Chi ngàn tỷ đồng mua nợ xấu, mòn mỏi cả năm trời không được sang tên

Thứ sáu, 18/10/2019, 13:49 PM

Khách hàng mua tài sản đảm bảo là một dự án tại Bình Dương, đã thanh toán cho ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng, song đến nay hơn một năm trời không được sang tên. Câu chuyện éo le mà Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ nhận được sự đồng cảm của rất nhiều lãnh đạo ngân hàng.

chi-ngan-ty-dong-mua-no-xau-mon-moi-ca-nam-troi-khong-duoc-sang-ten
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ khó khăn của ngân hàng khi xử lý nợ xấu

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho hay, từ khi Nghị quyết 42 ra đời, xử lý nợ xấu tại Agribank hiệu quả hơn rất nhiều: ngân hàng đã thu hồi được 110.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thu hồi từ khách hàng là 60.000 tỷ đồng. Ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, có rất nhiều vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn chưa được tháo gỡ. Ví dụ, tình trạng phổ biến tại nhiều địa phương là ngân hàng thực hiện bán đấu giá xong tài sản đảm bảo, song nhà đầu tư mới vẫn không thể làm thủ tục sang tên.

Tại Agribank, có trường hợp một khách hàng vay vốn tại chi nhánh Tp.HCM, thế chấp tài sản là dự án tại Bình Dương. Khách hàng này phát sinh nợ xấu từ năm 2000, hơn 10 năm, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng tổ chức 13 lần đấu giá tài sản. Tất cả 13 cuộc đấu giá này khách hàng đều có văn bản đồng ý cho ngân hàng tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, sau lần đấu giá thứ 13 thành công, người mua chuyển hơn 1.000 tỷ đồng thanh toán cho ngân hàng thì khách hàng trên lại làm đơn gửi Tòa án nhân dân Quận 7, tố cáo quy trình đấu giá không minh bạch và đề nghị tự nguyện trả nợ, mục đích là đòi lại dự án.

“Bộ tư pháp đã thanh tra và khẳng định ngân hàng làm đúng quy trình, Thủ tướng cũng có văn bản chỉ đạo, khách hàng trước đó 13 lần đấu giá đều đồng ý với ngân hàng, nhưng khi khách hàng có đơn, lập tức Tòa án nhân dân quận 7 vẫn thụ lý và không cho chuyển nhượng, gây khó khăn thiệt hại rất lớn cho người mua và ngân hàng. Điều này cũng cho thấy Tòa đã không làm theo tinh thần của Nghị quyết 42, cho thấy sự coi thường pháp luật của con nợ”, ông Vượng khẳng định.  

Đáng nói, dù Nghị quyết 42 đã đưa ra quy trình giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, song lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều khẳng định, đến nay chưa vụ án nào được xử theo quy trình này. Đơn cử, Agribank đã chuyển 10 vụ án sang Tòa án đề nghị giải quyết theo thủ tục rút gọn thì ngoại trừ 1 vụ án được hòa giải, 9 vụ án khác được tòa hướng dẫn giải quyết theo thủ tục thông thường!     

Không chỉ ngân hàng thương mại mà ngay cả Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng gặp vướng mắc trên. Ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc VAMC cho hay, VAMC đã bán một dự án cho khách hàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 1 năm nay nhưng đến nay khách hàng vẫn chưa thể làm thủ tục sang tên. Lý do là có sự vướng mắc giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đấu giá tài sản.

Theo đó, Luật Đấu giá tài sản không yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực kinh doanh bất động sản nhưng Luật Kinh doanh bất động sản lại đưa ra các đòi hỏi rất cụ thể. Trong khi theo quy định hiện hành, tổ chức đấu giá khoogn có nghĩa vụ phải thẩm định hay chứng minh năng lực của người tham gia đấu giá.  

“Hiện chúng tôi đã có văn bản gửi các đơn vị có thẩm quyền đề nghị tháo gỡ. Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh trả lời: dự án đang trong quá trình  thanh kiểm tra nên chưa thể sang tên. Vướng mắc của việc sang tên giấy tờ sau đấu giá nợ xấu cho thấy, xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào sự nỗ lực của tổ chức tín dụng mà còn sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật và sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương nữa”, ông Nam nói.  

Theo thống kê của NHNN, lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017) đến 31/8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng lên. Tính đến 31/1/2019, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 1,98% trong khi cuối năm 2018 là 1,89%.