Thứ hai, 24/09/2018, 12:19 PM
  • Click để copy

Chiêm ngưỡng những chiếc nón làm từ sen mỏng manh

Từ những chiếc lá sen vốn ở trong ao hồ, qua bàn tay của một thanh niên trẻ ở xứ Huế, sen đã hóa thân thành những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân như nón lá, bức tranh, chiếc quạt…

chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Một bức tranh ngập tràn sen xứ Huế.

Nhắc đến nón lá làm từ sen Huế ai cũng sẽ nghĩ ngay đến anh Nguyễn Thanh Thảo (30 tuổi, ở phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đó là kết quả của quá trình sáng tạo kiên trì của anh, qua đó, tạo ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo dành cho du khách khi đến xứ Huế.

Anh Thảo cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa Đồ họa tạo hình (trường Đại học Nghệ thuật – ĐH Huế), anh làm nghề vẽ tranh bằng bút lửa tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Tại đây, Thảo nhận thấy các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do các nghệ nhân làng nghề Huế làm ra rất hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, số lượng mặt hàng chưa đa dạng.

Anh Thảo cho biết: “Dù hàng thủ công mỹ nghệ địa phương rất đẹp, nhưng bị lép vế bởi các mặt hàng chất lượng thấp nhập từ Trung Quốc, khiến cho khách du lịch nước ngoài bối rối không thể phân biệt đâu là hàng nước ngoài, đâu là hàng do địa phương sản xuất. Từ đó, mình tâm niệm cần làm ra những mặt hàng lưu niệm độc, lạ và mang bản sắc dân tộc”.

chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Sen mang thân phận mới: Nón lá sen.

Nghĩ là làm, từ năm 2017, anh Thảo bắt đầu nghiên cứu với ý tưởng dùng lá cây để làm chất liệu cho các mặt hàng lưu niệm. Ban đầu, anh dùng lá cây bồ đề để trang trí lên các mặt hàng lưu niệm. Tuy nhiên, lá bồ đề gắn lên các mặt hàng lưu niệm lại không cho độ bền cao.

Không nản chí, trong một lần chèo thuyền hái sen ở hồ Tịnh Tâm (TP Huế), cầm lá sen soi dưới ánh mặt trời, anh Thảo nhận thấy từng đường vân lá hiện lên rõ nét, màu sắc tươi sáng. Bất chợt anh Thảo thầm nghĩ, sen lại là loại cây mang hồn dân tộc, vì sao không thử nghiệm với lá sen để làm nón.

chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Anh Thảo đang chọn những chiếc nón sen.

Sau khi bỏ nhiều thời gian thử nghiệm, để rồi anh mới thành công với việc tạo độ bền cho lá sen, để lá sen hiện diện trên lớp ngoài cùng của chiếc nón Huế.

Để làm ra được chiếc nón màu xanh xinh xắn, phải trải qua nhiều giai đoạn như ủ lá bằng nước Javel, phơi khô, ủi lá để cho ra một lá sen đáp ứng khâu chằm nón, sau đó phủ lớp sơn lên nón để giữ được sắc xanh nguyên bản của lá sen, vừa tạo độ bền khi nón tiếp xúc với mưa nắng.

Có chứng kiến cách anh Thảo tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết, mới thấy được hết đam mê của anh với sen. Cũng chính vì thế, những bình hoa, tráp đựng… phải mất nhiều ngày hay một bức tranh lá sen phải mất cả tuần để hoàn thiện.

Anh Thảo tâm sự: “Cái khó nhất là phải làm sao để cho nón có độ bền khi tiếp xúc với mưa nắng, đồng thời phải giữ được sắc xanh tươi sáng của lá sen. Mình đã mất nhiều thời gian để tạo ra loại sơn phủ bên ngoài đáp ứng được những tiêu chí này. Điều đặc biệt là mỗi chiếc nón mang một dáng vẻ riêng, không chiếc nào giống nhau nhờ đường vân của lá”.

chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Màu sắc rất sôi động của tranh sen.

Sau khi khai sinh ra “đứa con” của mình, anh mang ra phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và được rất nhiều du khách yêu thích, họ mua món hàng lưu niệm độc đáo này làm quà.

Bà Lê Thị Bích (một du khách đến từ TP. Hà Nội) cho hay: “Tôi được người bạn giới thiệu về nón lá sen Huế khi đọc qua sách báo, nhưng tôi vẫn chưa tin lắm khi lá sen có thể làm nón. Thế nhưng, khi được tận mắt nhìn, sờ và nắm thử nó, tôi thấy nó đẹp vô cùng. Những đường vân nổi và màu sắc tươi sáng của chiếc nón làm tôi rất ấn tượng, thật sự đẹp và độc đáo”.

Không chỉ người dân Việt, những du khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú với món hàng lưu niệm đặc biệt này, một số doanh nghiệp - công ty tại Thái Lan, Hàn Quốc đã tìm đến liên hệ đặt hàng. Một chiếc nón lá sen được bán trên thị trường có giá 250.000 đồng/chiếc.

Không ngừng sáng tạo, Thảo tiếp tục mày mò để cho ra đời nhiều sản phẩm làm từ sen. Đó là những chiếc tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen đến những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen. Anh cũng đang tìm cách tận dụng thêm các bộ phận khác của cây sen như hoa, đài sen… để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo hơn.

chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Nón sen, tranh sen rực rỡ sắc màu.

Hiện tại, Thảo đang xây dựng một khu xưởng mới của mình, anh muốn tiến hành sản xuất chuyên môn hoá để cho ra đời những sản phẩm có tính bền vững hơn.

Nói về dự định, anh Thảo cho hay: “Mình đang tìm cách để mang sản phẩm đến các hội chợ trong và ngoài nước. Thông qua những sản phẩm từ sen, mình mong muốn quảng bá hình ảnh văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Nhắc đến chàng trai Thanh Thảo, PGS. TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật – ĐH Huế cho biết, cái hay và đáng trân trọng ở Nguyễn Thanh Thảo là, tuy anh còn rất trẻ nhưng đã có những cái nhìn về truyền thống dân tộc khá già dặn và nghiêm túc. Hiện, với những kỹ thuật xử lý để tạo nên chiếc nón lá như hiện nay thì nón lá sen có độ bền không thua kém gì nón từ lá truyền thống.

chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Anh Thảo không ngừng sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm mới.
chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Nón sen trở thành món quà lưu niệm cho khách du lịch khi đến xứ Huế.
chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Nhiều vật dụng quen thuộc gắn liền từ sen.
chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Quạt bằng sen.
chiem-nguong-nhung-chiec-non-lam-tu-sen-mong-manh
Bình hoa, dụng cụ để khăn giấy… được trang trí từ sen.
 

Giới trẻ Huế rần rần kéo về bức tường bích họa để ‘check in’

Lâu nay, nếu muốn có những bức hình sống ảo với tranh trên tường, giới trẻ Huế phải chạy ngược chạy xuôi vào tận Quảng Nam. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ đã khai phá ra bức tường bích họa mới toanh ngay tại Huế.