Cháy rừng Amazon dữ dội hơn là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Thứ bảy, 31/08/2019, 07:38 AM

Cơ hội kinh tế từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy nông dân Brazil chăn nuôi bò và đậu tương để cung cấp cho Trung Quốc, quay lưng lại với hàng thập kỷ thực hành nông nghiệp tốt, gia tăng các vụ cháy rừng Amazon, các nhà nghiên cứu cho biết.

Nhiều chuyên gia khẳng định cháy rừng Amazon dữ dội hơn là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều chuyên gia khẳng định cháy rừng Amazon dữ dội hơn là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Theo các nhà nghiên cứu và các nhà môi trường, nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với thịt bò Brazil do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang giúp thúc đẩy các đám cháy rừng Amazon, hoành hành khắp rừng nhiệt đới Amazon của Brazil và các khu vực khác của đất nước, tờ South China Morning Post ngày 31/8 cho hay.

Các chuyên gia cho biết, nông dân Brazil và những người ủng hộ họ đang tìm cách tận dụng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc sau khi Trung Quốc tăng thuế đối với đậu tương hay đậu nành Mỹ và số lượng tiêu thụ thịt gia tăng ở châu Á.

Nông dân Brazil đang dùng lửa như một công cụ để dọn đất trồng trọt và chăn thả gia súc ở các khu rừng.

Kể từ đầu năm đến ngày 29/8, quốc gia Nam Mỹ này đã chứng kiến 84.000 vụ cháy rừng Amazon, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu từ Viện nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil. Những vụ cháy rừng Amazon đã thành tâm điểm chú ý của quốc tế và là chủ đề chính để thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz cuối tuần trước.

Những hình ảnh về cháy rừng Amazon gần đây:

Theo Enrique Ortiz, một nhà sinh thái học nhiệt đới và giám đốc chương trình của Quỹ Andes Amazon ở Washington, sự kết hợp giữa việc nới lỏng các biện pháp bảo vệ môi trường và các yếu tố liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mở ra một vấn đề liên quan đến môi trường Brazil, cụ thể là cháy rừng Amazon.

“Những gì bạn thấy ngày nay về hỏa hoạn và nạn phá rừng đang gia tăng, tất cả điều này là một phản ứng trực tiếp và gián tiếp đối với một số quyết định chính trị đang làm mờ đi những hạn chế về chuyển đổi đất đai cho các hoạt động kinh tế, có thể là trồng đậu nành hoặc chăn nuôi bò”, ông nói.

“Có một khu vực tư nhân đang rất hào hứng. Họ coi Trung Quốc là một khách hàng tiềm năng và cuộc chiến thuế quan về cơ bản buộc Trung Quốc phải mua từ Brazil. Vì vậy khi bạn có một Tổng thống như Jair Bolsonaro, một người rất ủng hộ kinh doanh và ủng hộ sản xuất đậu nành và thịt bò, bạn có thể tưởng tượng rằng nhiều công ty tư nhân đang hướng về phía trước và thúc ép ông mở cửa nhiều hơn cho Trung Quốc”, Enrique Ortiz nói và thêm rằng cả hai sản phẩm đều là trụ cột của nền kinh tế Brazil.

Nông dân Brazil đã bắt đầu gia tăng trồng đậu nành kể từ khi Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu nành nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 7/2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu.

Thịt bò Mỹ sang Trung Quốc cũng chịu mức thuế 25%.

Richard Fuchs, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khí tượng và Khí hậu tại Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức cho biết: “Nếu các cuộc đàm phán (thương mại Mỹ - Trung) tiếp tục sụp đổ, Brazil sẽ đẩy mạnh sản xuất và chúng ta sẽ thấy sự gia tăng hơn nữa trong nạn phá rừng, vì nông dân và các nhà đầu tư tìm cách chiếm thị phần lớn hơn", ông nói, đề cập cụ thể đến sản xuất đậu tương, trọng tâm nghiên cứu của ông.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới và có truyền thống dựa vào Mỹ và Brazil, hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới, để đáp ứng nhu cầu của họ. Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018, Bắc Kinh đã nhập khẩu hơn 24 triệu tấn đậu tương từ Mỹ và hơn 14 triệu tấn từ Brazil, theo số liệu của hải quan Trung Quốc.

Nhưng sau khi thuế cao được áp dụng, nguồn đậu tương từ Mỹ vào Trung Quốc giảm dần và từ Brazil tăng mạnh. Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, Brazil đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc, trong khi từ Mỹ giảm xuống còn 2,7 triệu tấn.

Fuchs và các đối tác nghiên cứu của ông đã từng dự báo sẽ có “sự gia tăng nạn phá rừng nhiệt đới” do hậu quả của việc Brazil đang tăng cường sản xuất đậu nành để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để trong thị trường Trung Quốc. Theo phân tích của họ được công bố trên tạp chí Nature số tháng Ba, trong vài năm tới, lượng đất được giao để trồng trọt có thể tăng 39%.

Trong khi đất hiện đang bị bỏ hoang sẽ chiếm một phần trong sự gia tăng đó, thì tỷ lệ lớn này sẽ đến từ các khu rừng.

“Ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đảo ngược, thiệt hại cho môi trường vẫn hiện hữu và chúng ta phải đối phó với nó. Nếu các cuộc đàm phán tiếp tục sụp đổ, Brazil sẽ phải đẩy mạnh sản xuất và chúng ta sẽ thấy sự gia tăng hơn nữa trong nạn phá rừng”, Fuchs nhấn mạnh.

Không chỉ đậu tương, nhu cầu thịt bò Brazil của Trung Quốc đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu gần 20% lượng thịt xuất khẩu của Brazil theo khối lượng, với giá trị khoảng 1,48 tỷ USD, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu thịt bò Brazil.

Theo ông Enrique Ortiz, Brazil đã từng có một bộ chính sách đáng kinh ngạc về bảo vệ đất và bảo vệ rừng, nhưng những chính sách đó đang bị Tổng thống Bolsonaro làm suy yếu. Các khoản phạt và quy định đối với các tội phạm môi trường không còn đủ mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Imazon, một viện nghiên cứu của Brazil về bảo vệ rừng nhiệt đới, diện tích đất rừng bị phá trong khoảng thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 7/2019 đã tăng 15% so với 12 tháng trước đó. Riêng tháng 7/219, con số này tăng 66% lên 1.287 km vuông .

 

Hai mục tiêu lớn của ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc đều không thành

Vào tối ngày 29/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài (Diaoyutai) ở Bắc Kinh. Một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA về Biển Đông. Tuy nhiên, theo tiết lộ của người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Tập Cận Bình đã thẳng thừng cự tuyệt đề nghị này của ông Duterte.

 

Mục đích của Thủ tướng Anh khi đề xuất 'treo' Nghị viện

Trong bối cảnh thời hạn chót để Anh rời khỏi EU (Brexit) đang đến gần, theo kế hoạch là vào ngày 31/10, chính trường Anh vừa có những biến động mới.

 

Báo Philippines minh oan cho Tổng thống Duterte: Có đề cập đến phán quyết về Biển Đông nhưng bị ông Tập Cận Bình từ chối tuân thủ

Trong khi Tân Hoa Xã không đề cập đến nội dung nào liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông 2016 khi đưa tin về cuộc gặp ngày 29/8 giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Philippines, báo Philippines khẳng định ông Duterte đã đề cập đến phán quyết nhưng bị ông Tập từ chối tuân thủ.