Cao tốc Bắc - Nam: Lo ngại nhà thầu Trung Quốc, kiến nghị thành lập tổ giám sát đấu thầu

Thứ hai, 12/08/2019, 04:36 AM

Trước lo ngại dư luận về việc nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT triển khai thành lập Tổ giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án.

cao-toc-bac-nam-lo-ngai-nha-thau-trung-quoc-kien-nghi-thanh-lap-to-giam-sat-dau-thau
Trước lo ngại dư luận về việc nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT triển khai thành lập Tổ giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án. Ảnh minh họa

Theo Bộ GTVT, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017.

Bộ GTVT nhận định đây là dự án rất quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế lựa chọn nhà đầu tư, nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật là rất cấp thiết.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai thành lập Tổ giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn khoảng 118.000 tỷ đồng. Gần 64.000 tỷ đồng sẽ được huy động ngoài vốn ngân sách.

Trong đó, 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long) có chiều dài hơn 120 km, tổng vốn Nhà nước hơn 14.200 tỷ đồng.

Còn 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 533 km, với tổng mức đầu tư hơn 88.200 tỷ đồng (vốn BOT hơn 51.700 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 36.500 tỷ đồng).

Hiện Bộ GTVT đang tiến hành đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển tham gia 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông với khoảng 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển của các liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước được nộp.

Được biết, sau khi mở thầu bước sơ tuyển nhà đầu tư, các Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành chấm sơ tuyển để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư theo các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu.

cao-toc-bac-nam-lo-ngai-nha-thau-trung-quoc-kien-nghi-thanh-lap-to-giam-sat-dau-thau
Dư luận lo ngại nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Cụ thể, điểm của nhà đầu tư được tính theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Tối đa mỗi dự án sẽ lựa chọn 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.

Theo lộ trình dự kiến, đến tháng 9/2019, Bộ GTVT sẽ tiến hành thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Từ tháng 10/2019 – tháng 1/2020, Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu. Từ tháng 1 – tháng 2/2020, đánh giá hồ sơ mời thầu và đến tháng 3/2020, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Trước đó, trao đổi với phóng viên về những lo ngại của dư luận với nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, nghi ngại dư luận về nhà thầu Trung Quốc là dễ hiểu, điều này đặt ra yêu cầu về lựa chọn nhà thầu, đặc biệt điều khoản trong hợp đồng ký.

Cụ thể, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu từ Trung Quốc không thành vấn đề nều đảm bảo được các yếu tố.

Thứ nhất, dự án không đội vốn. Có nghĩa “chìa khóa trao tay”, dự án một giá từ đầu đến cuối không đội giá, đảm bảo tiến độ.

Thứ hai, minh bạch công khai thông số kỹ thuật, công nghệ làm đường.

Thứ ba, vấn đề bảo hành. Có thể đưa ra điều khoản bảo hành bao nhiêu năm, giữ lại bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư dùng bảo hành công trình... Tránh trường hợp làm xong, tiền đút túi sau đó xảy ra vấn đề xuống cấp, hỏng hóc.

Tương tự, chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Quan điểm của tôi, về nguyên tắc các nhà đầu tư đều có quyền tham gia đấu thầu minh bạch, công khai không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước. Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT phải tổ chức đấu thầu hợp lý, công bằng”.

Về nghi ngại của dư luận với nhà đầu tư từ Trung Quốc, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhà thầu Trung Quốc từng để lại tiếng xấu ở loạt dự án đầu tư như tại nhà máy từ nhiệt điện, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên, đặc biệt là đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông…

“Quan điểm tôi, tất cả doanh nghiệp Trung Quốc từng là nhà thầu, nhà đầu tư các dự án Việt Nam nhưng có lịch sử chậm tiến độ, sai phạm điển hình như Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc (tổng thầu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông) Bộ GTVT không được cho tham dự thầu ở dự án cao tốc Bắc – Nam. Bởi những doanh nghiệp này gây thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Thủy cũng cho rằng, đối với tuyến đường cao tốc đi qua các sân bay, hải cảng, khu quân sự ưu tiên doanh nghiệp trong nước.

“Cũng cần nhấn mạnh các nhà thầu Việt Nam phải liên kết lại để tạo vốn lớn về tài chính, thiết bị công nghệ, từ đó có thể đấu lại nhà thầu nước ngoài. Làm tốt điều đó loại bớt nhà thầu yếu kém, tạo thế cho nhà thầu Việt Nam”, TS. Thủy cho biết.

 

Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản nợ 4.069 tỷ đồng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Đề nghị bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ các vị đại biểu khác.

 

Hơn 11.500 tỷ đồng giao sai quy định cho ‘ông trùm’ đường cao tốc

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi số vốn Bộ Kế hoạch & Đầu tư giao sai quy định cho VEC để phát triển dự án đường cao tốc.

 

Mới thành lập được nửa năm, Long Vân đã trúng thầu dự án BOT Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hơn 11 nghìn tỷ

Là một doanh nghiệp “không tên tuổi”, mới chỉ được thành lập cách đây hơn nửa năm, thế nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân đã “đánh bại” nhiều ông lớn BOT khác để góp mặt trong liên danh đầu tư dự án BOT Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.