Thứ hai, 19/11/2018, 16:11 PM
  • Click để copy

Chuyện cảm động về người thầy từng được Thủ tướng ca ngợi là Lục Vân Tiên thời nay

Dù đã ở tuổi 80 nhưng thầy giáo khiếm thị Phạm Đình Thắng (Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu) vẫn tận tụy, gắn bó với sự nghiệp trồng người. Thầy Thắng là người truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò khiếm thị và từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi là “Lục Vân Tiên thời nay”.

chuyen-cam-dong-ve-nguoi-thay-tung-duoc-thu-tuong-vi-la-luc-van-tien
Thầy giáo khiếm thị Phạm Đình Thắng và những học sinh cũ trong ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam.

Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi được gặp thầy Phạm Đình Thắng (SN 1938), người thầy khiếm thị nổi tiếng ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi là “Lục Vân Tiên thời nay”.

Năm nay thầy Thắng đã bước sang tuổi 80, không có gia đình riêng nên thầy sống một mình trong căn phòng Tư vấn chăm sóc viên rộng khoảng 10m2 ngay tại khu nội trú của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là nơi thầy vẫn hàng ngày chăm chú gõ từng trang chữ nổi truyền đạt kiến thức đến học trò.

Cuộc đời của thầy giáo khiếm thị  Phạm Đình Thắng là một câu chuyện cổ tích mang nhiều khát vọng, hy sinh, sự vươn lên trong cuộc sống. Một người thầy dành cả cuộc đời thắp sáng tương lai cho những mảnh đời tăm tối.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, thầy Phạm Đình Thắng kể về quãng đời và cơ duyên đưa ông gắn bó với "sự nghiệp trồng người" và đưa ông đến với ngôi trường thật đặc biệt này.

Thầy Phạm Đình Thắng sinh ra ở một vùng quê thuộc huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), bị cận bẩm sinh từ nhỏ. Nhưng với nỗ lực vượt lên số phận thầy đã trở thành một học sinh giỏi. Học xong cấp 3, thầy đỗ Trung cấp Sư phạm Hà Nội. Vào năm 1960, sau khi tốt nghiệp ra trường thầy Thắng tình nguyện lên vùng cao Lạng Sơn để giảng dạy theo tiếng gọi của đoàn thanh niên với khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên". 

chuyen-cam-dong-ve-nguoi-thay-tung-duoc-thu-tuong-ca-ngoi-la-luc-van-tien-thoi-nay
Người thầy giáo từng được Thủ tướng ca ngợi là Lục Vân Tiên thời nay.

Hơn 27 năm gắn bó với mảnh đất Lạng Sơn cũng là ngần ấy thời gian thầy Thắng bỏ công sức, trèo đèo lội suối, đến từng bản làng để vận động các em học sinh đến trường. Khó khăn, thiếu thốn, không ít đồng nghiệp của thầy Thắng đã quyết định bỏ nghề "trồng người" về xuôi, nhưng bản thân thầy Thắng vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường để gieo chữ cho các em học sinh vùng cao.

Có một ký ức đặc biệt mà thầy Thắng vẫn nhớ như in. Đó là vào năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra trường học của thầy đã phải đã sơ tán. Tuy nhiên, để kịp làm báo cáo cấp trên, thầy Thắng vẫn ở lại.

"Đến đêm, thầy quyết định vượt vòng vây. Do mắt kém, không đi được đường tắt hiểm trở thầy đánh liều đi đến vùng an toàn bằng đường nhựa. Cứ nghe thấy tiếng xe địch thầy lại nằm xuống giả chết. Cứ bền bỉ như thế, sau hơn một ngày thầy ra được đến vùng an toàn", thầy Thắng hồi tưởng lại.

Thầy Thắng sau đó đã tập hợp các thầy cô giáo sơ tán tại một ngôi trường nhỏ và làm biển thông báo mời các em học sinh của các trường đang sơ tán về học tại đây. Cũng chính thầy Thắng là người kịp mang theo con dấu của trường. Nhờ con dấu đó, các thầy cô tại ngôi trường tập kết ấy đã có giấy giới thiệu để đi mua nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống cho các em học sinh. Năm học đặc biệt đó, trường đã vận động, thu hút hơn 160 em học sinh đến học.

chuyen-cam-dong-ve-nguoi-thay-tung-duoc-thu-tuong-ca-ngoi-la-luc-van-tien-thoi-nay
Bao lớp học trò được thầy Thắng chăm chút từ ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu.

Đến năm 1987, vì bệnh tật hiểm nghèo nên sức khỏe của thầy Thắng giảm sút, đôi mắt vì thế cũng không còn nhìn rõ. Trước hoàn cảnh đó, thầy Thắng đã làm đơn xin vào giảng dạy tại ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) và trở thành một trong số những giáo viên đầu tiên của trường.

Những ngày đầu mới về trường, thầy Thắng phải dành nhiều thời gian để bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho trẻ khiếm thị. Thầy tự học chữ nổi, tìm tòi những tấm gương nghị lực để truyền cảm hứng cho các học sinh.

Ngoài việc dạy các em kiến thưc, thầy Thắng được phân công phụ trách khu ký túc xá, công việc hàng ngày luôn bận rộn. Thầy lo cho các học sinh của mình từ miếng ăn, giấc ngủ, coi học sinh như con ruột, trò chuyện, chia sẻ chuyện buồn vui. Với nhiều thế hệ học sinh ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, thầy Thắng không chỉ là người gieo mầm, ươm chữ mà còn giống như một người cha, người bạn đặc biệt, đầy yêu thương.

Thầy Thắng luôn tâm niệm rằng phải làm sao để những học trò của mình tự tin, không còn mặc cảm để sống với chính nghị lực của bản thân.

“Người ta nghĩ đến mù lòa là nghĩ đến xoa bóp, đến vót tăm, đến bán hàng rong, ăn xin... Tôi và các đồng nghiệp ở trường Nguyễn Đình Chiểu lại muốn các em tin rằng người khiếm thị vẫn có thể học hành tốt, vẫn có thể thành công trong cuộc sống.

chuyen-cam-dong-ve-nguoi-thay-tung-duoc-thu-tuong-vi-la-luc-van-tien
Hành lang ký túc xá gắn bó với hình ảnh người thầy giáo khiếm thị.

Thực tế đã có nhiều học sinh của tôi trưởng thành, như thủ khoa Đại học Sư phạm Đào Thu Hương (một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2010), hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân... hay đơn giản là những em dù khuyết tật nhưng vẫn có công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ“, thầy Thắng tự hào chia sẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu, đã có bao mảnh đời bất hạnh được thầy Thắng chăm sóc, vun tưới để trưởng thành, là những bông hoa đẹp, người có ích cho xã hội... 

Thầy Thắng tâm sự: “Hàng năm cứ đến ngày 20/11, học trò cũ là các em khiếm thị, kể cả các trò là con em các dân tộc ở tỉnh Lạng Sơn- nơi tôi từng công tác gọi điện hoặc tới thăm, chúc mừng. Đó là tình cảm, là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất đối với tôi”.

Hơn 50 năm gắn bó với ngành Giáo dục, thầy Phạm Đình Thắng đã vinh dự nhân được bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, cùng với nhiều tấm huân - huy chương, giấy khen chiến sỹ thi đua. Nhưng với thầy, phần thưởng lớn nhất mà thầy nhận được chính là sự trường thành, thành công của những em học sinh mà thầy dìu dắt.

chuyen-cam-dong-ve-nguoi-thay-tung-duoc-thu-tuong-ca-ngoi-la-luc-van-tien-thoi-nay
Bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải tặng thầy giáo Phạm Đình Thắng.

Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Kim Nga - Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình chiểu cho biết: "Đối với học sinh, thầy Thắng coi như con em mình, chăm sóc từng giây phút. Chúng tôi rất quý trọng thầy vì những cống hiến của ông cho mái trường Nguyễn Đình Chiểu và sẽ chăm sóc thầy đến suốt cuộc đời".

Dự và phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2016 tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Tôi rất xúc động và tự hào khi đọc trên báo câu chuyện về tấm gương của những người thầy, người cô trường Nguyễn Đình Chiểu.

Đó là cô Nguyễn Thúy Ngà, cô Trương Thúy Hằng… Tôi đặc biệt xúc động khi đọc câu chuyện về thầy Phạm Đình Thắng, người thầy mù luôn tận tụy vì nghề, với từng cá nhân các em học sinh khiếm thị. Dù thầy không có Kiều Nguyệt Nga bên cạnh nhưng thầy Phạm Đình Thắng chính là Lục Vân Tiên của thời nay.

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng nhiều thách thức. Làm thầy, cô giáo của các em học sinh khiếm thị càng đòi hỏi sự tận tụy đến cùng, lòng kiên trì đặc biệt và tính hi sinh.”

 

 

Người khiếm thị sẽ được mở tài khoản, phát hành thẻ tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng.

 

Thí sinh khiếm thị ở Đà Nẵng: Được giám thị đọc đề và viết hộ

“Được sự hỗ trợ trong việc đọc và viết của các giám thị, em đã hoàn thành suôn sẻ môn thi đầu tiên và tự tin vào bài làm của mình”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Phương Trang-một trong số các thí sinh đặc biệt ở kì thi THPT quốc gia 2018 tại TP Đà Nẵng.

 

Dương Mịch là ai và Dương Mịch bị tố ‘quỵt tiền từ thiện’ của trẻ khiếm thị

Dương Mịch là ai? Dương Mịch 1986 là nữ diễn viên Trung Quốc được biết đến qua vai Quách Tương trong Thần điêu đại hiệp, Vương Chiêu Quân trong Truyền kỳ Vương Chiêu Quân và Lạc Tình Xuyên trong phim truyền hình Cung tỏa tâm ngọc.