Chiều 30 Tết: Chặt đào, phá quất…sự ích kỷ trong kinh doanh

Thứ hai, 04/02/2019, 18:33 PM

Cuối giờ chiều ngày 30 Tết nhiều tiểu thương bán đào, quất chấp nhận bán phá giá nhưng nhiều người chán nản chặt bỏ, thậm chí chán nản “bỏ của chạy với người”.

chieu-30-tet-chat-dao-pha-quatsu-ich-ky-trong-kinh-doanh
Cuối giờ chiều ngày 30 Tết nhiều tiểu thương bán đào, quất chấp nhận bán phá giá nhưng nhiều người chán nản chặt bỏ, thậm chí chán nản “bỏ của chạy với người”. Ảnh Lao Động

Chiều 30 Tết, trên nhiều tuyến phố, cảnh tượng hàng chục gốc hoa, cây cảnh bị bỏ lại trên vỉa hè không phải chuyện hiếm gặp.

Nguyên nhân là do càng cận Tết, những cây quất cảnh, cành đào rừng, hoa mai vốn có giá hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng càng rớt giá thảm. Nhiều chủ kinh doanh phải chấp nhận bán đại hạ giá để mong lấy lại chút vốn liếng nhưng cũng nhiều người cho rằng thà chặt, đập bỏ, nhất quyết không chịu bị ép giá.

Một số ít hộ kinh doanh còn lại xả hàng với giá chỉ vài chục nghìn/cây quất, cành đào. Thậm chí, có điểm bán giá cả cây lẫn chậu rẻ hơn cả giá mua chậu không. Tại một điểm bán quất trên đường Mộ Lao, Hà Đông, bán cả cây và chậu là 100.000 đồng, thế nhưng một cửa hàng bán chậu không cạnh đó có giá 120.000 đồng chiếc.

Dạo quanh chợ hoa Vạn Phúc, hoa bán dọc đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, chợ hoa Thanh Xuân … vào chiều ngày 30 Tết năm Mậu Tuất, phóng viên ghi nhận nhiều điểm kinh doanh quất cảnh đã bán hết, nhưng cũng còn không ít hàng ế ẩm. Một số hàng do cây héo úa nên chủ hàng đã bỏ lại.

Nhiều hàng đã phải bán hạ giá để thu hút khách. Những cây quất thế mấy ngày trước còn nói 400.000 – 500.000 đồng/cây thì nay chỉ còn bán đồng giá 200.000 đồng/cây trồng trong chậu nhựa. Một số cây nhỏ chỉ còn bán với giá 100.000 đồng/cây trồng tronh chậu nhựa, hoặc không chậu.

Những cây quất thế trồng trong chậu gốm, lọ gốm đẹp mấy ngày trước còn bán từ 600.000 đồng đến trên 1 triệu đồng thì này chỉ còn bán đồng giá 450.000 đồng/cây. Chủ hàng chia sẻ: Hôm nay phiên chợ cuối bán để thu hồi vốn, ra Giêng đầu tư kinh doanh mặt hàng khác.

chieu-30-tet-chat-dao-pha-quatsu-ich-ky-trong-kinh-doanh
Đào bán đại hạ giá trên tuyến phố Hà Nội. Ảnh Kinh tế đô thị
chieu-30-tet-chat-dao-pha-quatsu-ich-ky-trong-kinh-doanh

 

Đắt hàng nhất hôm nay vẫn là những cành đào lùm, đào vọt trồng tại Nhật Tân nhiều nụ và hoa. Mỗi cành có giá từ 200.000 – 300.000 đồng. Đào cây nhỏ trồng tại các nhà vườn tại Hà Nội có nhiều nụ, hoa có giá từ 600.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/cây.

Sót xa nhất vẫn là thân phận những cành đào rừng và người kinh doanh chúng. Hầu hết những quầy kinh doanh đào cành rừng đều phải bỏ lại một phần vì không bán được. Những người may mắn thì bán được 50-70% số hàng mang về. Cũng không ít người bỏ lại cả đống hàng.

Trước đó cộng đồng mạng đang truyền tay nhau clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông đang cầm dao chặt từng gốc cây quất cảnh giữa chợ trước sự chứng kiến của rất nhiều người xung quanh. Nguyên nhân được cho là những cây quất bày bán ở đây đều bị khách trả quá rẻ.

Nhìn nhận hiện tượng  tiểu thương đập nát hoa, chặt cây cảnh để tránh bị ép giá, một số chuyên gia văn hóa coi đây là hành vi thiếu văn hóa, thể hiện sự ích kỷ.

Đành rằng hoa, cây cảnh ngày giáp Tết rất dễ bị ép giá rẻ, tiểu thương không muốn bán bởi giá tiền không bõ với công sức họ bỏ ra. Nhưng rõ ràng, ngay từ đầu, chính những tiểu thương ấy thấy người dân mến mộ hoa nên nâng giá vượt lên giá thật của hoa, khiến không ai mua và cuối cùng hoa ế.

chieu-30-tet-chat-dao-pha-quatsu-ich-ky-trong-kinh-doanh
Người đàn ông vung dao chặt quất để không phải bán rẻ. Ảnh cắt từ clip

 

Xét về mặt kinh tế, hiện tượng phổ biến vẫn diễn ra trên thị trường Việt Nam, đó là khi nhu cầu thị trường tăng cao thì nhiều chủ hàng tranh thủ hét giá lên tận mây xanh, không giữ đúng cam kết với người tiêu dùng, hám lợi trước mắt.

Tiểu thương chặt đào, quất vì bị trả giá quá rẻ nhưng không phải ở Việt Nam mới có chuyện người tiêu dùng “canh” khi nào có hàng giá rẻ mới ồ ạt đến mua.

Trên thế giới có hẳn những ngày, những tháng xả hàng giá rẻ (như Black Friday, dịp giáng sinh, tết…). Trong số những người chầu trực hàng tháng trời để mua được hàng giá rẻ có không ít những người giàu, những người có thu nhập cao.

Chính vì đắt đỏ nên ở Việt Nam, nhiều khi chỉ có đại gia hoặc những người có kinh tế khá giả mới dám mua đào, mai, hoa, cây cảnh để chơi trước tết hàng tuần, hàng tháng. Còn những người có thu nhập ở mức trung bình, họ chỉ dám nghĩ đến những món ăn tinh thần này khi đã tạm yên tâm vì lo được cái Tết cho gia đình.

Chừng nào vẫn còn tư duy buôn bán theo kiểu “chăn”, “bóp” được ai thì làm “tới bến”, không bán hàng đúng với giá trị thật của nó thì người mua còn phải cân nhắc trước khi móc hầu bao mua bất kỳ sản phẩm nào.

Triết lý kinh doanh đòi hỏi những người làm nghề phải tôn trọng thị trường, tôn trọng người tiêu dùng thì mới có thể phát triển được. Việc chặt bỏ cây cảnh để không bán rẻ thể hiện một tư duy kinh doanh ích kỷ chỉ biết mình.

Để năm sau không còn cảnh chặt đào, phá quất, thiết nghĩ người kinh doanh trước hết phải bán đúng giá sản phẩm, phục vụ nhiều phân khúc thị trường với nhiều đối tượng khách hàng phong phú. Khi giá cả hợp lý thì không chỉ nhà vườn kinh doanh có lãi mà nhiều người dân có cơ hội thưởng lãm vẻ đẹp của cây cảnh dịp Tết.

 

Nhưng dịch vụ ‘hốt bạc’ ngày 30 Tết

Khắc hình dưa hấu, vận chuyển hoa, cây cảnh, buôn bán hoa tươi là những dịch vụ “hốt bạc” ngày cận Tết.

 

Giá rửa xe, dọn nội thất tăng gấp đôi ngày Tết

Số lượng xe làm dịch vụ tăng đột biến, số nhân viên có hạn là lý do mà các tiệm dọn rửa xe ở Sài Gòn tăng giá.

 

Chăm sóc thú cưng ngày Tết kiếm tiền triệu

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 kéo dài tới 9 ngày là dịp các cơ sở chăm sóc, trông giữ thú cưng chó, mèo đắt khách nhất trong năm.