Thứ sáu, 24/05/2019, 16:18 PM
  • Click để copy

Chuyện buồn ở xóm vạn chài Khe Thơi

Từ bao đời nay, cuộc sống của những cư dân xóm vạn chài Khe Thơi đã dập dềnh theo sông nước. Có những hộ gia đình cả bốn, năm đời trọn duyên cùng dòng sông.

chuyen-buon-o-xom-van-chai-khe-thoi
Người dân sống trên thuyền, trồng rau ngay trên thuyền

Cư dân ở xóm vạn chài này bao năm qua đã mưu sinh trên sông nước, trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà đã gắn bó cả cuộc đời trên thuyền cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay.

Cách chân cầu Khe Thơi chừng 200m, là nơi ở của 17 hộ dân với gần 70 nhân khẩu thuộc xóm vạn chài bản Viềng Khử, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Họ là những con người không tên, không tuổi và đã quá quen với tên gọi: Xóm chài. Cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp.

Đứng trên cầu Khe Thơi nhìn xuống, những chiếc lồng của các hộ dân xóm vạn chài nối dài, kề sát vào nhau như con trăn khổng lồ tựa sát vào bờ sông. Con đường nhỏ hẹp, nằm bên cạnh chân cầu nối liền với làng vạn là nơi các thương lái ngày ngày tìm đến mua cá đem đi nơi khác bán.

Xóm vạn chài ở nơi đây có từ bao giờ, cũng chẳng ai nhớ nổi, chỉ biết nó đã hiện hữu từ rất lâu. Bà con ở Viềng Thử cho biết, cách đây khoảng 5 năm, trên khúc sông Lam đoạn dưới chân cầu khe thơi này có tới vài chục gia đình vạn đò trú ngụ. Bây giờ, phần thì một số đã lên bờ lập nghiệp, phần ngược lên phía trên, nhưng còn lại cũng khoảng gần 17 gia đình.

chuyen-buon-o-xom-van-chai-khe-thoi
Nhiều đứa trẻ sống và lớn lên trên thuyền

Dưới chân cầu Khe Thơi này có khoảng gần chục chiếc thuyền với vài chục nhân khẩu vẫn bám víu vào nhau sống qua ngày. Đây là một xóm chài nhỏ bé còn lại từ một làng chài lớn trước kia, bởi hầu hết những ngư dân trước kia đều đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác nhau.

Lúc chúng tôi đến thăm, đang là ngày triều kiệt, nước sông rất cạn. Các thuyền khác bên cạnh cũng phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm trễ họ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho tới hết đợt triều. Một hộ dân của xóm cho biết, đây là nơi ở mới của họ, trước xóm vạn chài ở dưới chân cầu Chôm Lôm, do mưa lũ và gió bão nên chính quyền xã đề nghị chuyển lên ở trên này.

Mấy chục con người trú ngụ bên mép sông, nhưng không gian vô cùng tĩnh lặng, thi thoảng chỉ nghe những tiếng rì rầm, bất chợt lao xao trên mặt sông càng làm cho khung cảnh xóm vạn đò thêm đìu hiu, buồn bã... Gọi là xóm chài bởi cư dân ở đây đều là dân tứ xứ, cùng về cư ngụ một góc sông tạo thành xóm, sống bằng nghề chài lưới và chở đò.

Một số cư dân khác thì làm nhà trên mặt nước, bám vào các mom sông và sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Từ lâu sông Lam đã được mệnh danh là một trong những dòng sông có màu nước đẹp và có nhiều loại cá nổi tiếng như: Cá dầm xanh, cá anh vũ, cá chiên... Xóm chài nơi đây mưu sinh chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông.

chuyen-buon-o-xom-van-chai-khe-thoi
Chỉ có vài đứa trẻ ở xóm chài được đi học

Nhấp ngụm trà nhạt, ông lão Võ Văn Thanh (67 tuổi), một cư dân xóm chài cười buồn: “Đời vạn chài như sống đời du mục. Vì mưu sinh có mấy khi ở lâu một chỗ, cứ phải lăn lóc nay đây, mai đó, trần mình để kiếm miếng ăn trong cuộc sống lúc nào cũng óc ách sóng nước dưới chân và gió ràn rạt thổi trên đầu. Ấy vậy mà tính đến nay cũng đến bốn thế hệ gắn bó trên sông nước rồi. Cứ ở mãi dưới sông có lẽ nghèo mãi thôi mà nếu có kéo nhau lên bờ biết làm gì để nuôi sống mình. Vạn chài chỉ gắn với sông nước, sống nhờ sông nước, nhiều khi ước ao được lên bờ nhưng vẫn mãi dở dang...”.

Ông Thanh cám cảnh: “Tôi năm nay bao tuổi thì cũng ngần ấy năm sống cùng sông nước. Trước tôi thì bố mẹ, ông bà cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm, chỉ thương bọn nhỏ cũng sống mà khác xa với chúng bạn trên bờ!”. 

chuyen-buon-o-xom-van-chai-khe-thoi
Ở trên dòng nước đẹp như tranh vẽ này, có những phận đời mưu sinh cần mẫn

Điều mà cư dân xóm vạn chài phải chấp nhận lâu nay đó là mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, nuôi gia súc, gia cầm... đều diễn ra trên sông. Thậm chí chỉ cần múc nước sông lên và đánh phèn chua cho lắng là có thể sử dụng làm nước ăn, uống.

Nguồn điện sinh hoạt đối với người dân nơi đây bấy lâu nay đã là cả một sự may mắn. Vì không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng điện ở dưới nước, nên không có hệ thống lưới điện cung cấp cho cư dân xóm nổi này. Họ phải dòng dây lấy điện từ những hộ gia đình trên bờ. Chỉ trên một khúc sông ngắn chảy qua nhưng ở đây có một cuộc sống khác hẳn với cuộc sống nhộn nhịp ở trên bờ. Họ lầm lũi và cần mẫn với cuộc sống mưu sinh.

chuyen-buon-o-xom-van-chai-khe-thoi
Ngày ngày, những cư dân xóm chài vẫn theo luồng nước mưu sinh

Mấy năm trước có một số hộ đã lên bờ định cư, một số bỏ đi nơi khác sinh sống, còn lại gần mười mấy hộ này vẫn chưa nghe chính quyền huyện, xã có hướng giải quyết, giúp bà con chuyển đổi cuộc sống thế nào.

Mấy năm trước, xã cũng vận động bà con lên bờ, nhưng không có quỹ đất để cấp cho bà con, vả lại có đất làm nhà thì cũng không có đất cho bà con canh tác làm ruộng làm rẫy, vậy là bà con vẫn mãi phải chịu cảnh sống lênh đênh sông nước.

Chiều muộn, từ trên cồn bãi, cách mép sông cả trăm mét, nhìn xuống khúc sông đã thấy những làn khói bay ra từ những con thuyền lan tỏa trên mặt sông buồn yên ả. Phía xa xa vẫn còn bóng dáng những ngư dân bắt cá lo bữa cơm cuối ngày. Họ vẫn chưa biết rồi mai này mình sẽ đi về đâu. 

Trong cuộc mưu sinh, hình như đâu đó vẫn đọng lại tiếng thở dài...

 

Nghệ An: Cháy trường mầm non, hơn 300 học sinh được sơ tán

Khoảng 11h30 ngày 7/5, đường dây điện chạy bên hông tòa nhà của trường mầm non Lê Mao, đóng trên đường Đinh Công Tráng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An xảy ra sự cố dẫn đến xảy ra đám cháy.

 

Nghệ An: Tìm thấy thi thể cô gái gọi điện về cho mẹ rồi nhảy xuống sông tự tử

Liên quan đến vụ việc cô gái gọi điện về cho mẹ rồi nhảy xuống sông tự tử, cơ quan chức năng cho biết, đã tìm thấy thi thể của cô gái vào tối 29/3.

 

Mưa đá dữ dội phá hỏng nhà cửa và hoa màu ở Nghệ An

Trận mưa đá kéo dài khoảng 30 phút vào chiều 6.4 ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phá hỏng nhiều nhà cửa và hoa màu.