Chính thức ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ

Thứ năm, 21/01/2021, 05:59 AM

Trưa ngày 20/1 theo giờ Mỹ, lễ nhậm chức của ông Biden chính thức được cử hành. Biden sẽ nắm quyền điều hành nước Mỹ đang trong cơn khủng hoảng dịch bệnh COVID-19.

Điện Capitol ngày ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ (ảnh: CNN)

Điện Capitol ngày ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ (ảnh: CNN)

Ông Biden nói trong lễ tuyên thệ: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi".

Tổng thống Mỹ thứ 46, Joe Biden.

Tổng thống Mỹ thứ 46, Joe Biden.

Phó Tổng thống Mỹ đắc cử Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức trước ông Biden ít phút.

"Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Mỹ chống lại tất cả mọi kẻ thù, bên ngoài và trong nước, rằng tôi sẽ giữ vững lòng tin và trung thành, rằng tôi nhận bổn phận này một cách tự nguyện, không hề đắn đo hay có ý tránh né và rằng tôi sẽ hoàn thành tốt và trung thực các bổn phận của vị trí tôi sắp đảm nhiệm. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi", bà Harris nói.

Doug Emhoff, phu quân của bà Harris là người giữ cuốn Kinh thánh trong lúc Phó Tổng thống Mỹ đắc cử đọc lời tuyên thệ.

Phó Chánh án Sonia Sotomayor là người tiến hành lễ tuyên thệ cho bà Harris. Trong khi đó, Chánh án John Roberts là người tiến hành lễ tuyên thệ cho ông Biden.

 Sau khi đồng hồ điểm qua 12 giờ trưa ngày 20/1 (giờ Mỹ), ông Biden và bà Harris chính thức trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Ông Biden với tư cách là Tổng thống Mỹ thứ 46, có bài phát biểu gửi đến người dân Mỹ.

Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ.

Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ.

Xuất hiện tại lễ tuyên thệ nhậm chức, Phó Tổng thống Mỹ đắc cử Kamala Harris mặc bộ đồ màu tím, màu sắc khá quan trọng với bà. Hai màu sắc chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Harris là màu tím và vàng.

Tham dự lễ nhậm chức của ông Biden có 3 đời tổng thống Mỹ, bao gồm cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, Bill Clinton và George W. Bush. Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Chiếc Không lực Một chở ông Trump hạ cánh ở Florida không lâu trước khi ông Biden tuyên thệ.

Bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã có bài phát biểu gửi đến người dân Mỹ, kêu gọi sự đoàn kết và cam kết sẽ là “Tổng thống của mọi người dân Mỹ”.

"Đây là ngày của nền dân chủ, ngày của lịch sử và hi vọng, của đổi mới và quyết tâm. Nước Mỹ đã được kiểm tra và nước Mỹ đã vượt qua thử thách. Đây là ngày của nước Mỹ", ông Biden nói, theo CNN.

Ông Biden nói ý nguyện của người dân đã được lắng nghe và đáp ứng. “Chúng ta biết rằng nền dân chủ rất quý giá. Nền dân chủ thật mong manh. Và vào giờ phút này, các bạn của tôi, nền dân chủ đã thắng thế”, ông Biden nói.

Trong bài phát biểu, ông Biden cam kết sẽ là “Tổng thống của mọi người dân Mỹ”, bao gồm cả những người không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử.

Tổng thống Mỹ thứ 46 Joe biden.

Tổng thống Mỹ thứ 46 Joe biden.

“Tôi sẽ đấu tranh mạnh mẽ cho cả những người không ủng hộ tôi, tương tự như những người đã và sẽ ủng hộ tôi”, ông Biden nói. “Đó là dân chủ, là nước Mỹ, bất đồng quan điểm không có nghĩa sẽ dẫn đến sự bất hòa”.

Tổng thống Joe Biden nhắc đến tầm quan trọng của việc đoàn kết nước Mỹ. "Hôm nay, toàn bộ tâm tư tôi hướng về điều này: Đưa nước Mỹ xích lại gần nhau, đoàn kết nhân dân, đoàn kết đất nước", ông Biden nói.

Ông Biden cũng đề cập đến tình hình hiện tại của nước Mỹ trong bài phát biểu nhậm chức, nói rằng “nước Mỹ có nhiều điều phải sửa chữa, nhiều điều để khôi phục, nhiều điều để chữa lành, nhiều điều để xây dựng và nhiều thứ để đạt được”.

Thế giới phản ứng sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ

Liên minh châu Âu (EU): “Sau 4 năm chờ đợi, châu Âu cuối cùng cũng có một người bạn thực sự trong Nhà Trắng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước lễ nhậm chức của ông Biden.

“Đây là khoảnh khắc mà chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Châu Âu đã sẵn sàng cho khởi đầu mới với đối tác lâu đời và đáng tin cậy nhất”, bà Leyen Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói.

Trung Quốc: “Suốt 4 năm qua, Mỹ đã mắc phải nhiều sai lầm cơ bản trong nhận thức về Trung Quốc. Mỹ không ngừng đàn áp, bôi nhọ và gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ với Trung Quốc – Mỹ”, Hoa Xuân Oánh – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – nói.

 “Chính quyền mới của ông Biden nên nhìn nhận Trung Quốc một cách hợp lý và khách quan hơn, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi. Chúng tôi vọng ông Biden sẽ thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ đi đúng hướng và ổn định”, bà Hoa nói thêm.

Iran: Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi ông Biden quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với nước này và dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

“Quả bóng đang ở bên sân của Mỹ. Nếu chính quyền mới quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn toàn tôn trọng các cam kết của mình với khu vực”, ông Rouhani nói.

Tổng thống Iran cũng chỉ trích gay gắt ông Trump – người đã rời Nhà Trắng trước thời điểm lễ nhậm chức của ông Biden.

“Suốt 4 năm làm Tổng thống Mỹ, ông Trump không mang lại bất cứ điều gì ngoài bất công và tham nhũng. Ông ta gây họa cho người dân nước mình và thế giới”, ông Rouhani nói thêm.

Đức: Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier cho biết ông cảm thấy “nhẹ nhõm” khi ông Biden cử hành lễ nhậm chức.

“Đây là một ngày tốt lành cho nền dân chủ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Biden tuyên thệ nhậm chức và bước vào Nhà Trắng. Nhiều người Đức chắc chắn sẽ cùng quan điểm với tôi”, ông Steinmeier nói.

Anh: Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông “rất mong chờ” mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền của ông Biden.

“Trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và chống biến đổi khí hậu, mục tiêu của Anh, Mỹ là thống nhất và chúng ta sẽ cùng nỗ lực để đạt được”, ông Johnson – người từng có biệt danh là “Trump của nước Anh” – nói.