Chấm dứt cho thuê tài sản công: Nguyên ĐBQH nói có thể làm được nhưng khó

Chủ nhật, 26/04/2020, 08:49 AM

Nguyên ĐBQH Lê Việt Trường chỉ ra điểm yếu là quá trình tổ chức thi hành luật không gắn giữa quyền hạn, nhiệm vụ với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

6d7f9cc0ed8304dd5d92

Ngày 22/4, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc đến một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra trong năm nay là chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.

Bàn về mục tiêu này trên báo Đất Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội khẳng định, không có việc gì không thể làm được nếu có quyết tâm chính trị đủ mạnh, thực sự muốn làm và có sự chỉ đạo, thống nhất từ trên xuống dưới.

Việt Nam đã có Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhưng một điểm yếu cố hữu tồn tại nhiều năm nay ở Việt Nam là việc tổ chức thi hành luật còn yếu, từ khi có luật đến khi chuyển hóa vào cuộc sống còn một khoảng cách rất xa mà nguyên nhân là do quá trình tổ chức thi hành.

Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công, cơ sở pháp lý cũng có sự thay đổi theo thời gian, có sự không ăn khớp giữa thực tiễn quản lý, sử dụng với các quy định của pháp luật.

"Về thời điểm hoàn thành (trong năm 2020), như đã nói nếu quyết tâm cũng có thể làm nhưng theo tôi là khó", ông Lê Việt Trường nhận xét.

"Mảng thứ nhất là tài sản công giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, sau đó bố trí cho cá nhân sử dụng, có một số nhà công vụ theo chính sách mới bảo đảm cho những người điều chuyển công tác, chưa có điều kiện xác lập chỗ ở cá nhân yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Việc bố trí như vậy là cần thiết, nhưng khi hết thời gian sử dụng, hoặc bản thân cán bộ đó không còn là đối tượng được sử dụng nhà công vụ nữa thì theo quy định của pháp luật, người đó buộc phải trả lại.

Thời gian qua truyền thông phản ánh có một số cán bộ chây ì không chịu trả nhà công vụ thì cơ quan quản lý nhà nước, tiêu biểu là Bộ Xây dựng đã gửi thông báo, nêu tên (dù viết tắt), cơ quan từng công tác... để yêu cầu trả nhà. Tôi nghĩ biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả và các cá nhân đó sẽ phải trả lại, thời hạn mà Chính phủ đề ra có thể hoàn thành", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói.

Mảng thứ hai mà ông Trường cho rằng đặt ra mục tiêu hoàn thành vào năm 2020 khó khả thi là việc chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Ví dụ, vụ cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến phải xử lý hình sự do liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 (TP HCM).

Tuy nhiên, cũng có những vụ việc không hoàn toàn do động cơ trục lợi, vi phạm quy định của pháp luật về tham nhũng mà do hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ hoặc do một yếu tố nào đó, cơ quan, tổ chức, địa phương cho liên doanh, liên kết.

Cũng theo vị nguyên đại biểu Quốc hội, ngay việc thực hiện giữa các địa phương cũng không giống nhau.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... ngay từ khi chưa giành chính quyền cũng đã là nơi tập trung các cơ quan của chế độ cũ, đất ở đó có nhiều giá trị, phục vụ làm cơ sở công quyền, làm trung tâm thương mại, dịch vụ... Chính ở những nơi này nảy sinh nhiều mâu thuẫn và một bộ phận người sử dụng, quản lý tranh thủ lỗ hổng, kẽ hở của pháp luật để làm trái.

"Ví dụ, bây giờ cần yêu cầu: tổng diện tích nhà cửa, đất đai công của địa phương là bao nhiêu, diện tích đang quản lý đúng mục đích là bao nhiêu, sai mục đích là bao nhiêu, giao cho chủ tịch tỉnh, thành lên kế hoạch, báo cáo Thủ tướng, trong thời gian bao lâu thì xử lý xong, không xong thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Làm như vậy sẽ thực hiện được ngay và mới đạt được kết quả như mong muốn", ông Trường cho biết.

Bài liên quan