Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Biển Đông? (2)

Thứ ba, 13/11/2018, 02:49 AM

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước ASEAN

(tiếp theo và hết)

chien-tranh-thuong-mai-my-trung-anh-huong-the-nao-den-bien-dong-2
Trên "sân nhà", khi tác chiến gần chính quốc, Hải quân Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng thách thức Hải quân Hoa Kỳ

Nguy cơ chiến tranh không thể loại trừ

Điều này hấp dẫn Trung Quốc, đơn giản là vì họ có đủ khả năng làm như vậy. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều để củng cố năng lực quân sự của mình, nhất là hải quân. Một báo cáo năm 2018 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc đang sở hữu “lực lượng dân quân biển lớn nhất và có năng lực cao nhất thế giới”.

Tính đến tháng 08/2018, trong khi Hải quân Hoa Kỳ chỉ triển khai 282 tàu chiến, thì Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLAN) lại có đến “hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra, và các loại tàu chuyên biệt khác”, biến nó trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh nhất khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo Giáo sư Robert S. Ross tại Đại học Harvard, nếu như có một cuộc chiến tranh trên biển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ xảy ra cách đây 10 năm, nước Mỹ sẽ giành chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra lúc này, cuộc chiến sẽ kéo dài, gây nhiều tổn thất và bất lợi cho cả hai bên.

Điều đó giải thích tại sao Trung Quốc lại tự tin về lập trường hung hăng của mình tại Biển Đông kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại. Ngoài việc gia tăng căng thẳng giữa hai nước, tháng trước, một tàu khu trục Trung Quốc đã công khai thách thức một tàu khu trục Mỹ khi con tàu này di chuyển trong vùng biển gần một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Nguy cơ xung đột leo thang khi nước Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump không hề do dự để thách thức trực tiếp vị trí của Trung Quốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đe dọa sẽ phản đối Trung Quốc trong mọi thời điểm.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông, thông qua các hoạt động “tự do hàng hải”. Gần đây nhất, nước Mỹ mở rộng phạm vi của các cuộc tuần tra này trên bầu trời, khi một chiếc Poseidon P-8A của Mỹ bay qua bốn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng vào tháng 08/2018, bỏ qua cảnh báo liên tục của quân đội Trung Quốc. Hoa Kỳ thậm chí còn khuyến khích các đồng minh của mình như Pháp và Anh cũng làm như vậy.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể được xem như hành động đối chọi lại Sáng kiến Vành đai - Con dường của Trung Quốc. Washington cũng đang tham gia vào một liên minh tay bốn để thách thức tham vọng trên biển của Bắc Kinh. Việt Nam - một cựu thù cũ, nhưng hiện giờ là đối tác chiến lược của nước Mỹ - đã được dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương từ năm 2016, và có thể mua vũ khí từ Mỹ. Đây cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ nhất trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Lập trường của ông Donald Trump trong mối xung đột với Trung Quốc là cứng rắn và khó lung lay trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang gia tăng. Ở phía đối diện, người đồng nhiệm của ông Trump là Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ không lùi bước. Được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Hoa kể từ thời Đặng Tiểu Bình, ông Tập không muốn trở nên yếu đuối trước công chúng trong nước. Gần đây, ông đã giao nhiệm vụ cho Chiến khu Nam - một hình thức tổ chức quân sự mới thay thế các đại quân khu trước đây của Trung Quốc, phụ trách theo dõi Biển Đông và Đài Loan phải sẵn sàng để "chuẩn bị cho chiến tranh", trong một nỗ lực nhắc lại các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Khả năng xảy ra chiến tranh - dù rất nhỏ - vẫn không thể bị loại trừ.

Thời cơ và thách thức cho các nước ASEAN

Đối với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông như Việt Nam và Philippines, tình huống phức tạp và vị trí đan xen giữa cuộc đấu tranh giữa hai siêu cường này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Về mặt kinh tế, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra lợi thế cho các nước Đông Nam Á, vì rất nhiều sản phẩm của họ phải cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc. Trong trường hợp không còn hàng hóa Trung Quốc giá rẻ (trên thị trường Mỹ), các sản phẩm đến từ khối ASEAN có thể là phương án thay thế lí tưởng.

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài cũng có thể chuyển dịch sang khối ASEAN để tránh một mức thuế cao hơn, động thái này thường được gọi là chiến lược “Trung Quốc +1”. Một tác động tiêu cực tiềm ẩn, là khả năng hàng tiêu dùng của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường nội địa các nước Đông Nam Á, đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, thép và vật liệu xây dựng.

chien-tranh-thuong-mai-my-trung-anh-huong-the-nao-den-bien-dong-2
Chủ tịch Tập Cận Bình đã huấn thị và ra lệnh cho Chiến khu Nam "sẵn sàng chiến đấu"

Nhưng đi kèm với những cơ hội là thách thức. Các quốc gia Đông Nam Á luôn mong muốn một trật tự ổn định, có thể dự đoán được và kiểm soát được trên Biển Đông, chứ không phải việc gia tăng quân sự hóa và bất ổn. Vì lợi ích riêng của nước Mỹ, sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ trên Biển Đông chỉ nhằm giữ các hành động của Bắc Kinh trong tầm kiểm soát, làm cho Trung Quốc trở thành một bên liên quan có trách nhiệm, hơn là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.

Bị Trung Quốc áp đảo về mặt quân sự và kinh tế, các nước có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông ở vùng Đông Nam Á không thể đủ khả năng cạnh tranh với Bắc Kinh trong một kịch bản đối đầu bằng vũ lực hay thương mại. Một nước Trung Hoa dân tộc chủ nghĩa phải hứng chịu những thương tổn của cuộc chiến tranh thương mại là một viễn cảnh nguy hiểm.

Bài viết được đăng tải trên The Diplomat, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Trinh Le, tốt nghiệp thạc sĩ xuất bản và truyền thông ở Đại học Melbourne năm 2016. Trong quá trình học, anh làm phóng viên tình nguyện cho tạp chí Meld.

 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Biển Đông? (1)

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang dần rút lui khỏi Trung Quốc, do lo sợ chiến tranh thương mại.