liên bang này yêu cầu người nhận tiền phải giải trình tất cả các nguồn hỗ trợ nghiên cứu, xung đột lợi ích tài chính tiềm tàng và mối quan hệ hợp tác với nước ngoài.

Mỹ ngày càng cảnh giác với chương trình "Vạn nhân tài" do Bắc Kinh thành lập năm 2008. Mỹ cho rằng nó tiềm ẩn nguy cơ gián điệp và đánh cắp công nghệ. Giới chức Mỹ đã điều tra và truy tố nhiều nhà khoa học tham gia "Vạn nhân tài" khai man.