Thương chiến Trung Mỹ: Việt Nam đối đấu với 'đội lốt thương mại'

Thứ ba, 27/08/2019, 13:56 PM

Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, ở thế mắc kẹt Việt Nam được cho đang đối mặt với vấn đề "đội lốt thương mại, đầu tư".

thuong-chien-trung-my-viet-nam-doi-dau-voi-doi-lot-thuong-mai
Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, ở thế mắc kẹt Việt Nam được cho đang đối mặt với vấn đề "đội lốt thương mại, đầu tư".

Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 5 hoặc 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019). Ngoài ra, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ô tô và phụ tùng ô tô, Trung Quốc sẽ áp thêm thuế lần lượt là 25% và 5%, từ 15/12/2019.

Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đáp trả bằng cách sẽ nâng mức thuế lên 30% (thay vì mức đang áp dụng 25%) đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1/10/2019) và sẽ áp mức thuế 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc từ 1/9/2019 (thay cho mức 10% như kế hoạch trước đó; trong đó có một số mặt hàng sẽ bị áp thuế từ 15/12/2019); đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Có thể nói thuế đang là "vũ khí" để Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau, để giảm tác động thuế Trung Quốc hạ giá Nhân dân tệ, tuy nhiên bên cạnh đó nhiều lo lắng doanh nghiệp hai nước sẽ tìm đến nền kinh tế thứ ba để lách luật.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, trong ngắn hạn xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực, chủ yếu do cầu giảm, do Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng và bảo hộ thị trường trong nước nhiều hơn, và dịch chuyển đầu tư đòi hỏi thời gian. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ tăng 7,5% (so với mức tăng 15,3% cùng kỳ năm 2018).

Trong dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực hơn khi đối tác tìm kiếm hàng hóa thay thế và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư bắt đầu kinh doanh và xuất khẩu. Đối với ngành hàng, nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu, thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn.

Ngược lại, với thị trường trong nước, các ngành hàng như thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử,… sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.

Về đầu tư, hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc, Hồng Kông sang ASEAN và Việt Nam đã xuất hiện, trong đó Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực.

Cùng với đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng sẽ hưởng lợi. Trong 7 tháng năm 2019, có sự dịch chuyển vốn đáng chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kong vào Việt Nam với tổng vốn FDI đạt gần 7,6 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,5% tỷ trọng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề "đội lốt thương mại, đầu tư" đang và tiếp tục diễn biến phức tạp; đòi hỏi Việt Nam tỉnh táo ngăn chặn, sàng lọc và chủ động tăng khả năng hấp thụ.

thuong-chien-trung-my-viet-nam-doi-dau-voi-doi-lot-thuong-mai
Việt Nam đối đấu với 'đội lốt thương mại'. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 19,8 tỷ USD, nhưng lại nhập khẩu từ thị trường này 42,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ 2018.

Máy móc, thiết bị, phụ tùng; sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày... được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với kim ngạch lần lượt hơn 8 tỷ USD, 7 tỷ và 6,7 tỷ USD. So với cùng kỳ 2018, dữ liệu nhập các mặt hàng này tăng tương ứng hơn 49%, 66% và 11%.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với gần 3,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2018. Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, Trung Quốc cũng chiếm vị trí số một với kim ngạch trên 1,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018...

Trong một báo cáo gần đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, nhân dân tệ (CNY) giảm giá đáng kể so với VND và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang là nguyên nhân khiến lượng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng.

Dẫn lại số liệu của Tổng cục Hải quan, KB Việt Nam cho biết, đến hết tháng 5, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đã lên tới 16,3 tỷ USD, bằng 68,2% mức nhập siêu cả năm 2018 (23,9 tỷ USD) và tăng lên 22,7 tỷ USD vào cuối tháng 7. Điều này cho thấy NDT phá giá đang là một nhân tố làm tăng lượng hàng hóa từ nước này chảy sang Việt Nam khi hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn. 

Trong khi đó, ở mối quan hệ thương mại với Mỹ, số liệu từ hải quan cho thấy, lũy kế đến hết tháng 7, lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 33 tỷ USD, tăng hơn 27% so với năm ngoái. Trong khi chỉ nhập 8,2 tỷ USD từ thị trường này, tăng hơn 7% so với cùng kỳ 2018. Rau quả, nông sản là các mặt hàng có lượng nhập khẩu ghi nhận tăng đột biến từ Mỹ trong nửa đầu năm nay, riêng tháng 7 là 39 triệu USD, đưa con số 7 tháng lên hơn 155 triệu USD.

Không cho rằng việc tăng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc là "điều gì đó quá bất thường", song đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung, các chuyên gia lo hiện tượng, hàng hoá nhập từ Trung Quốc qua Việt Nam để "rửa xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế".

 

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trung Quốc quá hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ khó rời bỏ

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Trung Quốc cái họ nhắm đến không chỉ là nhân công, quan trọng hơn thị trường tỷ dân nước này.

 

Nhân dân tệ chạm đáy 11 năm, Donald Trump lập tức khởi động đàm phán?

Nhân dân tệ của Trung Quốc hôm nay rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm qua, trong khi đó chiến thương mại có lỗi thoát khi ông Trump "xuống nước".

 

Ngân hàng Techcombank cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Ngân hàng Techcombank vừa ra cảnh báo tới khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đường link quảng cáo trúng thưởng.