Châu Âu vội vàng thay đổi cách đối phó với dịch Covid-19

Thứ tư, 11/03/2020, 08:15 AM

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết sẽ sớm tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các nước thành viên để phối hợp với các nỗ lực của EU trong cuộc chiến chống Covid-19.

Toàn bộ Italy bị đặt dưới tình trạng phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Toàn bộ Italy bị đặt dưới tình trạng phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Trước đó, các Bộ trưởng Y tế Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp khẩn tại thủ đô Brussels, Bỉ để thảo luận việc tăng cường phối hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh. Thông báo sau cuộc họp cho biết, các bộ trưởng nhất trí nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về mối nguy hiểm từ Covid-19, cũng như phát triển cách tiếp cận chung để ngăn ngừa và bảo vệ người dân trước nguy cơ.

Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros cho biết, những thảo luận cho thấy các quốc gia EU đã sẵn sàng thay đổi cách phản ứng, tăng cường hợp tác và triển khai những biện pháp phù hợp, tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị. Tính đến nay, tất cả 27 nước thành viên của EU đều có ca nhiễm, trong đó Cyprus là quốc gia mới nhất xác nhận có người nhiễm Covid-19.

Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 9/3 cảnh báo, dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mà còn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Báo cáo của UNCTAD nêu rõ, dịch Covid-19 sẽ đẩy một số quốc gia rơi vào suy thoái và làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dự báo việc bùng phát dịch bệnh có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp dưới mức 2,5%, trong khi đây thường được cho là ngưỡng suy thoái đối với nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo nói trên ở Geneva, Thụy Sĩ, ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc Bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD nêu rõ, rất khó để có thể dự đoán phản ứng của các thị trường tài chính quốc tế trước các tác động của dịch Covid-19 và hiện tại mức độ lo ngại về vấn đề y tế là rất nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh, để làm giảm những lo ngại này, chính phủ các nước cần phải đầu tư ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, bởi hỗn loạn thậm chí còn gây thiệt hại hơn so với dịch Covid-19.

Ngày 10/3, Italy và Australia cùng tuyên bố chính phủ các nước này sẽ thông qua gói các biện pháp trị giá trên 10 tỷ USD để phản ứng trước những tác động do dịch Covid-19 gây ra.

Cuộc khủng hoảng lớn ở châu Âu

Châu Âu đang nổi lên là tâm điểm dịch bệnh của thế giới. Với việc Cộng hòa Cyprus xác nhận 2 ca nhiễm virus corona đầu tiên, giờ đây, toàn bộ 28 thành viên của Liên minh châu Âu EU đã trở thành nạn nhân của Covid-19. Tuy nhiên, cách tiếp cận của từng quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh rất khác nhau.

Số người tử vong vì virus corona tại Italy tăng 168 ca lên tới 631, tức tăng 36%, mức tăng lớn nhất về số tuyệt đối kể từ khi công bố lây nhiễm hôm 21/2. Tổng số ca nhiễm tại Italy - quốc gia châu Âu bị virus corona tấn công mạnh nhất, đã tăng lên 10.149 so với 9.172 ca của ngày trước đó, tức tăng 10,7%, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy.

Tại Pháp, nơi 1.606 người đã nhiễm bệnh và 30 ca tử vong được ghi nhận cho tới ngày 10/3, nhà chức trách tuyên bố quốc gia này chưa đối mặt dịch bệnh và vẫn trì hoãn tiến hành các biện pháp mạnh tay ở mức độ toàn quốc như được áp dụng tại Italy và Nhật Bản.

"Chúng ta mới chỉ ở khoảng thời gian đầu của dịch bệnh. Chúng ta đã dự đoán và có sự chuẩn bị", Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố khi tới thăm một cơ sở y tế tại thủ đô Paris.

Tại Tây Ban Nha, nhà chức trách cho biết số người nhiễm Covid-19 đã vượt qua 1.650 ca. Các trường học tại thủ đô Madrid được thông báo sẽ đóng cửa, sau khi số người mắc bệnh tăng đột biến trong những ngày qua.

Điều này đồng nghĩa với việc hơn 1,25 triệu học sinh, sinh viên tại Tây Ban Nha bị gián đoạn việc học. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại Cộng hòa Cezch và Ba Lan.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan nhanh tới Trung và Đông Âu, Áo đã cấm người di chuyển từ Italy nếu không có phiếu xác nhận y tế. Croatia và Serbia cũng áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại tương tự với người dân đến từ các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của virus corona ở Italy.

Khắp châu Âu, nhiều sự kiện công cộng bị gián đoạn, hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao giải trí bị hủy bỏ hoặc hạn chế sự tham gia của công chúng.

Bài liên quan