Chính quyền Hong Kong rút dự luật dẫn độ: Có quá muộn?

Thứ tư, 04/09/2019, 15:10 PM

Việc tuyên bố rút dự luật dẫn độ chỉ có tính kỹ thuật, khó để bà Lâm cứu lại được cuộc khủng hoảng chưa có biện pháp xử lý ở Hong Kong.

chinh-quyen-hong-kong-rut-du-luat-dan-do-co-qua-muon
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào chiều nay (4/9) sẽ tổ chức họp báo tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ đã gây ra sự phẫn nộ lớn và dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 3 tháng qua ở đây. 

Theo tin riêng của SCMP, trong buổi công bố này, bà Lâm sẽ nhấn mạnh việc loại bỏ dự luật nhằm hợp lý hóa chương trình nghị sự lập pháp trước khi Hội đồng Lập pháp Hong Kong hoạt động trở lại vào tháng 10 sau kỳ nghỉ hè. Vì thế, đây chỉ là thủ tục mang tính kỹ thuật.

Buổi công bố này sẽ diễn ra tại dinh thự của Trưởng đặc khu. Khách tham dự gồm 43 nghị sĩ thân thiết với bà Lâm. Các đại biểu Hong Kong tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cũng được mời tới cuộc họp này. "Động thái chính thức rút dự luật dẫn độ là bước đi nhằm làm hạ nhiệt tình hình," một nguồn tin nói với SCMP.

Bà Carrie Lam hồi tháng 6 thông báo đình chỉ dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử, song vẫn không làm xoa dịu được người biểu tình.

Họ lo ngại rằng dự luật vẫn còn nằm trong chương trình nghị sự thì vẫn có thể được đem ra bàn lại trong nhiệm kỳ này của Hội đồng Lập pháp. Trong khi đó, bà Lam cho rằng dự luật sẽ lấp kín lỗ hổng pháp lý vốn khiến Hong Kong trở thành "thiên đường tội phạm".

Một ngày sau khi bà Lam thông báo đình chỉ dự luật, khoảng 2 triệu người kéo xuống đường vào 16/6 và các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra cho đến nay.

Bà Lam sau đó thông báo dự luật dẫn độ đã “chết”, nhấn mạnh rằng dự luật không có cơ hội được đưa ra bàn luận. Dù vậy, Trưởng đặc khu Hong Kong bị chỉ trích là không chịu lùi bước khi không rút lại hoàn toàn dự luật.

Ngoài yêu cầu chính thức rút lại dự luật dẫn độ, người biểu tình còn có 4 yêu cầu khác. Các yêu cầu của người biểu tình gồm:

- Rút hoàn toàn dự luật dẫn độ;

- Rút lại việc coi các cuộc biểu tình là hành vi bạo loạn;

- Xóa các cáo buộc chống lại người biểu tình; thả những người đã bị bắt.

- Mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát;

- Thông qua quyền bỏ phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử chọn trưởng đặc khu và cơ quan lập pháp thành phố vào năm 2020.

Đến nay, việc thông báo rút lại dự luật dẫn độ có vẻ sẽ không thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng ở Hong Kong do những căng thẳng leo thang giữa các bên. Lãnh đạo phong trào Ô Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã sang Đài Loan kêu gọi sự ủng hộ của người dân nơi đây cho các cuộc biểu tình.

 

NYT: Không ai có thể 'gánh' hộ bà Lâm tảng đá Hong Hong

Dù từ chức hay không, nhìn lại khối các quan chức Hong Kong bên cạnh bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không có ai có thể và dám đứng lên thay bà gánh sức nặng này.

 

Lãnh đạo 'phong trào Ô' Hong Kong sang Đài Loan kêu gọi sự ủng hộ

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) - lãnh đạo phong trào Ô của Hong Kong đã bay sang Đài Loan và có một buổi nói chuyện tại đây để tìm kiếm sự ủng hộ từ một khu tự trị khác của Trung Quốc.