Chi tiết 11 điểm ngập lụt ở Hà Nội nếu có mưa lớn

Thứ hai, 30/05/2022, 19:04 PM

Theo báo cáo của Công ty thoát nước Hà Nội, với các trận mưa có lượng mưa 50-100mm/2h, TP Hà Nội sẽ xuất hiện 11 trọng điểm úng ngập.

Ngập lụt ở Hà Nội chiều 29/5/2022.

Ngập lụt ở Hà Nội chiều 29/5/2022.

Trận ngập lụt ở Hà Nội chiều 29/5/2022, khiến người dân và dư luận một lần nữa dấy lên nhiều lo lắng  khi mùa mưa đang bắt đầu.

Đặc biệt, những người thường xuyên lưu thông trên đường có nguy cơ bị hỏng xe do ngập nước, nhất là đối với ô tô. Từ đó nhu cầu nắm bắt được các điểm thường xuyên ngập lụt ở TP sẽ phần nào giúp người dân di chuyển thuận lợi hơn, tránh đi vào các điểm ngập lụt dẫn đến hỏng hóc xe cộ.

Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã có báo cáo sơ bộ về tình trạng ngập lụt chiều 29/5, trên địa bàn TP và thông tin cụ thể về 11 điểm ngập lụt khi xảy ra mưa lớn.

Hà Nội sẽ có 11 điểm ngập lụt khi xảy ra mưa lớn

Theo dự báo của đơn vị, với các trận mưa có lượng mưa 50-100mm/2h thì TP Hà Nội sẽ xuất hiện 11 trọng điểm úng ngập.

Cụ thể gồm: Phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa); phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy; từ số nhà 91 đến 97 và số nhà 54 đến 56); ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Đường Thành - Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm); ngã ba Lê Trọng Tấn - hầm chui số 3, 5, 6 và nút giao An Khánh (quận Nam Từ Liêm); phố Minh Khai, đoạn cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng)…

Đáng chú ý, với những trận mưa có cường độ cao tập trung trong thời gian ngắn (thời gian tập trung mưa không quá 40 phút nhưng lượng mưa đạt tới 100mm) sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước và dự kiến xuất hiện một số điểm ngập úng cục bộ.

Trận ngập lụt chiều 29/5 là do mưa lớn

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, chiều 29/5, do cường độ mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa lớn nhất 180mm/2h nên xuất hiện tình trạng úng ngập.

Cụ thể, ở lưu vực Tô Lịch, ngập úng xảy ra tại các tuyến phố: Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tôn Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chính, Yên Duyên (đường Vành đai 3), Trương Định, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Thái Hà, Nguyễn Khuyến, Bùi Xương Trạch, Phùng Khoang, Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Triều Khúc, Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển…

Lưu vực sông Nhuệ (do công ty thực hiện duy trì): Phú Xá (ngã 3 Phú Xá - Phúc Hoa), Trần Cung, Phan Văn Trường, Trần Bình, Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (sau tòa nhà Keangnam), Đỗ Đức Dục.

Lưu vực Long Biên (diện tích khoảng 62km2): Trục thoát nước ngõ 80 Hoa Lâm, gầm cầu chui xe lửa Bắc Đuống, Đức Giang, Nam Đuống.

Để đảm bảo công tác phòng chống úng ngập, ngay khi có mưa, công ty đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý; đồng thời vận hành các cửa hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ… và các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí sáng 30/5.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí sáng 30/5.

Tại thời điểm mưa lớn, công ty đã vận hành hết công suất các trạm bơm đầu mối, trạm bơm điều tiết cụ thể trạm bơm Yên Sở vận hành 18/20 bơm, Đồng Bông 1 vận hành 14/14 bơm, Cổ Nhuế 3/3 bơm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khuyến nghị biến sân vận động, cánh đồng thành bể chứa chống ngập

Sáng 30/5, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu nhưng khi mưa lớn bất thường như ở Hà Nội, lại tập trung vào một thời điểm thì không hạ tầng nào có thể chống chịu được.

Đề ra giải pháp, Bộ trưởng cho rằng: Trước hết phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết, xây dựng hệ thống huyết mạch trong việc thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ. Trong thiết kế phải tính toán được độ cao của các khu vực và khi thiết kế hệ thống thoát nước ngầm của đô thị cần có tầm nhìn để khu vực đó tự nhiên thoát được nước. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị để thoát nước.

Trong trường hợp thời tiết cực đoan hơn nữa thì phải có phương án xây dựng hệ thống để trữ nước. Như Nhật Bản có khu vực ngầm được bố trí, gọi là hầm chứa lớn ở dưới, vừa giữ lượng nước, vừa dự trữ nước để khi hạn hán thì sử dụng tưới cây.

Hoặc tại các trường học, sân vận động, cánh đồng, nếu có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, trở thành nơi chứa nước tạm thời để tránh ngập cho những nơi xung yếu.

Thậm chí, như tôi đã nói, dưới đường giao thông cần xây dựng hệ thống các tầng chứa nước, thùng rất lớn để chứa nước. Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng và phải đồng bộ.