Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không: Bản anh hùng ca không quên

Thứ ba, 05/05/2020, 06:53 AM

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là bản anh hùng ca không quên về 12 ngày chiến đấu huy hoàng chống lại chiến dịch của Mỹ nhắm vào miền Bắc tháng 10/1972.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cho thấy sức mạnh to lớn của ý chí Việt Nam, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Rồng lửa SAM của quân đội ta góp phần không nhỏ trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh tư liệu)

Rồng lửa SAM của quân đội ta góp phần không nhỏ trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh tư liệu)

Bối cảnh của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Cho đến tháng 10/1972, cuộc tiến công chiến lược của quân, dân ta ở miền Nam đã diễn ra hơn nửa năm và giành được một số thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Trong khi đó, tại miền Bắc, kể từ tháng 4/1972, quân, dân ta đã đánh bại một bước quan trọng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân và hải quân Mỹ; không ngừng tăng cường sức người, sức của vào tiền tuyến lớn, cùng quân, dân miền Nam phát triển cuộc tiến công chiến lược.

Tại Paris, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ kéo dài trong suốt bốn năm.

Ngày 8/10/1972, Chính phủ ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hai bên đã thỏa thuận hầu hết các nội dung trong văn kiện, ấn định ngày 20/10/1972 sẽ ký tắt tại Hà Nội và ngày 31/10/1972 sẽ ký chính thức tại Paris.

Thế nhưng, chính quyền của Tổng thống Richard Nixon cố tình dây dưa, muốn đợi qua cuộc bầu cử tổng thống cũng như chuẩn bị những bước phiêu lưu quân sự mới, nhằm giành lại thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

12 ngày đêm anh hùng

Đúng như ta phán đoán, ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng.

Vào hồi 19 giờ 20 phút ngày 18/12/1972, ra đa của ta phát hiện máy bay B52 của địch bay vào vùng trời miền Bắc. Được chuẩn bị chu đáo từ trước đó, một lực lượng lớn đã tham gia chiến dịch với 6 trung đoàn tên lửa phòng không (SAM/2), 3 trung đoàn không quân tiêm kích, 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ, 356 đơn vị pháo, súng máy cao xạ, toàn mạng ra đa và các lực lượng phục vụ khác. Không quân ta đón đánh địch ở vòng ngoài. Bộ đội cao xạ và lưới lửa tầm thấp của dân quân tự vệ hất máy bay chiến thuật của địch lên cao. Ra đa, tên lửa, vừa khắc phục các loại nhiễu, vừa phát sóng, bắt mục tiêu B52 và phóng đạn tiêu diệt.

Với 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 quân và dân miền Bắc đã hạ thủ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B52, đồng thời đã đánh gục ý đồ của Mỹ, mở đường rộng lớn cho ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973.

Cuộc đối đầu lịch sử này không chỉ về lực, về vũ khí, phương tiện chiến tranh, mà còn là sự thử thách lòng dũng cảm, sự đấu trí, đấu sức sáng tạo giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng; chính nghĩa và phi nghĩa một cách quyết liệt nhất. Nhiều học giả quân sự tư sản, thậm chí cả những nhà chiến lược các nước xã hội chủ nghĩa đều có những nhận định và mong muốn khác nhau. Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý thế giới thót tim ngóng đợi. Còn quân, dân cả nước và đặc biệt là ở miền Bắc càng đánh càng mạnh, càng vững tin, càng thắng lớn.

Ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân ta trước cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12/1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời này đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, hao người tốn của của một đạo quân viễn chinh.

Âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975. Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã trở thành sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh lịch sử; xứng đáng là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.

Bài liên quan