Chủ tịch Quốc hội: 'Anh Lộc nói như vậy là chỉ đứng về phía doanh nghiệp”

Thứ tư, 14/08/2019, 15:31 PM

Trước phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng việc tăng lương, giảm giờ làm chưa phù hợp với mức độ phát triển của Việt Nam, người Việt đáng ra cần lao động hăng say hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận: “Anh Lộc nói như vậy là chỉ đứng về phía doanh nghiệp”.

chu-tich-quoc-hoi-anh-loc-noi-nhu-vay-la-chi-dung-ve-phia-doanh-nghiep
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Ngày 14/8, trong phiên thảo luận về những ý kiến khác nhau liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vấn đề tăng giờ làm thêm luôn được đặt ra mỗi khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng cho một số ngành nghề do Chính phủ quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng khẳng định: “Không lý gì tăng giờ làm” và cho biết nhu cầu tăng giờ làm thêm không phải là phổ biến, thường xuyên mà chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, khi thực hiện phong trào thi đua được phát động hay trong mùa vụ, đơn hàng gấp của doanh nghiệp chứ không thể tạo cớ để lúc nào cũng tăng giờ làm với người lao động.

Ông Tỵ nhấn mạnh, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm vì liên quan đến con người, nguyện vọng của đa số người lao động là được giảm chứ không phải tăng giờ làm nên cần đánh giá tác động của đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa đến tâm tư, nguyện vọng người lao động.

chu-tich-quoc-hoi-anh-loc-noi-nhu-vay-la-chi-dung-ve-phia-doanh-nghiep
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Trong khi đó, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thể hiện sự ủng hộ đề xuất của Chính phủ là nới khung thời gian làm thêm giờ tối đa lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm) vì việc này quan trọng với những ngành lao động sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Ông Lộc cũng muốn giữ nguyên quy định về tiền lương làm thêm giờ như hiện nay vì tăng tiền lương luỹ tiến theo giờ là tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, trong bối cảnh rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Về vấn đề giờ làm việc bình thường, Chủ tịch VCCI cũng so sánh, xu hướng thế giới, với những nền kinh tế ở trình độ phát triển tương tự như Việt Nam, tuyệt đại đa số vẫn đều quy định mức làm việc 48 giờ/tuần (tức 6 ngày/tuần, 8 giờ/ngày). Chỉ một số nước phát triển cao thực hiện quy định làm việc 44 giờ/tuần, như khu vực ASEAN mới chỉ có 2 nước áp dụng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận: “Anh Lộc nói như vậy là chỉ đứng về phía doanh nghiệp”.

“Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động cho thấy, tình trạng vi phạm làm thêm giờ khá phổ biến, phần lớn do nhu cầu của doanh nghiệp muốn tăng doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư, chi phí sản xuất mà tăng giờ là tối ưu nhất. Đây là sự thật đấy anh Lộc ạ. Trong nhiều trường hợp, người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định, như mong muốn của chúng ta dành cho họ đâu” -  Chủ tịch Quốc hội nói với Chủ tịch VCCI.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với quan điểm, thời đại ngày nay, khi phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, lẽ ra cần phải giảm thời gian lao động xuống thì việc tăng giờ làm thêm là một nghịch lý.

“Quan điểm của tôi là không đồng ý khi hướng tới xã hội tiến bộ mà chúng ta lại ngồi đây tính thêm giờ làm cho người lao động. Lần trước tôi có phát biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng sau khi đọc lại lịch sử quan điểm của chúng ta từ trước đến nay và đi theo xu hướng tiến bộ thì tôi đề nghị rất cân nhắc liệu chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh, chúng ta là nước định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này cần phải trả lời câu hỏi với những quy định mới thì người lao động, người sử dụng lao động, xã hội được gì, quyền lợi nào của người lao động được tăng lên, quyền lợi nào của người sử dụng lao động được đảm bảo. Phải hài hoà lợi ích chứ không bảo vệ một phía, phải tìm được điểm cân bằng giữa bảo vệ người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Chủ tịch Quốc hội: 'Người ta chỉ chăm chăm để ra một cái quỹ để được quyền thu, được quyền chi trong này'

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực nhà nước và yêu cầu rà soát và dẹp bỏ quỹ nhỏ, không hoạt động.

 

Quốc hội không thông qua tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi), tuy nhiên đề xuất quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai không được chấp nhận.

 

Quốc hội quyết định cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi lái xe

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết, tỉ lệ tán thành là 84,30%.