Chính thức giảm 10% giá điện

Thứ năm, 16/04/2020, 14:01 PM

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hướng dẫn về việc giảm tiền điện cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chính thức giảm 10% giá điện, triệu người dân hưởng lợi.

Chính thức giảm 10% giá điện, triệu người dân hưởng lợi.

Theo đó với khách hàng sản xuất và kinh doanh, Bộ Công Thương giảm giá bán lẻ điện vào tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá hiện hành được qui định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và qui định giá bán điện.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ Công Thương giảm giá 10% giá bán lẻ điện cho các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng) được quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng đa phần là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương.

Với mức hỗ trợ 10%, khách hàng sử dụng điện ở mức 100 kWh/tháng được hỗ trợ khoảng 17.000 đồng/tháng. Tương tự ở mức 200 kWh/tháng được hỗ trợ trên 37 nghìn đồng/tháng. Các khách hàng sử dụng dùng trên 300 kWh/tháng được hỗ trợ là 62.560 nghìn đồng/tháng.

Đối với các cơ sở lưu trú du lịch, Bộ Công Thương điều chỉnh giá giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất. 

Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư; giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt được giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 và bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định 648/QĐ-BCT.

Đối với giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ được giảm 10% giá bán buôn điện so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định 648/QĐ-BCT.

 Như vậy, với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020.

Đối với khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp,... ) thực hiện từ kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày ban hành công văn này, tức 16/4.

Bộ Công Thương cũng hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm tiền điện trực tiếp cho các đơn vị khác. Các cơ sở (không phải là cơ sở lưu trú du lịch) thực hiện cách ly, khám chữa bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 100% tiền điện; Các cơ sở y tế có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20% tiền điện; các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20% tiền điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài Chính cho rằng, việc Bộ Công Thương trình Chính phủ phương án giảm 10% giá điện cho doanh nghiệp và người dân trong 3 tháng (4, 5 và 6) là rất đáng ghi nhận, song cần phải ban hành ngay các hướng dẫn để EVN triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nên tính đến phương án hỗ trợ lớn hơn cho người nghèo cũng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn thay vì dàn trải cho mọi đối tượng.

“Tôi thấy cách tính của ngành điện đã hỗ trợ được cho khoảng 87,67% hộ tiêu dùng từ 0 đến 300kWh/tháng - tức là mức tiêu dùng mang tính phổ biến của xã hội. Thế nhưng để giải quyết khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho các hộ tiêu dùng điện hiện nay thì nên tính toán thêm, giảm giá thêm cho đối tượng là các hộ mà khả năng thanh toán thấp như các hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ, các hộ gia đình chính sách…”, ông Thỏa đề xuất.

“Chúng ta cấp không cho họ phần điện họ tiêu dùng ở số hộ nghèo, cần tính toán để có chính sách hỗ trợ thực sự cho người nghèo trong bối cảnh khó khăn mà không có thu nhập gì lúc có dịch như thế này…”, ông Thỏa nói thêm.

Đồng quan điểm không dàn trải trong chính sách hỗ trợ mà tập trung cho các đối tượng khó khăn nhiều hơn, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, Bộ Công Thương cần có những nghiên cứu cụ thể về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp hiện nay ra sao, tiêu dùng điện sinh hoạt trong dân là như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh Covid hiện nay. Có như vậy mới có được chính sách đúng đăn và cho hiệu quả thực chất.

Việc cân đối tính toán như thế nào cần phải có thống kê theo dõi, từ đó mới có cân đối hợp lý hơn – cụ thể là các đối tượng được hỗ trợ là bao nhiêu, số tiền dự kiến để hỗ trợ là bao nhiêu… Sự lo ngại của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước cũng như Bộ Tài chính là có cơ sở.

Bài liên quan