Chỉ có Hà Nội dùng test nhanh của Hàn Quốc, phải thận trọng

Thứ tư, 08/04/2020, 20:04 PM

Các nhà khoa học đánh giá việc dùng các loại test nhanh của Hàn Quốc phải hết sức thận trọng, chủ yếu dùng để đánh giá xu thế dịch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiều 8/4, thông tin tại cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ Y tế với các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, TP HCM và nhiều đơn vị xét nghiệm khác, cho thấy hiện cả nước có 110 phòng xét nghiệm Covid-19, trong đó có 36 phòng được phép khẳng định kết quả xét nghiệm.  

Từ khi bắt đầu cuộc chiến chống dịch Covid-19, các cơ quan liên quan ở Việt Nam đã thử tất cả các loại mẫu sinh phẩm xét nghiệm (test kit) xét nghiệm SARS-CoV-2 từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Dù được đánh giá có hiệu quả đáng tin cậy nhất nhưng các mẫu test kit này giá thành đắt, hơn nữa lại phụ thuộc nguồn cung cấp bên ngoài.

Điều đáng mừng là qua chương trình của Học viện Quân y phối hợp sản xuất và hiện nay đã đặt hàng 200.000 test kit. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, độ đặc hiệu, tin cậy của loại test kít này rất cao (khoảng 90%) và tới đây sẽ là sản phẩm chủ lực.

Về test nhanh của Hàn Quốc đang được dùng ở Hà Nội, các đại biểu khẳng định hiện các test này ở Việt Nam chỉ có Hà Nội đang dùng. Các nhà khoa học đánh giá việc dùng các loại test nhanh này phải hết sức thận trọng, chủ yếu dùng để đánh giá xu thế dịch, không dùng để khẳng định kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Được biết, nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cung cấp sản phẩm tương tự. Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đã họp, kết quả sơ bộ đánh giá cao.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến, các viện nghiên cứu của Việt Nam báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về sự tiến triển trong việc triển khai các mũi nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm khác cho phù hợp điều kiện Việt Nam. Hiện nay đã có một số nghiên cứu cho kết quả ban đầu triển vọng. Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tập trung nguồn lực để tiếp tục hoàn thành quy trình công nghệ, có sản phẩm phù hợp Việt Nam.

Các Viện hi vọng trong thời gian sớm nhất (khoảng trong tháng 4/2020), sẽ có kết quả cụ thể với các sản phẩm có thể sử dụng được, phù hợp điều kiện Việt Nam. 

Bài liên quan