Chữa hiếm muộn – Hành trình yêu thương đầy nước mắt

Thứ hai, 25/03/2019, 14:50 PM

Với những cặp vợ chồng phải chữa trị hiếm muộn - vô sinh, quãng thời gian hầu như không thể tính bằng ngày bằng tháng, mà ít nhất cũng phải kể bằng năm. 

chua hiem muon hanh trinh yeu thuong day nuoc mat
Hành trình chữa hiếm muộn, chữa vô sinh của các cặp vợ chồng luôn rất gian nan.

18 năm “lên núi xuống biển” và thành quả ngọt ngào của ông bố hot Facebook

Năm 2015, cư dân mạng đã “sục sôi truy tìm” ông bố của năm tay cầm bát bột, đầu đeo smartphone dỗ con ăn. Để rồi sau đó, khi tìm ra kết quả, mạng xã hội được một lần nữa dậy sóng bởi câu chuyện cảm động rơi nước mắt và đầy tình yêu thương ngọt ngào về hành trình để ông bố này có cậu con trai bé bỏng đó ở tuổi U50.

Đó là câu chuyện về anh Lê Xuân Lịch (Tuyên Quang) và vợ anh – chị Hồng Nhung. Sau khi bức ảnh anh sáng tạo cách dỗ con ăn được lan truyền, báo chí tìm đến, anh cũng lần đầu tiên chia sẻ về 18 năm ròng rã lên núi xuống biển của vợ chồng mình để có được thiên thần dễ thương đó.

Theo anh Lịch, sau khi cưới 2 năm vợ chồng anh vẫn chưa có con dù không dùng biện pháp gì. Hai vợ chồng đi khám thì nhận kết quả vô sinh nguyên nhân từ vợ anh do chị bị tắc hai vòi trứng.

Xác định yêu thương, đồng hành hết sức với vợ dù bất cứ kết quả thế nào, suốt 18 năm ròng rã, anh Lịch đưa về đi đủ mọi nơi để cắt thuốc nam, thuốc bắc, đi từ Tuyên Quang xuống Hà Nội, vào Sài Gòn để khám hiếm muộn. Chị cũng được các bác sĩ tiến hành mổ thông 2 vòi trứng, làm thụ tinh ống nghiệm tới 3 lần, tới ngày 5/11/2014, sau đúng 18 năm chạy chữa, anh chị mới được đón bé Quang Minh trong niềm hạnh phúc vô bờ.

Câu chuyện của anh chị đã truyền đi những xúc cảm đẹp đẽ với nhiều người, không chỉ bởi hành trình kiên trì đến khó tin, mà bởi chính tình yêu và niềm lạc quan của anh dành cho vợ. Dù đã có nhiều lần, khi thất bại trong việc điều trị, chị Hồng Nhung vợ anh muốn giải phóng để chồng tìm kiếm một hạnh phúc mới trọn vẹn hơn, nhưng anh đã luôn ở bên động viên, hỗ trợ chị. Anh chị đã phải vượt qua nhiều áp lực từ gia đình, những áp lực về kinh tế để cuối cùng có thể có được kết quả viên mãn cùng nhau.

Theo GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia, tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam hiện nay là 7,7%. Tuy nhiên, số lượng những cặp vợ chồng may mắn như vợ chồng anh Lịch – chị Nhung không phải là nhiều.

Do chi phí tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, cần sự kiên nhẫn, nhiều cặp vợ chồng đã không thể đeo đuổi hành trình tìm kiếm một đứa con cho chính mình. Có nhiều đôi vợ chồng điều trị thất bại trong thời gian dài vì vợ hoặc chồng không vượt qua được áp lực từ phía hai gia đình, luôn luôn căng thẳng. Lại có nhiều cặp vợ chồng không chia sẻ được với nhau, quay ra đổ lỗi cho nhau khiến cho hành trình chạy chữa đứt đoạn…

Vô sinh – hiếm muộn, nên chữa chạy thế nào?

Thực tế, có những việc càng nôn nóng càng khó có kết quả tốt. Chữa hiếm muộn - vô sinh cũng vậy.

Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, sau một thời gian chung sống không sử dụng biện pháp tránh thai mà không thụ thai, các cặp vợ chồng nên cùng đưa nhau đi khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Để việc thăm khám có kết quả chính xác, người bệnh cần đến các bệnh viện uy tín, khám chuyên sâu để tìm ra tận gốc nguyên nhân hiếm muộn.

Tiếp đó, dựa trên đánh giá của bác sĩ, người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp với khả năng của mình và với nguyên nhân dẫn đến việc vô sinh.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để việc điều trị vô sinh-hiếm muộn có hiệu quả là việc giữ gìn tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái; tránh stress cho cả hai vợ chồng. Chăm sóc giữ gìn cho cơ thể có một sức khỏe nền tảng tốt để tăng cường sức khỏe sinh sản.

Hành trình chữa hiếm muộn, chữa vô sinh thực sự gian nan, vì thế các cặp vợ chồng hãy kiên trì nhé.