Vẫn chưa có tài liệu chính thống nói rõ chất Styren có trong nước ảnh hưởng đến con người

Thứ ba, 15/10/2019, 17:22 PM

Từ kết quả kiểm tra mẫu nước, thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo người dân không dùng nguồn nước sông Đà để sử dụng để nấu ăn, uống.

chat-styren-trong-nuoc-sinh-hoat-bao-nhieu-se-anh-huong-den-suc-khoe
Tại nguồn nước dẫn vào nhà máy xử lý nước sông Đà phát hiện nhiều về dầu thải.

Vừa qua, công bố trước báo giới, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.

Kết quả cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Kết quả giám định xác định mùi "khét" có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra kết hợp với mùi nồng nặc của của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0.8mg/l - Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Cũng trong cuộc họp thông tin về vụ nước sạch có mùi khét nồng nặc, váng dầu trong những ngày qua, UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân chỉ dùng nguồn nước sông Đà để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Styren là chất hữu cơ lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt, nhưng bốc mùi khó chịu khi đậm đặc. Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất polystyren và nhiều polymer khác, nhựa, lớp phủ và sơn.  

Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm không khí độc hại, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Chất này hoạt động tích cực trong khí quyển và có thể góp phần hình thành khói mù cũng như chất gây ô nhiễm thứ cấp.

Styren ngấm vào nước sẽ nhanh chóng bay hơi hoặc phân hủy do hoạt động của vi khuẩn. Chất này không bám vào đất và có thể ngấm xuống nguồn nước ngầm. Styren cũng hiếm khi tích tụ ở động vật sống dưới nước.

Nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn, styren có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như tác động tới hệ thần kinh, dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Về lâu dài, styren có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.

Trước khuyến cáo của UBND TP Hà Nội, nhiều nghi ngại về tạp chất "lạ" trong nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe đã được đặt ra, ông Hoàng Đức Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009/Bộ Y tế, tất cả có 109 chỉ tiêu, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B, 78 chỉ tiêu C.

Theo quy định, chỉ tiêu A là nhà máy thực hiện nội kiểm 1 tuần 1 lần, cơ quan giám sát ngoại kiểm kiểm tra 1 tháng 1 lần; với chỉ tiêu B, kiểm tra 6 tháng 1 lần kể cả nội và ngoại kiểm; về chỉ tiêu C, hai năm mới kiểm tra 1 lần.

Khi nhà máy nước bắt đầu đưa vào khai thác sẽ kiểm tra cả chỉ tiêu A, B, C. Kiểm tra nội kiểm do Nhà máy nước thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, ngoại kiểm là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.

Hằng tháng và hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố vẫn tiến hành ngoại kiểm và báo cáo Sở Xây dựng. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng có khuyến cáo kịp thời. Sau khi nắm được thông tin về nước sinh hoạt của cư dân có mùi lạ, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động giám sát mẫu nước của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, lấy 8 mẫu nước ở nhà máy, hộ dân và kết quả nước có hàm lượng chất Styren vượt ngưỡng, hàm lượng cao dần ở phía nhà máy, thấp dần ở hộ dân.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định nước sinh hoạt như vậy hoàn toàn không đảm bảo chất lượng. Về ảnh hưởng của chất Styren đến sức khỏe, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện chưa có tài liệu chính thống nói rõ chất Styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.

Tuy nhiên, có tài liệu cho thấy, hàm lượng nước đóng chai cho phép không quá 100cmg/lít Styren.

Trước vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra khuyến cáo: "Hiện tại, để đánh giá chất lượng nguồn nước đơn giản nhất mà người dân có thể tự làm tại nhà nhanh nhất đó là thông qua mùi, vị và màu. Thứ nhất là ngửi xem có mùi không, nếu thấy mùi tức là nước có vấn đề.

Thứ 2 là có vị lạ hay không, và cuối cùng là màu có khác thường không. Nếu tất cả các yếu tố trên đều có sự bất thường thì tốt nhất người dân không nên sử dụng mà báo ngay cho cơ quan chức năng để sớm có biện pháp xử lý, qua đó tiến hành kiểm tra để khắc phục tình trạng này"