Choáng váng giá thịt lợn, có chỗ bán 300 nghìn/kg ngang thịt bò Mỹ

Thứ bảy, 18/04/2020, 19:25 PM

Bất chấp những chỉ đạo và yêu cầu hạ giá thịt lợn của Thủ tướng Chính phủ, giá thịt lợn tại các chợ và siêu thịt vẫn rất đắt đỏ. Có chỗ gần 300 nghìn đồng/kg ngang với giá thịt bò Mỹ.

Giá thịt lợn vẫn tăng cao bất chấp các chỉ đạo. (Ảnh minh họa).

Giá thịt lợn vẫn tăng cao bất chấp các chỉ đạo. (Ảnh minh họa).

Giá thịt lợn vẫn tăng phi mã bấp chấp chỉ đạo

Câu chuyện giá thịt lợn tăng cao làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Bấp chấp những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT yêu cầu hạ giá thịt lợn thì hơn 1 tuần nay mặt hàng này vẫn tiếp tục có dấu hiệu tăng giá phi mã.

Theo tìm hiểu, giá thịt lợn hơi hôm 17/4, đã tăng thêm từ 10 nghìn đồng - 12 nghìn đồng/kg và nằm ở mức 88 nghìn đồng -90 nghìn đồng/kg (trước đó vài tuần ở khoảng 70 nghìn đồng/kg). Có nơi như ở Tây Nguyên đã thịt lợn hơi có giá đến 120 ngàn đồng/kg.

Nguyên nhân giá thịt lợn đắt đỏ được lý giải là do tác động từ dịch Covid-19 đã khiến cho mặt hàng này khan hiếm cùng với tác động kéo dài của dịch tả lợn Châu Phi khiến cho các hộ chăn nuôi chưa tái đàn sản xuất được. Dẫn đến giá cả bị đẩy lên và cuối cùng người tiêu dùng đang phải gánh trên vai giá cả đắt “cắt cổ”.

Theo khảo sát tại các chợ, siêu thị tại Hà Nội: Hiện nay giá thịt lợn móc rất cao, giao động ở ngưỡng 150 ngàn đồng/kg đến trên 200 ngàn đồng/kg tùy loại. Giá thịt lợn tại các chợ cũng không đồng nhất, có nơi cao, nơi thấp hơn.

Ví dụ như ở một số chợ đầu mối lớn như chợ Nhổn, chợ Long Biên giá thịt lợn rẻ hơn giá tại các phản bán lẻ ở phố và ở một số chợ nhỏ.

Còn tại siêu thị, giá thịt lợn sườn thăn gần 300 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ 285 ngàn đồng/kg, nạc dăm heo, chân giò giá cũng lên tới 260 ngàn đồng/kg. Rẻ nhất là móng giò đã 90 ngàn đồng/kg.

Trong khi đó giá thịt bò Mỹ tại các siêu thị cũng chỉ giao động ở ngưỡng 200 ngàn đồng - 380 ngàn đồng/kg tùy loại. Như vậy, giá thịt lợn hiện nay sấp sỉ giá thịt bò Mỹ.

Làm thế nào để giảm giá thịt lợn? 

Thịt lợn được coi là mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa cơm của người Việt. Việc thịt lợn tăng giá đắt đỏ đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mỗi người nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lao động bị cắt giảm lương, thất nghiệp, mất việc làm.

Thịt lợn ở siêu thị đang có giá sấp sỉ ngang thịt bò Mỹ. (Ảnh minh họa).

Thịt lợn ở siêu thị đang có giá sấp sỉ ngang thịt bò Mỹ. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, giá thịt lợn tăng cao cũng có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng giá thịt lợn tăng ở mức cao như thời gian vừa qua là phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường. Và có như vậy thì người chăn nuôi mới có lãi.

Nhiều chuyên gia phân tích rằng, việc đưa thịt heo vào danh sách hàng bình ổn giá thì cơ quan chức năng phải nắm được số lượng heo trong các công ty lớn, trong dân. Đồng thời phải minh bạch được giá từ chuồng trại đến người tiêu dùng, từ đó mới giải quyết được bài toán cung cầu.

Trong khi hiện nay, chúng ta khó biết giá con heo sau khi xuất chuồng hoặc rời cổng các công ty thì sau đó là giá bao nhiêu, qua bao nhiêu khâu, chi phí nào… rồi mới đến tay người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp thực phẩm cho rằng, để ổn định lại giá heo thì ngành chức năng nên giảm thuế nhập khẩu và doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu thịt heo. Thị trường sẽ quyết định giá cả thịt heo, nguồn cung thiếu thì giá tăng cao và ngược lại. 

“Việc đưa thịt heo vào diện bình ổn giá theo tôi thì không nên. Bởi bình ổn giá thì lấy cái gì bình ổn?! Vì giá heo tăng cao không phải do tư thương hay ai làm giá mà do ảnh hưởng dịch bệnh tả heo Châu Phi khiến việc tái đàn khó khăn. Chúng ta nên tuyên truyền người tiêu dùng chuyển đổi dùng thực phẩm khác”, chủ một doanh nghiệp chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng nên để giá thịt heo vận hành theo cơ chế thị trường. Vấn đề mấu chốt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nên hỗ trợ người dân chăn nuôi hiệu quả hơn, tái đàn tốt, nhất là cung cấp kịp thời chính xác thông tin tổng đàn heo trong nước, giá heo thế giới và diễn biến dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động tăng hay giảm đàn hợp lý.

Liên quan đến việc giá thịt lợn tăng cao, mới đây, văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Theo đó, ngoài việc giao Bộ NN&PTNT kiểm soát tốt dịch bệnh, tổ chức tăng đàn, tái đàn,... Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ với mặt hàng thịt lợn từ cửa trại, cửa chuồng nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.

Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép; phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo khẩn trương hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn hàng tại các nước xuất khẩu.

Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính trong quản lý và đề xuất chính sách tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu bổ sung phần thịt lợn thiếu hụt trên thị trường, không để thiếu nguồn thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi và các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Bài liên quan